Vang bóng giáo phường ca trù Đồng Trữ

Lam Điền| 23/01/2020 07:41

(HNNN) - Ca dao Phú Nghĩa có câu: “Hỡi cô mà thắt bao xanh/ Có về Đồng Trữ với anh thì về/ Đồng Trữ có gốc cây đề/ Có hồ tắm mát có nghề cầm ca”. “Nghề cầm ca” ở đây là hát ca trù, một loại hình nghệ thuật vừa dân gian vừa bác học, rất đặc sắc, một phương tiện hữu hiệu thể hiện đời sống tâm hồn, tình cảm con người. Tìm lại danh tiếng giáo phường ca trù là góp phần khẳng định sức sống bền bỉ của văn hóa Việt.

Sử sách lưu danh

Đồng Trữ xưa kia là một làng của xã Yên Trường, tổng Cao Bộ, huyện Chương Đức, nay thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Làng nằm ngay bên quốc lộ 6, cách trung tâm huyện chỉ 5km. Nơi đây vốn là vùng thuần nông, sau có thêm nghề mây tre giang đan nổi tiếng, sản phẩm đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Về văn hóa, đây là một trong những địa phương từng có giáo phường ca trù nổi tiếng ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. 

Ca trù còn có những tên gọi khác như hát cửa đình, hát cô đầu, hát ả đào. Theo nhạc sĩ, nhà nghiên văn hóa dân gian Nguyễn Văn Hạ, ca trù là một trong những loại hình ca nhạc ra đời sớm, là sản phẩm của lối hát cửa đền. Người có công tạo dựng lối hát này là bà Đào Thị nổi tiếng hát hay, múa giỏi, được vua Lý Thái Tổ (974 - 1028) ban thưởng, vinh danh.

Theo văn bia “Tân tạo tạc bi văn khế” ở đình Tiên Lữ (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ), tạo lập năm Đinh Dậu (1657) - tư liệu thành văn nói về ca trù sớm nhất đã tìm thấy ở Chương Mỹ - thì ca trù đã xuất hiện ở đây cách nay khoảng 400 năm. Một số giáo phường ca trù đã được thành lập và hoạt động rất hiệu quả như các giáo phường Tiên Lữ, Phương Bản, Long Châu... nhưng đến nay đều đã thất truyền. Giáo phường ca trù Đồng Trữ tuy xuất hiện muộn hơn, khoảng 200 năm trước, nhưng đã nhanh chóng trở thành giáo phường tiếng tăm và có ảnh hưởng rộng lớn ở cả xứ Đoài. Đặc biệt, trong thế kỷ XX, giáo phường Đồng Trữ đã để lại dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử phát triển của mình. Những năm cuối thế kỷ XX, giáo phường Đồng Trữ lâm vào cảnh thoái trào nhưng dư âm còn vang vọng.

Thời điểm tổ chức hát ca trù xưa kia thường là những ngày xuân, ngày hội và chủ yếu là hát thờ ở các cửa đình, sang thời hiện đại mới phát triển hình thức hát phục vụ hoặc biểu diễn theo yêu cầu, bất kể dịp nào trong năm. Theo lệ, mỗi giáo phường chỉ được hát ở một số cửa đình nhất định. Nếu muốn vượt qua hạn định đó thì phải có sự thỏa thuận, thậm chí các bên phải làm cam kết và khắc vào bia làm cho việc “chuyển nhượng” trở nên nghiêm túc. Tuy nhiên, giáo phường Đồng Trữ đã mở rộng được phạm vi hoạt động nhờ biết sử dụng phương thức giao lưu hữu hảo giữa các nghệ nhân của giáo phường mình với các giáo phường bạn. Điều đó làm cho ca trù có một phương thức hoạt động mới, cởi mở hơn, đi sâu vào đời sống và công lao đó thuộc về các nghệ nhân Đồng Trữ.

Chỉ tính từ đầu thế kỷ XX cho đến nay, giáo phường ca trù Đồng Trữ đã có năm thế hệ nối tiếp nhau bảo tồn, lưu truyền vốn quý nghệ thuật. Người được coi là có công đầu trong việc phát triển và truyền dạy ca trù cho các thế hệ sau là cụ kép Trần Bá Dinh (1873 - 1945), còn gọi là cụ trùm Dinh. Cùng thế hệ đó, có cụ Trần Thị Dư (vợ cụ trùm Dinh), các cụ Trần Thị Chi, Trần Thị Tý, Hoàng Thị Miên... đều là người nhà hoặc họ hàng với cụ Dinh. Phương thức lưu hành ca trù thời các cụ thế hệ đầu tiên chủ yếu là hát đình môn (hát cửa đình). Thời đó, hầu hết các cửa đình trong huyện đều do giáo phường Đồng Trữ giữ lệ khoán nước. Thời cực thịnh, họ hát suốt mấy tháng mùa xuân, đôi khi có đi hát ở công đường, mừng khao thọ, mừng tân gia...

Gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống

Tiếng hát ca trù Đồng Trữ có nét quyến rũ riêng, rất lạ, có lẽ do thổ âm vùng này: “Lác đác tuyết sương rơi vò võ/ Bâng khuâng kẻ mơ màng thần nữ/ Thăm thẳm trời xanh bóng tố nga...”. Người hát ca trù có đàn, phách đệm, họa. Nhạc cụ là bộ gõ, chất liệu là tre già, dùng mặt cật để gõ vào nhau cho tiếng được trong. Nó gồm một khổ tre dài chừng 40cm, to bằng ba ngón tay, và hai thanh tre nhỏ. Người hát mặc áo dài cổ tròn không xẻ tà, trùm xuống tận gót, ngồi quặt chân về một bên, hai tay cầm thanh tre nhỏ gõ vào thanh tre lớn đặt trước mặt theo nhịp hát. Về sau có thêm cây đàn đáy, âm thanh đục hay thanh tùy theo cách chơi. Ca trù còn đòi hỏi có không gian biểu diễn phù hợp: Nếu là hát cúng thì phải trang nghiêm; nếu là để thù tạc, phục vụ lễ hội thì rõ nét dân dã... Nhưng dù gì thì giọng hát của nghệ nhân vẫn là yếu tố quyết định. Hầu hết nghệ nhân hát ca trù lão luyện đều đã có dịp thử sức với bài Hát ả phiền ngả ba mươi sáu giọng, hát xẩm cô đầu hay bài hát nói Hồng hồng tuyết tuyết trứ danh mà nghệ nhân Quách Thị Hồ (1909 - 2001) từng làm say lòng bao khán thính giả trong, ngoài nước...

Thế hệ thứ hai gồm con cháu của cụ Dinh và các nghệ nhân cùng trang lứa như các ông, bà Trần Bá Nhượng, Trần Bá Nhạnh, Trần Thị Cầm, Võ Thị Tuyết, Nguyễn Thị Chẻo, Nguyễn Thị Trà... Thế hệ thứ ba là các ông, bà Võ Văn Ngảu, Trần Bá Kiết, Trần Thị Mơ, Trần Thị Đích, Trần Thị Nả... Từ năm 1920 trở đi, ở các thành thị phát triển đã bắt đầu xuất hiện nhà hát cô đầu, tạo ra một hình thức lưu hành ca trù mới.

Ngoài các nhà hát cô đầu nổi tiếng ở Hà Nội thì ở Hà Đông, nơi chỉ cách Đồng Trữ hơn 10km, đã có hẳn một phố cô đầu (phố Bông Đỏ) với gần 20 quán do ông Tư Thiêm, quê ở làng Đơ xây dựng và cho thuê. Trong hoàn cảnh đó, giáo phường ca trù Đồng Trữ tìm cách thích ứng với sự cạnh tranh bằng cách một mặt vẫn phát triển hoạt động tại chỗ, mặt khác chia nhỏ lực lượng nghệ nhân, cử một số người ra Hà Đông, thuê 4 quán cô đầu ở Bông Đỏ để hoạt động. Một số nghệ nhân nổi tiếng thuộc thế hệ này là cụ kép Cống, khi đó đã 73 tuổi, một nghệ sĩ đàn đáy trứ danh và đào Cải, đào Tuệ... Ca trù gắn liền với cuộc đời họ, như cơm ăn nước uống, như không khí: “Con chim khôn chết mệt vì mồi/ Nó kêu réo rắt gọi người tình nhân/ Bấy lâu nay vắng vẻ khách Châu Trần/ Làm thân con nhện mấy lần vương tơ...”. Tuy nhiên, đến tháng 3-1945, khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp tại Việt Nam thì hoạt động hát ca trù ở phố cô đầu Bông Đỏ tan rã hoàn toàn.

Sau đó, hoạt động của giáo phường ca trù Đồng Trữ có phần trầm lắng, do nhiều nguyên nhân, nhưng vẫn âm thầm chuẩn bị cho việc phục hồi vì vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết tuy đã ở tuổi thượng thọ. Thế hệ thứ tư được tính từ sau năm 1975, có người đã ở tuổi “tri thiên mệnh” như Trần Bá Vật, Nguyễn Ngọc Huỵch..., số khác thì đang độ tuổi 40 như Trần Thị Khăn, Trần Thị Nhanh... Trong các năm 1975 - 1976, một số lớp dạy ca trù đã được tổ chức và có ghi âm những bài tiêu biểu làm tài liệu học tập và để lưu giữ. Năm 1999, giáo phường Đồng Trữ đã tổ chức một chầu hát góp vui nhân dịp địa phương được đón nhận danh hiệu Làng văn hóa. Năm 2001, ông Nguyễn Đức Luống chính thức tái lập gánh hát và đến năm 2006, Câu lạc bộ Ca trù Đồng Trữ được thành lập. Nhiều nghệ nhân, dù còn ở Đồng Trữ hay đã chuyển đi nơi khác, vẫn tiếp tục hát ca trù, tham gia hoạt động của các câu lạc bộ ca trù, truyền dạy hát ca trù cho lớp trẻ. Thế hệ thứ năm có các cháu còn rất trẻ như Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Linh, Nguyễn Thị Trang... đều sinh năm 2002, và nhiều cháu mới chỉ trên dưới 10 tuổi, đem lại sức sống mới cho ca trù Đồng Trữ.

Sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của giáo phường ca trù Đồng Trữ góp phần khẳng định văn hóa - nghệ thuật dân gian Việt Nam hết sức đa dạng, phong phú, có sức sống lâu bền và có sức lan tỏa rộng rãi. Tìm lại danh tiếng giáo phường ca trù là góp phần khẳng định sức sống bền bỉ của văn hóa Việt. Ca trù không chỉ gắn chặt với đời sống tâm hồn, tình cảm con người Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế quan tâm, ngưỡng mộ. Trong thời đại mới, ca trù vẫn còn nguyên sự quyến rũ và tiếp tục đồng hành cùng dân tộc đi tới tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vang bóng giáo phường ca trù Đồng Trữ