Tranh Kim Hoàng lại ấm chợ xuân

Trần Công Huyền| 15/12/2019 07:50

(HNM) - Tranh Kim Hoàng, còn gọi là “tranh đỏ”, là dòng tranh dân gian nổi tiếng một thời của vùng đất Kinh kỳ văn hiến. Nhưng rồi những biến cố thời gian, thăng trầm lịch sử đã khiến tranh Kim Hoàng chỉ còn “vang bóng” trong ký ức của người Hà Nội. May mắn thay khi nỗ lực, tâm huyết của những người yêu vốn cổ đã giúp dòng “tranh đỏ” hồi sinh, để tinh hoa của cha ông tiếp tục lan tỏa, làm ấm áp những phiên chợ xuân…

1. Hồi đầu năm đến Hội báo Xuân năm 2019, tôi được xem một ki ốt tranh Kim Hoàng. Phiên chợ quê trong khuôn viên hội báo hôm ấy có nhiều sản phẩm làng nghề được trưng bày, nhưng có lẽ gian tranh Kim Hoàng thu hút nhiều người đến xem hơn cả.

Trong những tài liệu về tranh dân gian, tranh Kim Hoàng “sánh vai” cùng các dòng tranh nổi tiếng khác như Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế)… Từng nhiều lần xem tranh Đông Hồ ở các phiên chợ làng truyền thống, xem tranh Hàng Trống ở Bảo tàng Mỹ thuật, nhưng tranh Kim Hoàng thì tôi hiếm khi được thấy. Thế nên quả là may mắn khi được gặp cửa hàng tranh, lại có người vừa làm vừa giới thiệu về dòng tranh tưởng như đã thất truyền này.

Người giới thiệu và vẽ tranh Kim Hoàng hôm ấy là một sinh viên Đại học Mỹ thuật. Hôm ấy Trần Quốc Đức nói với tôi: “Cháu sinh ra ở Hà Nội, bạn bè theo học các ngành kỹ thuật nhưng cháu lại yêu thích mỹ thuật truyền thống của Việt Nam, muốn tìm hiểu và tự tay làm. Cháu may mắn gặp được cô Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam. Cô là người sưu tầm, có dự án khôi phục nghề làm tranh Kim Hoàng và đã viết sách về dòng tranh này nên cháu theo cô “tầm sư học đạo”, “bén duyên” với tranh Kim Hoàng được gần hai năm nay…

Họa sĩ Trần Quốc Đức (áo đen) giới thiệu về dòng tranh Kim Hoàng.

2.Theo các tài liệu thì tranh Kim Hoàng được làm ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, nay thuộc Hà Nội. Nghề làm tranh do ông Nguyễn Sỹ ở Thanh Hóa ra Thăng Long lập nghiệp ở đây.

Dòng tranh này phát triển khá mạnh trong khoảng thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX. Chủ đề tranh Kim Hoàng quen thuộc với đời sống người dân nông thôn như tranh gà, lợn, cuộc sống đồng quê… Tranh Kim Hoàng cũng có các thể loại tranh Tết, tranh thờ… đáp ứng nhu cầu trang hoàng nhà cửa, cầu phúc, cầu lộc dịp Tết đến xuân về, cho đến xua đuổi tà ma, giữ cho cửa nhà yên ấm… của người dân.

Tranh Kim Hoàng được in trên ván khắc với những đường nét tinh tế, mang tính hình tượng hóa, cách điệu, nổi bật trên giấy hồng điều hay giấy vàng tàu, nét vẽ nổi bật trên nền tươi thắm, nên còn gọi là “tranh đỏ”. Bức Thần kê (gà thần) không phải là một chú gà dung dị bình thường mà được khoác tấm áo của một “thần gà”, đuôi dài rực rỡ như đuôi chim phượng. Chú lợn trong tranh Kim Hoàng cũng được hình tượng hóa, chiếc mũi giống như một đám mây trong bức tranh cổ...

Sự khác biệt khi in tranh Kim Hoàng với các dòng tranh khác là in ngửa và in hai lần, lần đầu là “in nhá” để tạo những nét mờ, sau đó nghệ nhân dùng bút tô màu, lần hai gọi là “in đổ” để làm nổi bật các đường nét. Kỹ thuật tô màu thể hiện mức độ chuyên nghiệp và tài nghệ của nghệ nhân, nét bút mạnh mẽ phóng khoáng, bút pháp linh hoạt, coi trọng sự chắc khỏe, đơn giản, khúc chiết. Màu sắc tranh Kim Hoàng tươi tắn, rực rỡ và ấn tượng với những màu đỏ hiên, đỏ điều, đỏ sen, vàng yến, được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, qua thời gian vẫn giữ gìn được sắc thắm buổi ban đầu. Trên mỗi bức tranh thường có đại tự, thơ, có khi là những câu bùa trấn yểm để nhà cửa được bình yên, may mắn.

Hàng trăm năm trước, những bức tranh dân gian “thần kê”, cặp lợn no tròn, tiến tài - tiến lộc… được in trên nền giấy đỏ rực rỡ sắc màu đã theo những người bán hàng ra chợ Tết, truyền hơi xuân cho các làng quê.

Chợ Canh ngày ấy họp 5 ngày một phiên, nhưng từ khoảng 20 tháng Chạp trở đi hôm nào cũng có chợ. Thời ấy, người ta rất thích treo tranh Tết. Bởi vậy, dù khá nhiều người bán nhưng chỉ khoảng gần trưa, chợ đã không còn tranh. Tranh Kim Hoàng bày ở chợ có đủ loại, từ tranh lợn, gà, trâu, con công đến Quan Vân Trường, Trương Phi… Nhà giàu chơi tranh Quan Vân Trường, Trương Phi; trung nông mua tranh trâu, tranh lợn; nhà nghèo chơi tranh gà với ước muốn năm mới mưa thuận, gió hòa, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Nhưng có lẽ tranh gà được nhiều người ưa thích nhất, tranh gà cũng được làm kỹ nhất, rực rỡ nhất với ba màu chủ đạo là đỏ, vàng, đen. Có điều đẹp nhất không phải là bức tranh anh chàng gà trống oai vệ mà là một chị gà mái dữ dằn xù lông che chở đàn con...

3. Tranh Kim Hoàng có nguy cơ thất truyền, nhưng người yêu tranh và tâm huyết với nghề cổ của cha ông thời nào cũng có. Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hòa là người nung nấu ý tưởng sưu tầm, dấn thân phục hồi vốn quý truyền thống này. Như có lương duyên từ trước, một người con của làng Kim Hoàng đã đăng ký và được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đầu tư cho đi học vẽ, học cách làm tranh. Thế là ngày qua ngày, bên chiếc bàn nhỏ với la liệt bút, giấy, màu và những chồng ván in, nghệ nhân Đào Đình Trung (sinh năm 1979) miệt mài, tỉ mẩn tạo ra từng bức tranh đỏ Kim Hoàng.

Năm 2016, sau hơn nửa thế kỷ vắng bóng, người dân Thủ đô và cả nước lại được chiêm ngưỡng dòng tranh Kim Hoàng ở Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội và gây ấn tượng mạnh cho công chúng bởi sự độc đáo, mới lạ. Một điều may mắn là dự án “Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng” nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân và chính quyền địa phương. Xã Vân Canh đã bố trí quỹ đất để nhóm nghiên cứu triển khai dự án và Trung tâm Phục dựng tranh Kim Hoàng ra đời, nằm trong khuôn viên Nhà truyền thống của xã Vân Canh.

Những nỗ lực đó chắc chắn là cú hích để từ hơn 3 năm nay, dòng “tranh đỏ” nức tiếng của đất Kinh kỳ văn hiến hồi sinh mạnh mẽ, thu hút nhiều người, nhất là giới trẻ tìm đến mua. Thậm chí, tranh Kim Hoàng còn được mời tham dự các triển lãm lớn ở trong và ngoài nước. Dịp đón xuân mới Canh Tý 2020, những mẫu tranh Kim Hoàng có in hình con giống dân gian và bộ lịch Xuân Kỷ Hợi… chắc hẳn sẽ rất đắt khách.

Vẫn biết hành trình để đưa dòng tranh dân gian Kim Hoàng trở lại vị thế như nó vốn có còn vô vàn khó khăn, nhưng được chứng kiến tình yêu vốn cổ của cha ông và sự nỗ lực của các nghệ nhân làng nghề và nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, lòng tôi chợt ấm áp đến lạ. Hy vọng rằng Tết này “tranh đỏ” sẽ lại khởi sắc rực rỡ những phiên chợ xuân…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tranh Kim Hoàng lại ấm chợ xuân