Làng Canh ít ruộng nhiều nghề…

Lưu Kường| 29/12/2019 06:57

(HNM) - Làng Canh Hoạch, thường gọi là làng Canh (tên nôm là làng Vác, nay thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nằm cách trung tâm Thủ đô chừng 30km, nổi tiếng với nghề làm quạt và làm lồng chim từ xưa. Nghề làm quạt đã phôi phai khi điện lưới được giăng khắp mọi nhà, nhưng dấu ấn của nghề xưa vẫn được truyền tụng: “Canh Hoạch ít ruộng nhiều nghề/Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khua” và tục rước quạt mỗi dịp hội làng. Còn nghề làm lồng chim làng Canh thì vẫn phát triển, vang danh khắp cả nước với câu ca: “Ai về làng Vác nhắn nhờ/Mua lồng Canh Hoạch, đồ thờ Võ Lăng”.

“Chim quý phải ở lồng son”

Đến làng Canh dịp này cảm giác như “rơi tõm” vào một không gian xanh màu tre trúc và rộn ràng tiếng chim. Chỗ nào cũng thấy dựng tre phơi, ngổn ngang vật liệu. Sắp Tết nên làng nghề càng trở nên hối hả. Ai đó đã thống kê, mỗi ngày làng Canh bán được hàng nghìn lồng chim các loại. Nhờ vậy, quanh năm thợ làng Canh làm không hết việc.

Không khí trong nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ cũng tất bật, náo nức không khác gì một công trường đang thi công nhà cửa - những ngôi nhà xinh xắn đủ kiểu cho các chú chim, có chiếc tựa như tòa lâu đài được chạm trổ cầu kỳ. Thấy chúng tôi đang ngắm nghía ngoài sân, ông Nghệ bước ra chào khách bằng câu thơ cổ: “Môn đa khách đáo thiên tài đáo/Gia hữu nhân vô vạn vật lai” rồi vui vẻ giải nghĩa: “Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến/Nhà có người vào lắm của vào”. Câu chuyện nhờ thế càng thêm thú vị.

Khách mua lồng chim của một gia đình tại làng Canh Hoạch, xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai). Ảnh: Thái Hiền

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ, nghề làm lồng chim làng Vác hình thành cách đây gần hai trăm năm. Cụ nội của ông là cụ Tý từng làm lồng chim cho các gia đình ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc. Khi xảy ra chiến tranh, loạn lạc, cụ Tý trở về làng dạy con cháu đan lồng chim và kêu gọi mọi người cùng làm. Con trai cả của cụ Tý là nghệ nhân Nguyễn Đức Nghi (bố của ông Nghệ) rất yêu nghề và khéo tay. Lồng chim làm ra được hai cha con gánh vào Hà Nội bán cho các cửa hiệu ở phố Hàng Tre và quanh chợ Đồng Xuân.

Sau khi cụ Tý mất, ông Nghi thành thợ chính trong nhà. Lồng chim làm ra đến đâu bán hết đến đó. Đặc biệt, những chiếc lồng chim nuôi họa mi của ông Nghi làm đẹp nức tiếng trong vùng, có lẽ vì thế mà ông được dân làng gắn cho cái tục danh “Ba Mi”. Hồi đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ông Nghi còn được đặt làm lồng chim để treo tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, ngoài lồng họa mi còn có lồng nuôi cu gáy, chim yến và chim khướu. Đó chính là những chiếc lồng chim đẹp nhất trong cuộc đời làm nghề của nghệ nhân Nguyễn Đức Nghi, là tấm lòng của người làng Canh dâng lên Bác. Làng Canh từ đó có câu ca: “Chim hay cất tiếng ra ràng/Nhảy trong lồng ngọc cả làng cùng nghe”. Và ông Nghệ được cha truyền nghề từ thời đó.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ nhớ mãi lời cha dặn rằng “Chim quý phải ở lồng son”, nghề làm lồng chim cũng phải giữ đạo quân tử, trung thực, đặc biệt không được sơ sẩy dù chỉ một sợi nan nhỏ. Nếu ví việc luyện cho chim hót của người chơi chim cũng cầu kỳ, gian nan như công việc đào tạo một nghệ sĩ thì mỗi chiếc lồng chim phải là một tác phẩm nghệ thuật. Nhờ giữ lời cha dặn mà ông Nghệ trở thành người thợ nổi tiếng uy tín, tài hoa và được phong danh hiệu nghệ nhân từ năm 2006. Ông còn lập kỷ lục khi dự triển lãm ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 với chiếc lồng chim cao 2,7m và rộng 0,9m. Sau đó, ông giành giải Ba trong một cuộc thi làm lồng chim ở Hà Nội năm 2011…

Thương hiệu làng nghề

Lồng chim Canh Hoạch giờ đã trở thành “thương hiệu” trong giới chơi chim. Dù không ít người sắm lồng tận Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc), thậm chí nhiều lồng chim ngoại dùng cả ngà voi, điêu khắc để trang trí vành lồng, tay treo…, rất cầu kỳ nhưng không chắc đã bền đẹp, sang trọng bằng lồng Canh Hoạch. Tuy chỉ làm bằng tre ngâm hoặc mây nõn, cấu trúc giản đơn nhưng lồng làng Canh được tạo dáng khá bắt mắt và quan trọng là gọi được tiếng chim hót mỗi sớm mai. Có lẽ cái hồn cốt của nghề truyền thống và tình cảm của người thợ Canh Hoạch trong mỗi chiếc lồng chim khiến các chú chim có được cảm giác ấm áp, yên ổn vui chơi trong “ngôi nhà” của mình.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ cho biết, hiện làng Canh có nhiều thợ trẻ tài hoa, được mệnh danh là “đôi tay vàng” như Nguyễn Văn Khanh, Nguyễn Thanh Sứ, Trần Văn Toàn, Đào Văn Vững, Lương Văn Vỹ, Trần Văn Lập… Họ mạnh dạn đầu tư công nghệ và thiết kế, sản xuất những chiếc lồng đẹp không kém, nếu không muốn nói là còn hơn cả lồng Trung Quốc, Nhật Bản. Nghệ nhân Đào Văn Vững từng làm chiếc lồng chim cao 3m, đường kính 1,2m theo yêu cầu của một người ở thành phố Hồ Chí Minh. Do khách hàng đòi hỏi nan lồng phải thẳng, không được nối ghép, anh Vững phải lên Cao Bằng mua trúc về làm mới đạt yêu cầu. Đây được xem là kỷ lục mới của làng Canh, là niềm tự hào của những người thợ làng nghề. Ông Nghệ bảo, nhiều khách chơi kỹ tính, mang cả kính lúp ra soi từng nét chuốt nan hoặc nét khắc tích chuyện xưa. Nhiều tay chơi, nhất là giới Việt kiều, rất thích khắc trên lồng những tích truyện như “108 anh hùng Lương Sơn Bạc”, “Vinh quy bái tổ”, “Thập bát La hán”…, chỉ cần phát hiện một lỗi nhỏ là đòi đền bù hợp đồng. Vậy mà thợ làng Canh vẫn “cân hết”!

Do đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường nên người làng Canh rất chịu khó học hỏi, luyện tay nghề. Ngoài các lồng chim hình tròn, hình vuông, hình tháp hay hình lục lăng, hình vòm…, làng Canh còn có một “đặc sản” là lồng quả đào. Ngày càng có nhiều người thành phố thích chơi chim cu gáy, mỗi chiếc lồng lại có yêu cầu riêng, sao cho đẹp và thích nghi để chim luôn luôn cất tiếng gù ấm và dài nhất. Vì thế, những chiếc lồng quả đào độc đáo của làng Canh đã trở thành tổ ấm độc đáo của những chú chim cu.

Làng cổ Canh Hoạch giáp ngay mặt đường nên từ xưa đã có chợ và các cửa hàng buôn bán tạo thành con phố sầm uất. Đó chính là ngã tư Vác, trung tâm giao thương nổi tiếng trong lịch sử với câu ca: “Thứ nhất Cổ Bi. Thứ nhì Cổ Loa. Thứ ba Cổ Hoạch”. Các gia đình làm lồng chim ở Canh Hoạch, ngoài đem bán lẻ theo các phiên chợ ở Hà Đông hoặc mang lên chợ Bưởi, đường Hoàng Hoa Thám, còn chủ yếu gửi lên phố Vác bán cho khách qua đường. Ngã tư Vác bây giờ không chỉ bán lồng chim mà còn cả những mẫu đèn lồng và các chủng loại hàng đan lát khác. Thậm chí còn có những cửa hàng lớn bán tre, trúc và đủ các loại vật liệu cho người làng Canh làm lồng chim.

Cứ vào mỗi dịp đầu xuân, từng đoàn xe chở khách du lịch tấp nập ghé phố Vác trước khi tiếp tục hành trình vãng cảnh, chiêm bái chùa Hương. Người ta thích dừng chân ở ngã tư Vác không chỉ vì tiếng chim ríu ran trong buổi sớm mai êm đềm, mà còn bởi nét đẹp duyên dáng của những chiếc lồng Canh Hoạch đung đưa trong gió xuân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Canh ít ruộng nhiều nghề…