Nét đẹp văn hóa từ những câu ca dao, tục ngữ ở Phú Xuyên

Minh Huệ| 23/12/2019 23:28

(NSHN) - Huyện Phú Xuyên nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội, có nền văn hóa lâu đời. Cho đến nay, Phú Xuyên vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc nói chung và của kinh đô Thăng Long nói riêng…

Theo những chứng tích được tìm thấy như trống đồng Hoàng Hạ, mộ thuyền..., Phú Xuyên là vùng đất cổ của nền văn minh đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 100 di tích văn hóa được các cấp công nhận và xếp hạng. Nhân dân Phú Xuyên cũng đang lưu giữ được nhiều chứng tích phi vật thể rất có giá trị, như: "Hò cửa đình và múa hát bài bông" ở làng Phú Nhiêu (xã Quang Trung); nghề nặn tò he ở thôn Xuân La (xã Phượng Dực); hát ca trù ở Chanh Thôn (xã Văn Nhân). Ngoài ra, trong kho tàng di sản văn hóa của huyện Phú Xuyên còn phải kể đến những lễ hội cổ truyền nổi tiếng, như: Hội vật cầu, hội đánh gậy ở Thượng Liễu (xã Tân Dân); hội chạy lợn ở Trại Diền (xã Hồng Thái); hội rước nước ở Cát Bi (xã Thụy Phú)...

Nhưng có lẽ ít người biết, trong kho tàng văn hóa dân gian, người dân Phú Xuyên còn lưu giữ được nhiều câu ca dao, tục ngữ ca ngợi về làng xóm, quê hương mình. Bước đầu, qua sưu tầm, năm 2010, huyện Phú Xuyên đã cho in cuốn sách dày 440 trang với nhan đề: "Tục ngữ, ca dao huyện Phú Xuyên - Xưa và nay". 

Cùng với sự phát triển của các làng nghề truyền thống, những câu ca dao, tục ngữ nói về quê hương Phú Xuyên đã phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân “đất trăm nghề”.

Chẳng hạn, nói về nghề khảm trai ở xã Chuyên Mỹ:

“Chuôn Ngọ có gốc bồ đề
Có sông tắm mát, có nghề khảm trai”.

Hay nói về nghề của các thôn thuộc xã Hoàng Long:

“Kẻ Dũi làm dũi, bán tôm
Cổ Đường bán mật, Thanh Xuyên bán ngài”.

Thôn Bái Đô, xã Tri Thủy có nghề làm nong; thôn Bái Xuyên thuộc xã Minh Tân có nghề đan bồ; thôn Hoàng Nguyên thuộc xã Tri Thủy có nghề dệt vải; thôn Thao Nội thuộc xã Sơn Hà có nghề làm ren...

Đông Thôn xay xáo chàng ơi
Dầu Tế rẽ guột ngồi rồi đếm trăm
Bằng Vồi nấu được rượu tăm
Đầu Đông thợ ngõa quanh năm cả làng”.

Không chỉ nói về các làng nghề truyền thống, người dân Phú Xuyên còn có các câu ca dao về sản xuất nông nghiệp:

“Phú Xuyên đồng trắng nước trong
Thóc gạo thì ít, rêu rong thì nhiều”.

Câu ca dao này phản ánh thực tế cách đây hàng chục năm về trước, khi hệ thống thủy lợi chưa được hoàn thiện, trong khi Phú Xuyên thuộc vùng trũng nên mỗi năm chỉ cấy được một vụ, còn từ tháng tư đến gần Tết Nguyên đán, đồng ruộng ngập trắng nước.

Phú Xuyên là đất hiếu học nên truyền thống này cũng đã đi vào ca dao:

"Em là con gái Ứng Thiên
Bán rau mua bút, mua nghiên cho chồng.
Bao giờ chiếm được bảng rồng
Bõ công gánh nước vun trồng cho rau".

(Địa danh Ứng Thiên trong câu ca dao là làng Ứng Thiên, nay là thôn Ứng Hòa, thuộc xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên).

Nghề nặn tò he ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên.

Dù cuộc sống ngày càng hiện đại, làng quê ngày càng đổi mới, nhưng những câu ca dao, tục ngữ về làng nghề, quê hương vẫn luôn được người dân Phú Xuyên lưu giữ như một vốn quý trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chị Nguyễn Thị Đào, quê ở xã Bạch Hạ (huyện Phú Xuyên), hiện đang công tác tại Bệnh viện Quân y 103 cho biết: “Khi còn là học sinh phổ thông, tôi học chuyên văn nên đã biết đến và rất yêu thích các câu ca dao, tục ngữ của quê hương mình. Cho đến tận bây giờ, dù đang công tác và định cư tại nội thành Hà Nội, nhưng mỗi khi có dịp về thăm quê, tôi vẫn đọc lại các câu ca dao nói về quê ngoại cho các con tôi nghe và tranh thủ đưa các con đi tham quan thực tế làng nghề, địa danh trong các câu ca dao đó. Có lẽ vì thế mà các con tôi rất thích được về Phú Xuyên chơi, chúng cảm thấy gắn bó và yêu quê ngoại nhiều hơn”.

Ông Nguyễn Công Khôi (gần 70 tuổi) là cán bộ quân đội đã nghỉ hưu đang sinh sống tại huyện Phú Xuyên hào hứng chia sẻ: “Là người con của huyện Phú Xuyên, tôi rất tự hào về quê hương mình. Gần 40 năm công tác xa nhà, mỗi khi có dịp hàn huyên với anh em, bạn bè, kể cho họ nghe về quê hương mình, tôi đọc lại những câu ca dao, tục ngữ nói về Phú Xuyên. Chỉ thế thôi cũng đủ giúp họ hiểu về một miền quê rất nên thơ và giàu truyền thống”.

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Xuyên Hoàng Văn Giang, ca dao, tục ngữ nói về quê hương Phú Xuyên là một vốn quý cần lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau. Ý thức được điều đó, năm 2010, sau một thời gian sưu tầm, huyện Phú Xuyên đã cho in cuốn sách tập hợp những câu ca dao, tục ngữ nói về huyện. Trên cơ sở đó, UBND huyện cũng định hướng cho các trường học trên địa bàn lồng ghép, phổ biến để các em học sinh biết đến những câu ca dao, tục ngữ của quê hương. Thông qua các tiết học ngoại khóa, tham quan các làng nghề, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện gắn với các câu ca dao, tục ngữ, giúp các em hiểu và yêu quý hơn nơi mình sinh ra và lớn lên. Đây chính là nét đẹp cần được giữ gìn cùng với các di sản văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Phú Xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp văn hóa từ những câu ca dao, tục ngữ ở Phú Xuyên