Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh: Sức sống lâu bền

Nguyễn Thanh| 16/02/2020 07:57

(HNM) - Phát tích từ vùng núi Ba Vì, trấn Sơn Tây xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thánh đứng đầu trong “Tứ bất tử” thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết cùng ước vọng chinh phục thiên nhiên ngàn đời của người Việt. Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh không chỉ nổi bật về khả năng lan tỏa, sức sống lâu bền mà còn biểu hiện cho tính thống nhất trong sự đa dạng văn hóa của cộng đồng.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại đền Thượng (huyện Ba Vì).

Đồng nhất trong đa dạng

Non thiêng Ba Vì - Tản Viên từ xa xưa đã được "định vị" với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Nơi đó, Sơn Tinh hiện lên như một vị anh hùng khai sơn trị thủy. Khắp vùng Ba Vì, đâu đâu cũng có những dấu tích chế ngự thiên tai của Sơn Tinh, như: Bãi Đá Chông, ngọn U Bò, dãy Gò Choi, núi Đá Chèm, tre Ngòi Lạt...; những làng mạc còn lưu thần tích, ngọc phả ghi nhớ công ơn vị sơn thần dạy dân cách tạo lửa, đánh bắt, trồng trọt và ca múa. Đặc biệt, hiện hữu dày đặc và thuyết phục hơn cả là tục thờ Tản Viên Sơn Thánh trải khắp xứ Đoài, với cộng đồng nhiều dân tộc cùng thực hành tín ngưỡng.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết, Tản Viên Sơn Thánh được thờ phụng ở hầu khắp cả nước, song nơi phát tích được xác định là mảnh đất xứ Đoài, với trung tâm thờ phụng thuộc khu vực quanh núi Ba Vì. Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh sản sinh hàng chục lễ hội với nhiều nghi thức tế lễ, diễn - diễu trang trọng và độc đáo. Ở đây, mỗi cộng đồng dân cư có cách thức thực hành khác nhau, tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn.

Có thể kể đến hội đình làng Khê Thượng, xã Sơn Đà, với tục chèo đò qua sông đêm 30 Tết, hàm ý rước đức Thánh cùng gia quyến, tùy tùng qua sông về lễ, Tết vua cha trên núi Nghĩa Lĩnh. Hội đình Khê Thượng còn có các trò đấu vật, chém may... mang nghĩa đe dọa cho thủy quái kinh sợ mà không dám quấy phá dân làng. Hội xã Tòng Bạt có tục dâng cúng lưỡi búa bằng đá, bằng đồng..., tượng trưng cho những lưỡi tầm sét thu thập được sau trận đại thắng Thủy Tinh, đẩy lùi mưa lũ. Hội đền Thượng, đền Trung, đền Hạ thì không bao giờ thiếu được tiếng cồng, tiếng chiêng hào hùng, khỏe khoắn của người Mường, điệu múa chuông của người Mán...

Bà Đặng Thị Mát, thủ nhang đền Thượng, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, chia sẻ, dù đa dạng nghi thức, song các lễ hội tại di tích thờ Đức Thánh Tản đều thực hành nghi lễ rước nước, với quy trình là lấy dòng nước trong sạch, tinh khiết nhất ở giữa sông Hồng vào khung giờ linh, mang về tắm thánh nhằm tỏ lòng thành kính, đồng thời thể hiện ước mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. “Chính vì vậy, các lễ hội thuộc hệ thống di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh luôn đồng nhất trong đa dạng, phản ánh mối liên kết cộng đồng sâu sắc...”, bà Đặng Thị Mát cho hay.

Nhiều giải pháp bảo tồn, gìn giữ

Ngoài vùng núi Ba Vì với hệ thống di tích đậm đặc, trên địa bàn Hà Nội còn có gần 100 đình, đền khác gắn liền với công trạng vị sơn thần. Dù không nằm trong vùng trung tâm tín ngưỡng song không vì thế mà nghi lễ thờ cúng Tản Viên tại Sơn Tây, Phúc Thọ, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ... thiếu đi yếu tố độc đáo, hấp dẫn. Ở mỗi di tích, theo truyền thuyết là nơi Thánh Tản Viên từng đặt chân qua, tùy theo câu chuyện được cộng đồng lưu giữ, mà có những tục hèm đặc sắc khác nhau.

Đó là đình làng Đại Phu, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, nơi lưu giữ bài bản hát Dô độc nhất vô nhị, tương truyền là loại hình dân vũ được Tản Viên dạy để mừng lúa mới. Đền Và, thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, duy trì tục “đả ngư” - đánh cá thờ, tưởng nhớ công ơn vị thần núi chỉ dân cách đánh bắt thủy sản...

Theo nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh được hình thành từ xa xưa, thể hiện niềm ngưỡng vọng của nhân dân đối với vị thần có công lao to lớn và toàn diện của dân tộc - anh hùng trị thủy, khai sáng văn hóa và liên minh các bộ tộc. Không chỉ đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa của mọi tầng lớp dân cư, tín ngưỡng còn góp phần giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc qua các thế hệ tiếp nối, trao truyền di sản.

Với những giá trị to lớn đó, trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã có rất nhiều cách làm nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh trong đời sống cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, huyện đã tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học; tiến hành phục hồi một số nghi thức, trò chơi, tục hèm... bị mai một; huy động nguồn lực xã hội hóa tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ với tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng; thực hiện số hóa tư liệu từ hơn 30 nhân vật chủ chốt nắm giữ và thực hành di sản trên địa bàn với trên 15 giờ ghi âm, 500 phút phim tư liệu, 10 báo cáo điền dã; lên kế hoạch bảo tồn 100 di tích liên quan đến tục thờ Đức Thánh Tản Viên trên địa bàn huyện...

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là nét văn hóa đặc sắc của Ba Vì trong chiến lược phát triển văn hóa và du lịch địa phương. Trong thời gian tới, huyện sẽ triển khai chương trình hành động nhằm bảo vệ, giữ gìn không gian văn hóa tâm linh vùng núi Ba Vì, tăng cường sự gắn kết cộng đồng trong bảo vệ di sản; tiếp tục bảo tồn, xây dựng thành lễ hội vùng; đồng thời, tiến tới hoàn thiện hồ sơ, trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

“Tục thờ Đức Thánh Tản Viên là tập quán tâm linh của người dân Việt từ hàng ngàn năm trước. Tín ngưỡng cũng đã trở thành một di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam và huyện Ba Vì sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và đầu tư để trở thành một sản phẩm du lịch quý giá của địa phương”, ông Đỗ Mạnh Hưng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh: Sức sống lâu bền