Bài cuối: Bảo tồn và phát triển

Đinh Luyện - Diên Khánh| 24/02/2020 08:00

(HNM) - Để bảo tồn và phát triển tinh hoa nghề cổ, tạo nên sự tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các làng nghề ở Thủ đô, rõ ràng không chỉ trông đợi vào sự tự ý thức của thế hệ trẻ hay lòng nhiệt tình của các nghệ nhân, mà cần có sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng.

Chạm khắc tượng Phật tại làng nghề điêu khắc gỗ truyền thống Sơn Đồng (huyện Hoài Đức). Ảnh: Tùng Lâm

Cha truyền, con nối

Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) từ lâu đã là điểm du lịch làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội. Đến đây du khách sẽ được chứng kiến không khí làm việc, chế tác, giao dịch, tham quan, mua sắm diễn ra sôi nổi. Đó là minh chứng cho sức sống của làng nghề, nơi có những người thợ thủ công tài hoa, khéo léo đã thổi hồn vào trong từng thớ gỗ.

Trò chuyện với các lão nghệ nhân hay những người thợ trẻ, dễ nhận ra yếu tố “cha truyền con nối” ở làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng còn rõ nét đến hôm nay. Các bậc cao niên của làng cho biết, trong đền Thượng (xã Sơn Đồng) thờ cụ tổ nghề Đào Trực. Ngọc phả soạn năm 976 (thời vua Đinh Tiên Hoàng) ghi cụ Đào Trực là người có công khôi phục nghề và dạy cho dân, khi qua đời được dân Sơn Đồng lập miếu thờ, tôn là “Công sư phục nghệ”. Rất nhiều di tích, di sản ở Thủ đô nghìn năm tuổi có dấu ấn đôi tay tài hoa của các nghệ nhân Sơn Đồng như cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các…

Sau quãng thời gian làng nghề bị mai một, đến năm 1983, hai nghệ nhân Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Chí Dậu đứng ra tổ chức lớp học nghề chạm khắc gỗ, sơn mài cho 30 con em của làng Sơn Đồng. Việc làm đó đã kích thích “lửa nghề” của các nghệ nhân khác để họ chung tay truyền nghề và lứa học viên đó nay đã trưởng thành, là những nghệ nhân giỏi, chủ cơ sở sản xuất lớn, tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đến nay, làng có 33 người được tặng danh hiệu nghệ nhân.

Đặc biệt, ở Sơn Đồng có một lớp người trẻ không chỉ giỏi nghề chế tác mà còn năng động trong kinh doanh, góp phần đưa thương hiệu của làng đi xa. Giỏi nghề và tâm huyết phải kể đến những nghệ nhân: Nguyễn Viết Hồng, Nguyễn Viết Thạnh, Nguyễn Chí Quảng, Trần Đình Cường… Ông Nguyễn Danh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, cho biết: “Từ bao đời, làng nghề của chúng tôi chủ yếu mang tính cha truyền, con nối. Trải qua những thăng trầm, người dân Sơn Đồng đã lấy ngày 6 tháng Hai âm lịch hằng năm là ngày hội làng, tế lễ Thành hoàng”.

Trong khi đó, tại làng gốm sứ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), các nghệ nhân ngoài tài năng và tâm huyết còn không ngừng sáng tạo. Nhiều sản phẩm do các nghệ nhân ở đây làm ra đôi khi còn mang vẻ đẹp vượt cả sự tưởng tượng của chính họ. Bát Tràng cũng là điểm du lịch làng nghề được đánh giá thuộc loại sôi động nhất cả nước và đang được xây dựng mô hình Làng nghề kiểu mẫu.

Không ít du khách nước ngoài sau khi đến thăm, trải nghiệm đã nhận xét về sản phẩm của làng: Sự đa dạng trong mẫu mã, từ sản phẩm bình dân đến cao cấp, từ dòng men trơn đến dòng họa tiết nổi, hay cách pha đất để được nhiều mẻ gốm có độ tinh xảo độc đáo. Điều đó chứng tỏ làng nghề không dừng lại, mà luôn có sự vận động tích cực để phát triển và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường.

Nghệ nhân Phạm Anh Đức chia sẻ: “Các lò gốm thủ công ở Bát Tràng tuyệt đối giấu nghề theo kiểu cha truyền, con nối. Mỗi nghệ nhân đều có bí quyết riêng trong việc sáng tác, giống như trăm hoa đua nở, bởi thế sản phẩm gốm Bát Tràng ngày càng phát triển”. Còn nghệ nhân Hà Văn Lâm, cho hay: “Ở Bát Tràng mỗi nghệ nhân có một thế mạnh và họ có cách để bảo tồn thế mạnh ấy cho đời sau. Việc dạy nghề cho con cháu là những việc làm liên tục, thường xuyên”.

Nghệ nhân thời hội nhập

Hội nhập, theo các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng là phải không ngừng sáng tạo để có sản phẩm tốt, được người tiêu dùng đón nhận, có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Chính vì thế, tháng 5-2012, Câu lạc bộ Nghệ nhân - Thợ giỏi làng gốm cổ truyền Bát Tràng đã ra đời. Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Câu lạc bộ sẽ sinh hoạt đều đặn, xoay quanh các chủ đề: Sáng tạo mẫu mã, kỹ thuật đốt lò, kỹ thuật men, tổ chức các cuộc giao lưu với giới văn nghệ sĩ để có thêm ý tưởng sáng tác... Bên cạnh giữ bí quyết riêng, các nghệ nhân sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Câu lạc bộ cũng chú trọng vào việc truyền nghề giữa các thế hệ…

Để đưa sản phẩm làng gốm hội nhập quốc tế, nghệ nhân Phạm Thế Anh đã mất nhiều năm sáng tạo ra sản phẩm gốm đất “Hồng sa”. Sinh ra và lớn lên ở làng gốm cổ ven sông Hồng, đồng thời là một học trò xuất sắc của các lão nghệ nhân trong làng, anh luôn trăn trở tìm hướng phát triển làng nghề. Khi chất liệu gốm đi vào lối mòn, anh ao ước có thể tìm ra chất liệu mới, gắn với miền châu thổ sông Hồng. Đầu năm 2019, Phạm Thế Anh đã sáng tạo ra chất liệu mới và bảo vệ thành công sáng chế của mình: Luyện đất từ phù sa sông Hồng để làm gốm. Điều đó đã minh chứng cho sức sáng tạo không ngừng nghỉ ở làng gốm truyền thống Bát Tràng.

Cũng để “hội nhập”, năm 2002 làng nghề Sơn Đồng thành lập Hiệp hội Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng với tiêu chí “Hội tụ tinh hoa - Đoàn kết - Liên kết cùng phát triển”. Năm 2013, UBND huyện Hoài Đức ký quyết định thành lập Hội Làng nghề mỹ nghệ xã Sơn Đồng, gồm 11 chi hội ở 11 thôn và 3 câu lạc bộ trực thuộc. Hội viên ngày càng đông, tạo mối đoàn kết, kết nối giữa những nghệ nhân, thợ giỏi, mở các lớp dạy nghề để mở rộng sản xuất. Nhiều làng nghề ở Phú Xuyên, Thường Tín, Mỹ Đức, Chương Mỹ… cũng xây dựng những tổ chức, hội nghề nghiệp, mở lớp dạy nghề, truyền nghề. Mỗi năm có hàng chục lớp học do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với địa phương tổ chức. Đó là nơi để các nghệ nhân và những người thợ thủ công tạo nên sức sống cho làng nghề.

Thực tế đã có không ít nghệ nhân tâm huyết, giữ nghề, mang sản phẩm đi giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới. Họ trở thành những “sứ giả” giao thương, giúp thế giới biết nhiều hơn về văn hóa, con người Việt Nam. Khi Thủ đô cùng cả nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng chính các nghệ nhân là nòng cốt phát triển làng nghề, với những con số xuất khẩu ấn tượng lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, khẳng định: “Các nghệ nhân là những báu vật, cần tôn vinh và tạo môi trường để họ dạy nghề, truyền nghề. Có thời gian chúng ta đã chậm trễ trong việc vinh danh nghệ nhân, thậm chí nhiều người đã qua đời mà chưa kịp được vinh danh. Những bất cập này đã ảnh hưởng đến các nghệ nhân, ảnh hưởng lớn đến việc truyền dạy, tiếp nối”.

Hà Nội là đất trăm nghề, nơi hội tụ nhiều làng nghề, nhiều nghệ nhân khắp cả nước. Đó là niềm tự hào, cũng là cơ hội để người trẻ nhận ra động lực vươn tới những giá trị lớn lao chứ không chỉ là công việc mưu sinh mỗi ngày. Chính vì vậy, việc tìm kiếm, trao truyền nghề cổ cho thế hệ trẻ cần có sự chung tay của cộng đồng, như vậy mới phát huy được những giá trị truyền thống để bảo tồn và phát triển các làng nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Bảo tồn và phát triển