"Giữ lửa" cho ca trù Thăng Long

Nguyễn Quang Long| 05/03/2020 16:27

(HNMCT) - Câu chuyện nghệ thuật được chú ý nhất mấy ngày gần đây có lẽ là việc Google bất ngờ đưa biểu tượng ca trù lên trang chủ. Động thái này được hiểu là nhằm tôn vinh hình ảnh ca trù Việt Nam của thanh công cụ tìm kiếm phổ biến nhất toàn cầu hiện nay. Đương nhiên đây là một niềm vui. Và cũng vì điều này khiến tôi suy nghĩ về ca trù nhiều hơn.

Việc phát triển ca trù trong những năm qua đã đạt những thành tựu đáng kể. Ảnh: Tuấn Anh

1. Đầu những năm 2000, một nhà hát thính phòng cổ truyền với không gian vài chục mét vuông được ra mắt công chúng Hà Nội ngay tại phố Hàng Bồ, đánh dấu sự ra đời của Câu lạc bộ Sắc Việt.

Đến với đời sống từ sự tâm huyết của NSND Thanh Ngoan và các nghệ sĩ của Giáo phường ca trù Thái Hà, Sắc Việt giới thiệu ca trù, chèo đặc sắc của dân tộc. Tôi biết đến sân khấu này thông qua NSND Thanh Ngoan, khi ấy, chị cùng cộng sự mong muốn tạo một không gian riêng cho nghệ thuật truyền thống dân tộc.

“Muốn nghệ thuật đến được với công chúng thì bản thân người nghệ sĩ phải tự tìm không gian, môi trường cho nghệ thuật đó có cơ hội được sáng đèn”, NSND Thanh Ngoan chia sẻ. Để có một không gian riêng cho các nghệ sĩ đắm mình vào nghệ thuật, cho khán giả có địa điểm để được tìm về, Thanh Ngoan cùng những nghệ sĩ đồng hành khi ấy phải tự đầu tư kinh phí, chấp nhận có thể không có thu hoặc thu không đủ chi.

Tiếc rằng Sắc Việt chỉ tồn tại chừng nửa năm thì tạm lui vì phải nhường mặt bằng cho việc kinh doanh khác. Song, cũng nhờ Sắc Việt, tôi biết đến những câu chuyện sâu hơn về tâm huyết gìn giữ báu vật ca trù trên mảnh đất Thăng Long của dòng họ một thời nức tiếng đất Hà thành, từng được quan đại thần Hoàng Cao Khải ban cho hàng nghìn mét vuông đất ở ấp Thái Hà để xây nhà thờ họ, đền ca công thờ tổ nghề, chính là Giáo phường ca trù Thái Hà.

2. Nhân sự kiện Google vinh danh ca trù, tôi tìm đến nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Khuê, 59 tuổi, Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thái Hà. Ông bảo: “Một năm có 365 ngày, Google dành một ngày vinh danh ca trù là quá hạnh phúc”.

Câu chuyện của chúng tôi ngược về quá khứ, về thời vàng son của một dòng tộc gắn liền với nghệ thuật ca trù nổi tiếng đất Hà thành: “Khi tôi về Thái Hà những năm 1970 vẫn còn nguyên cái đền ca công to lắm, nằm trên mảnh đất phải đến mấy nghìn mét. Dòng họ tôi tụ tập ở đấy hết”.

Ông Khuê chững lại, từ từ cất câu thơ: “Trống Bốn roi Thi chầu Tú điểm/ Đàn Nhàn phách Phẩm hát em Năm”, rồi giải thích đó là tên những kép đàn, ca nương nức tiếng, trong đó, bà Phẩm nổi tiếng nhất với tiếng phách. Ông Khuê còn giới thiệu một cái tên nữa từng được quan lại triều Nguyễn tặng cho danh hiệu “đệ nhất bộ”: “Danh đại giáo phường đệ nhất bộ/ Tuyết ca nương thuở nọ ấy là ai”. Đó là ca nương Nguyễn Thị Tuyết, người từng được vua Tự Đức tặng tượng vàng.

Thời Pháp thuộc, ca trù được khuyến khích mở ca quán. “Có lẽ bởi họ thấy ca trù đặc biệt. Ca trù là môn độc nhất vô nhị, gắn liền với văn sĩ, dân trí thức cao. Người Pháp muốn mở ca quán, tạo ra cái xóm Khâm Thiên để ru ngủ các văn nghệ sĩ. Chính những cô đào rượu làm nhiều người nhầm tưởng là ca nương khiến người đời nghĩ xấu về ca trù, chứ người ả đào không bao giờ làm cái việc ấy”, nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê phân tích nguyên nhân khiến ca trù có thời gian bị hiểu sai, thậm chí bị miệt thị.

Nhưng, tiếng xấu còn đeo bám ca trù trong nhiều thập niên nữa. Sau ngày Thủ đô được giải phóng, có quan điểm cho rằng ca trù là một thứ gì đó gắn liền với phong kiến, thói ăn chơi sa đọa. “Giai đoạn ấy những người mẫu mực nhất cũng không nhận là đào nương nữa. Nhưng vẫn có một người dám vỗ ngực “tôi hát ả đào, tôi là con nhà ả đào” mà không ngại, đó là bà Hồ (NSND Quách Thị Hồ)”. Nghệ nhân Khuê chia sẻ thêm: “Bà thứ hai là bà Phúc (nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc), thời ấy bà chuyên hát văn nhưng cũng biết ca trù. Hai bà không ngại nhận là biết hát ca trù”.

Dẫu không mặc cảm, dẫu vẫn muốn được cất tiếng hát nhưng ở thời điểm ấy ở Hà Nội gần như không ai nghe ca trù. Chính vì vậy khi biết nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi vẫn âm thầm truyền nghề ca trù cho dòng tộc Thái Hà của mình, thậm chí ông Mùi vẫn giữ được tất cả băng đĩa mà các cụ sang tận Hồng Kông thu từ những năm 1890, rồi nghệ nhân đàn đáy Phó Đình Kỳ (con trai cụ Phó Đức Ban, anh trai nghệ nhân Phó Thị Kim Đức) vẫn thường xuyên xuống nhà dạy đàn, nên bà Quách Thị Hồ đã thường xuyên tìm đến để có nơi giãi bày. Ông Khuê (chính là con trai trưởng của cụ Mùi) chia sẻ: “Để có công việc cho thu nhập qua ngày, bà Quách Thị Hồ phải đi phu hồ. Có hôm bà vẫn mặc nguyên bộ quần áo công nhân đến nhà, tay chân còn vôi vữa, xây xước”.

3. Câu chuyện về cố NSND Quách Thị Hồ mà nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê chia sẻ diễn ra ở thời điểm 1984 - 1985. Hơn hai thập niên sau, khi ca trù đã dần được quan tâm một cách thấu đáo thì vẫn còn không ít khó khăn trong việc tạo không gian cho ca trù tiếp cận với khán giả - như trường hợp của Sắc Việt. Vậy nhưng rõ ràng thứ nghệ thuật thuộc hàng bác học của nghệ thuật truyền thống dân tộc này đã và đang ngày càng được nhìn nhận đúng vị trí cũng như vai trò của nó. Đặc biệt là việc UNESCO ghi danh ca trù vào hàng di sản thế giới.

Những nỗ lực phục hồi không biết mệt mỏi đã cho kết quả, để tới thời điểm này ca trù đã xuất hiện ở gần 20 tỉnh, thành phố trong nước. Riêng Hà Nội hiện có 20 câu lạc bộ ca trù với số nghệ nhân lên tới cả trăm. Hà Nội cũng đã 2 lần tổ chức Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội. Lần gần đây nhất là vào đầu tháng 11-2019 với 26 thí sinh tham dự. Thí sinh nhỏ tuổi nhất mới lên 4 và lớn tuổi nhất là 30. Đáng chú ý là có đến gần 90% thí sinh lần đầu tiên tham gia Liên hoan.

Nhìn vào những thông tin trên, dễ nhận thấy sự hồi sinh của ca trù được thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ độ tuổi cho tới phần việc phát triển nguồn nhân lực mới. Hỏi nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê có vui với những thông số này, ông đáp: “Đương nhiên là đáng mừng rồi”. Đó là thành quả sau nhiều năm nỗ lực không chỉ của riêng Hà Nội.

Dù vậy tôi vẫn đem băn khoăn chia sẻ với nghệ nhân Khuê, rằng liệu ca trù có phát triển rầm rộ thành một thể loại ca hát đại chúng hay không? Và rằng sự phát huy nhân rộng mô hình câu lạc bộ ca trù hiện nay liệu có ổn hay không? Hóa ra đây cũng chính là những băn khoăn của ông. Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê cho rằng, ca trù không phải là môn nghệ thuật dành cho đại chúng mà xưa kia vốn chỉ dành cho tầng lớp quan viên, trí thức, những người không chỉ am hiểu chữ Hán Nôm mà am hiểu cả niêm luật của thơ để vận vào ca trù. Muốn trở thành một kép đàn, đào nương xưa kia rất khó, đòi hỏi phải học từ khi còn nhỏ và học cả cuộc đời. Hơn nữa, ca trù xưa không có câu lạc bộ, chỉ hoạt động trong giáo phường và chỉ truyền dạy cho con cháu trong giáo phường. Nếu người ngoài muốn học phải xin vào giúp việc gia đình và xin làm con nuôi...

4. Có thể thấy, việc phát triển ca trù trong những năm qua đã đạt những thành tựu đáng kể, đặc biệt là sự phát triển thành phong trào. Đây là một nhiệm vụ quan trọng và có thể coi là đã hoàn thành. Vậy, việc cần làm với ca trù Hà Nội trong thời gian tới là gì? “Phải tập trung vào chất lượng thông qua công tác trọng tâm là đào tạo” - nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê cho biết. Ca trù có ít nhất khoảng 10 không gian như nhà tơ, nhà ti, ca quán, ca công, cửa đình..., đồng thời có hơn 100 thể cách trong khi hiện nay chỉ phổ biến vài thể cách. Nếu nói vậy thì phục hồi thật khó, đòi hỏi cần có thời gian, vừa có sự chuyên cần, trong khi tái tạo không gian diễn xướng của nó cũng là cả một vấn đề. Theo nghệ nhân Khuê: “Những không gian phù hợp ta phát huy, các thể cách thì giáo phường Thái Hà vẫn nắm giữ đủ cả”.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh từng chia sẻ quan điểm tương tự, đồng thời ông cũng cho rằng cần phải đào tạo lại về chuyên môn đối với ca trù. Trong khi đó, quan điểm của cá nhân người viết thì việc phát huy ca trù không nên ở bề nổi, mang tính phong trào mà cần tập trung vào chất. Chọn những nơi có truyền thống để phục dựng, chọn những thầy thực sự có chuyên môn để truyền đạt. Cũng chỉ nên phát triển ở những địa phương, gia đình có truyền thống từ xa xưa. Chẳng hạn như Lỗ Khê (Đông Anh) hay Cổ Đạm (Hà Tĩnh). Theo nghệ nhân Khuê, nên tập trung phục hồi lối hát cửa đình ở Lỗ Khê. Ông nói: “Thiếu thì chúng tôi có thể bổ sung được, từ giáo hương, giáo trống đến tất cả các bài tôi đều nhớ hết”. Và điểm cần tập trung nữa là Giáo phường ca trù Thái Hà và bà Kim Đức. Nếu làm được như thế, ca trù sẽ ổn dần về chất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Giữ lửa" cho ca trù Thăng Long