Đôn Thư - làng khoa bảng

Bằng Giang| 03/01/2020 10:47

(HNMCT) - Trấn Sơn Nam Thượng xưa là vùng đất nằm phía Nam Thăng Long - Hà Nội được mệnh danh là nơi địa linh nhân kiệt, nổi danh hiếu học. Nhiều người đỗ đạt cao, tên tuổi được nêu trên bảng vàng, khắc vào bia đá, ghi trong sử sách của nước nhà, tạo thành những làng khoa bảng với những phong tục văn hóa đẹp... Trong số những làng khoa bảng đó, làng Đôn Thư, thuộc phủ Ứng Thiên (nay thuộc xã Kim Thư, huyện Thanh Oai) là một làng cổ đặc biệt.

Buổi lễ tuyên dương học sinh giỏi truyền thống hiếu học của người Kim Thư.

Làng được các đời vua triều Nguyễn ban tặng các bức đại tự “Mỹ tục khả phong”, “Văn khí hạo nhiên” - làng có phong tục đẹp, mạch văn tốt, hiếu học, cần cù, đoàn kết. Truyền thống đó được bồi đắp vững bền cho đến ngày nay.

Địa linh

Đôn Thư nằm giữa một bên là sông Đáy, một bên là đường 21 từ Hà Đông đi Vân Đình. Hai tuyến giao thông đường bộ và đường thủy chạy song song tạo ra vị thế đặc biệt quan trọng cả về quân sự và giao lưu kinh tế - xã hội thuận lợi cho cư dân ở đây.

Trên mảnh đất Đôn Thư còn nhiều dấu tích chứng minh đây là vùng đất cổ có từ trên 2.000 năm trước, từ thuở Hai Bà Trưng dấy binh chống giặc nhà Hán. Đôn Thư có nhiều gò đống tự nhiên, tạo nên thế đất được xem là “linh địa”, có “tứ linh quần tụ”, “tượng chầu hổ bái”. Thời Lý, khi dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, triều đình đã chú trọng đắp đê, mở mang nông nghiệp. "Đất lành chim đậu", theo thời gian, Đôn Thư trở thành làng với hơn ba mươi dòng họ sống quần tụ, nhân hòa ở 9 xóm. Đường làng, ngõ xóm của Đôn Thư đều thoáng rộng, được lát gạch từ xưa, góp phần làm cho cảnh quan nơi đây tăng thêm nghĩa mỹ tục khả phong.

Đình Đôn Thư thờ Thành hoàng làng là ngài Quang Ý Đại Vương, võ tướng thời Lý có công dạy dân nghề làm nón, nghề nông và chăn tằm ươm tơ. Theo lưu truyền, tên làng Đôn Thư do Thành hoàng làng đặt cho: Thư là sách, đôn là cái giá để sách. Đôn Thư - như một bức thông điệp về sự phát tích của văn nghiệp khoa bảng thi thư của làng ven sông Đáy này.

Các triều đại phong kiến đã minh chứng điều đó: Đôn Thư có tới hơn ba mươi vị đỗ đạt, từ tú tài, cử nhân, tiến sĩ, tới thám hoa, làm quan trong triều, làm tri huyện, tri phủ ở nhiều địa phương và để lại tiếng thơm về sự minh quan, thương dân, lập nhiều công lớn cho nước cho dân, được nhân dân truyền tụng, ghi nhớ. Đình làng Đôn Thư hiện còn 16 đạo sắc phong và 6 bức hoành phi và nhiều câu đối rất giá trị, trong đó có bức “Văn khí hạo nhiên” (mạch văn tốt đẹp là lẽ đương nhiên) và bức “Cổ đạo chiếu nhan” (ý nói rằng đạo lý từ xưa ở vùng đất này đã sáng chói).

Làng người quân tử - làng khoa bảng đặc biệt

Ở vùng Thanh Oai xưa và nay, dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Dù ai lử khử lừ khừ/ Uống bát nước giếng Đôn Thư lại giòn” ngợi ca công trạng của Tiến sĩ Vũ Công Trấn, vị đại phu đỗ đại khoa nổi danh một thời. Cụ là “ông Nghè khai khoa” để làng Đôn Thư nổi danh là làng khoa bảng. Cụ cũng là người hiến đất cho dân, dạy dân đào giếng, dựng chùa, khuyên dân sống nghĩa tình. Giếng làng bao đời nay vẫn trong mát, như một bức tranh đẹp trong khuôn viên di tích đình làng.

Trong Lịch triều hiến chương loại chí, nhà bác học Phan Huy Chú đã dành nhiều trang viết về cụ Vũ Công Trấn (1685 - 1755), người làng Đôn Thư, văn chương nổi tiếng, 40 tuổi đỗ Tiến sĩ, sau đó lại đỗ khoa Đông các. Làm quan coi việc công đường, cụ là người quân tử, thẳng thắn, trung thực. Cụ từng giữ chức Bồi tụng Tả thị lang Bộ binh kiêm Đông các Đại học sĩ, được ban tước Thư Trạch hầu. Năm 1754, cụ được cử đi các địa phương xem xét việc kiện tụng, giải oan cho nhiều người.

Trong dân gian có nhiều câu chuyện kể về cụ như một tấm gương đức độ, người thắp lửa nhân ái và truyền thống hiếu học của làng Đôn Thư. Cuốn ngọc phả do Thám hoa Vũ Phạm Hàm soạn từ thời Nguyễn đã ca ngợi công đức của cụ Vũ Công Trấn: “Tôi là kẻ hậu học, may mắn được sinh ra ở làng người quân tử. Ngài để lại nền móng, nên tôi mới được đăng khoa như thế này... Làm thế nào cho đời sau noi nối bước chân của Người vậy”.

Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm là người nối tiếp truyền thống khoa bảng ở Đôn Thư một cách xuất sắc. Ông chính là vị Tam nguyên cuối cùng của lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam.

Câu chuyện về Thám hoa Phạm Vũ Hàm (sinh năm 1864, con cụ đồ Phạm Vũ Dự) vẫn được người Đôn Thư hôm nay kể lại cho con cháu nghe. Từ nhỏ Phạm Vũ Hàm đã có tư chất thông minh, khác người. Cụ đồ Dự muốn xin cho con học ở Quốc Tử Giám, nhưng nơi đây chỉ dành cho con em trong hoàng tộc. Nhờ giải được vế đối của quan Đốc học Vũ Nhự, Phạm Vũ Hàm được nhận làm con nuôi quan Đốc học, mang họ tên là Vũ Phạm Hàm để vào học trường Quốc Tử Giám.

Vũ Phạm Hàm từng được bổ nhiệm làm Đốc học tỉnh Hà Nội, Án sát tỉnh Hải Dương. Con đường quan lộ và tài năng văn chương của Thám hoa dù không kéo dài (ông mất năm 1906 thọ 42 tuổi) nhưng sự nghiệp và tấm lòng vị tha cùng khối văn chương ông để lại vô cùng to lớn, ý nghĩa. Với ông, “Đôn Thư” là “Hộ quốc”, làm quan Đốc học là để giúp người làng Đôn Thư có nhiều “Đôn thư” - giá sách hơn. 

Tiếp nối truyền thống "mỹ tục khả phong"

Người đặt ra hương ước cho làng Đôn Thư chính là cụ Vũ Công Trấn. Hương ước đề cao tinh thần dân chủ, bình đẳng và mang tính giáo dục, hướng thiện. Một trong 6 bức hoành phi ở đình làng có bức “Mỹ tục khả phong” do triều đình nhà Nguyễn ban tặng cho làng vào năm Tự Đức thứ 19, ý nói đây là làng có phong tục đẹp. Thám hoa Vũ Phạm Hàm cũng đã có câu đối ngợi ca cảnh đẹp và duyên cách của người Đôn Thư.

Có thể nói, nhân cách và chí khí cao cả của Tiến sĩ Vũ Công Trấn và Thám hoa Vũ Phạm Hàm mãi mãi soi sáng con đường học hành của các thế hệ con em làng Đôn Thư và cả xã Kim Thư.

Ông Bùi Mạnh Nguyên, nguyên Phó Trưởng phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chủ biên cuốn Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Kim Thư (1930-2010) rất tự hào về quê hương Đôn Thư: Truyền thống hiếu học đúng như “mạch văn” chảy từ xưa đến nay. Vào triều Nguyễn, làng có cụ Phạm Vũ Phác được mời vào dạy học cho con cái hoàng thất, trực tiếp dạy các vua Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức. Khi cụ về hưu đã được vua Tự Đức tặng đôi câu đối rất ý nghĩa: “Sự nghiệp tam triều vọng/ Văn chương nhất quốc sư”.

Ông Trịnh Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Kim Thư giới thiệu về quê hương Đôn Thư một cách đầy tự hào: "Các thế hệ người làng Đôn Thư luôn nâng niu tấm biển “Mỹ tục khả phong” với tất cả sự trân trọng, tự hào. Bởi đó là ngọn lửa tinh thần mà các bậc tiền bối đã truyền lại để khích lệ con em nơi đây luôn sống nhân ái, làm việc thiện. Đây cũng chính là điều cốt lõi trong xây dựng Làng văn hóa - Nông thôn mới hôm nay. Nét đặc biệt của làng Đôn Thư là chú trọng nền nếp gia phong, kỷ cương phép nước, lệ làng, lấy gương của người xưa để răn dạy con cháu".

Theo ông Trịnh Quyết Thắng, để khuyến khích việc dạy và học, trước đây Hương ước của làng quy định cấp cho mỗi hương sư (thầy giáo làng) một mẫu ruộng công làm lương bổng và miễn cho người có bằng sơ học yếu lược trở lên không phải đi lính, đi tuần. Trong thời hiện đại, sự học càng được khích lệ. Quỹ Khuyến học làng Đôn Thư được duy trì để hằng năm khen thưởng cho con em có thành tích cao trong học tập. Đến nay, xã Kim Thư có hơn 20 tiến sĩ, hơn 50 thạc sĩ, 5 giáo sư, phó giáo sư, trên 20 cán bộ giảng dạy bậc đại học, gần 500 người có trình độ đại học, cao đẳng...

Đôn Thư cũng là một trong những làng được tặng danh hiệu Làng văn hóa đầu tiên và liên tục của thành phố Hà Nội. Năm 2019, làng Đôn Thư có 80% số hộ đạt Gia đình văn hóa. Điều đó chứng tỏ, người sau đã noi nối bước chân của cụ Vũ Công Trấn, cho mạch thư trạch của làng thêm dài, văn học của làng thêm vượng - đúng như Thám hoa Vũ Phạm Hàm đã viết trên những bức cuốn thư ở đình làng năm xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đôn Thư - làng khoa bảng