Khẳng định vị thế “Thủ đô di sản”

Bảo Khánh| 27/12/2019 21:50

(HNMCT) - Hà Nội - trái tim của cả nước và cũng là địa phương giàu có nhất về kho tàng di sản văn hóa, trong đó đặc biệt phải kể đến hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh... Đó là một trong những bộ phận cấu thành quan trọng góp phần tạo nên nền tảng văn hóa bền vững của một thành phố được mệnh danh là “Thủ đô di sản” như Hà Nội. Và bởi thế, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích ở Hà Nội càng đòi hỏi những bước đi cẩn trọng.

Di tích chùa Báo Ân (huyện Quốc Oai) bị xuống cấp nặng nề, nhiều pho tượng phải "mặc" áo mưa. Ảnh: Quang Tấn

Thành phố của những di sản

Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 1.000 năm, Hà Nội tự hào có được kho tàng di sản văn hóa vô giá, khẳng định vị thế là “Thủ đô di sản” với 5.922 di tích. Đặc điểm nổi bật của hệ thống di tích tại Hà Nội là sự đa dạng về loại hình di tích được phân bố ở cả 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó có thể kể đến 50 di tích lịch sử cách mạng, 2.007 ngôi chùa, 1.804 ngôi đình, 811 ngôi đền, 307 di tích thuộc các loại hình di tích khác (am, phủ, phố cổ, làng cổ, cửa ô...). Hệ thống di tích này không chỉ phản ánh bề dày văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội mà còn là nguồn lực mạnh mẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và khẳng định vị thế của một “Thủ đô di sản” trong quá trình hội nhập hôm nay.

 Nói về sự giàu có của kho tàng di sản văn hóa của Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng: “Trên mảnh đất không lớn này, từ núi Tản, sông Đà đến Cổ Loa, Ba Đình lịch sử đã lưu giữ trong lòng nó không biết bao nhiêu di sản văn hóa vô cùng quý giá. Có những di tích, những cổ vật tồn tại hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, mặc cho sự công phá tàn nhẫn của thời gian và chiến tranh...”.

Ông Emmanuel Cerise, Đại diện Vùng Île-de-France (Cộng hòa Pháp) tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX - Vietnam) thì cho rằng, Hà Nội là một thành phố mà hễ chạm tay tới đâu, người ta cũng có thể “chạm” vào di sản. Ông Emmanuel Cerise khẳng định, số lượng di sản phong phú của Hà Nội là nhân chứng cho nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, từ thời phong kiến cho đến giai đoạn thuộc địa, thời kỳ bao cấp và thời kỳ đổi mới. Mỗi công trình di tích đều như một trang sách mà qua đó người ta có thể đọc được lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến này. Điều đó làm nên sự khác biệt quan trọng giữa Hà Nội với những đô thị khác trong khu vực Đông Nam Á...

“Đối mặt” với thách thức bảo tồn

Hồi đầu năm nay, sư thầy Thích Đàm Trọng Nghĩa đã lên tiếng “kêu cứu” về sự xuống cấp của chùa Báo Ân (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai). Ngôi chùa 300 tuổi này được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990, sở hữu một hệ thống tượng đất độc đáo, có giá trị cao với phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII. Không ít người đã bày tỏ xót xa khi chứng kiến cảnh một di tích đã gần như trở thành phế tích. Toàn bộ tường, nền, sân trong khuôn viên chùa đều tróc lở, ẩm mốc. Phần mái ngói gian tam bảo chỗ đổ sụp, chỗ hở hoang hoác.

Tệ hơn, các bức tường đều mọc chằng chịt rễ cây, có chỗ thủng một khoảng vừa đủ một người chui qua. Gian tam bảo xuống cấp xập xệ khiến nhà sư trụ trì rất vất vả che mưa nắng cho hàng chục pho tượng quý. Sự tác động của thời tiết và cả sự thiếu ý thức của một bộ phận dân cư cũng khiến nhiều pho tượng rơi rụng cả đầu, tay, lộ cả cọc tre và phần đất bên trong. Khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng mới cho người đến gia cố, che chắn tạm thời, tháo dỡ toàn bộ mái ngói rồi... để đó hàng tháng trời mà không có biện pháp tu bổ, trùng tu phù hợp với tình trạng của di tích.

Tương tự, không ít lần dư luận đã “dậy sóng” trước tình trạng di tích bị “trẻ hóa” trong quá trình trùng tu, tôn tạo. Những di tích như chùa Bối Khê, chùa Khúc Thủy (Thanh Oai), đình Lương Xá (Ứng Hòa) hay trước đó là đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), chùa Bồ Đề (quận Long Biên)... đều bị xâm phạm nghiêm trọng dưới nhiều hình thức. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng, để xảy ra tình trạng ấy có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp, các địa phương và cả cộng đồng.

Thực tế cho thấy, có một phong trào làm mới di tích đang diễn ra khắp nơi do nhận thức yếu kém và có phần lệch lạc của người dân, chính quyền cũng như những người trông coi di tích và các “Mạnh Thường Quân” chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí xã hội hóa khi quan niệm rằng di tích phải to đẹp, hoành tráng, nhiều tầng mới xứng tầm. Họ đã quên đi rằng, di tích vốn là của cộng đồng, là nơi thực hành tín ngưỡng hay các sinh hoạt, phong tục tập quán của làng xã. Chính những giá trị văn hóa phi vật thể ấy mới là hồn cốt của di tích, giúp di tích “sống” trong đời sống và phát huy nguồn nội lực văn hóa trong nhân dân, giúp người dân hiểu và ý thức được những giá trị mà mình đang nắm giữ để từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo tồn di tích. Một khi nguồn lực văn hóa ấy đủ bền vững thì di tích khó có thể bị xâm phạm.

Một thách thức khác mà các di tích phải đối mặt hiện nay là đa phần đều có niên đại nhiều thế kỷ, chủ yếu được dựng bằng gỗ trong khi nguyên liệu này ngày càng khan hiếm, khiến cho việc tu bổ di tích càng trở nên khó khăn, đắt đỏ hơn. Nhiều nơi, cộng đồng địa phương và người dân đã tự ý thay thế bằng các nguyên liệu khác, làm sai lệch giá trị và mất đi yếu tố gốc của di tích.

Việc bảo vệ không gian, cảnh quan di tích cũng gặp không ít khó khăn trước tình trạng hàng quán vây quanh, đỗ xe sai quy định, du khách vô tư xả rác ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường di tích... Tại nhiều đình, đền, chùa, cứ sau mỗi mùa lễ hội, cây cối, cảnh quan lại bị phá hủy nặng nề bởi lượng người đến tham quan, chiêm bái, hành hương quá đông. Tình trạng thắp hương, hóa vàng không đúng nơi quy định, với số lượng lớn cũng khiến di tích bị xuống cấp, hư hỏng nặng và phải tốn khá nhiều tiền của để tu bổ, tôn tạo...

Bảo tồn bền vững giá trị di sản

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững, có rất nhiều giải pháp, nhưng yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là vai trò của cộng đồng, của người dân - những người trực tiếp nắm giữ di sản. Trước khi Luật Di sản văn hóa được ban hành, các đình, đền, chùa, miếu... đều thuộc sở hữu của cộng đồng. Người dân tự kiểm soát, bảo vệ, tôn tạo khi các di tích xuống cấp. Sau khi có Luật Di sản văn hóa, về mặt hành chính, các di tích lịch sử, văn hóa thuộc quyền quản lý của các cấp quản lý. Về tính sở hữu, di tích vẫn gắn bó chặt chẽ với người dân địa phương. Bởi vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, cộng đồng có vai trò rất quan trọng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

“Sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động quản lý có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra tính hiệu quả lâu dài của công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Cộng đồng địa phương không chỉ là một nguồn nhân lực dồi dào và luôn sẵn sàng tham gia một cách tự nguyện. Điều đó thể hiện họ là những chủ nhân gắn bó từ lâu đối với di tích lịch sử, văn hóa. Họ là người chủ đích thực, là người trao truyền những giá trị di sản qua nhiều thế hệ”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn nói.

Để biến tiềm năng của di sản văn hóa thành nguồn lực cho phát triển bền vững, theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hà Nội có đủ điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật và tri thức để triển khai số hóa dữ liệu về di sản văn hóa để có thể khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý và trao đổi thông tin. Đối với các khu di sản có quy mô lớn cần ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám (RS) trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, Hà Nội cần chủ động thực hiện các hình thức quảng bá di sản, nghiên cứu nhu cầu của thị trường khách trong và ngoài nước, tổ chức các chương trình, trưng bày chuyên đề phù hợp với nhu cầu của khách, để du khách có thể quay lại nhiều lần đồng thời liên kết với các công ty du lịch nhằm đưa du khách đến với các di tích ngày một nhiều hơn.

Với hệ thống di sản văn hóa đang hiện hữu trong đời sống hôm nay, nếu tiến hành một cách cẩn trọng, đồng bộ các giải pháp trên cơ sở thực tiễn, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Hà Nội sẽ mang lại những nguồn lợi đáng kể và góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Cần nhìn nhận người làm công tác bảo tồn như là người sáng tạo văn hóa chứ không chỉ là người “lính canh gác di sản”. Người sáng tạo văn hóa ấy phải làm sống lại di sản văn hóa trong đời sống hiện tại, thổi vào nó sức sống mạnh mẽ vốn có. Như thế, nhiệm vụ bảo tồn di sản không chỉ là giữ hay tái tạo giá trị cũ mà còn tạo mảnh đất tốt để các giá trị mới “đơm hoa, kết trái”.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam:

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước.

Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội là sự kết hợp hài hòa, hợp lý khoa học, thực tiễn giữa hai mặt gắn bó mật thiết: Một mặt là nhằm sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có; mặt khác là không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả của tổ chức và cá nhân, hướng tới thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình một cách tự giác hơn cũng như nâng cao khả năng thích ứng với các công việc trong tương lai.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam:

Bảo tồn là nhằm phục vụ cho phát triển, bất luận thế nào cũng không được làm phương hại tới yếu tố nguyên gốc, làm suy giảm giá trị của di sản văn hóa. Như thế có nghĩa là chúng ta chỉ lựa chọn và bảo vệ những yếu tố nguyên gốc cấu thành nên giá trị nổi bật của di sản. Và quan trọng hơn, phải làm cho các giá trị di sản thực sự có ích, tạo ra sinh kế cho cộng đồng cư dân xung quanh. Hà Nội nên thiết lập một danh mục các di sản văn hóa tiêu biểu với tư cách là những “biểu tượng văn hóa” để có cơ chế đặc thù cho việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản. Nếu đưa ra được mô hình thích hợp của một thành phố di sản ở tầm vĩ mô, Hà Nội sẽ đóng góp vào sự hình thành chính sách của UNESCO về di sản thế giới và phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vị thế “Thủ đô di sản”