Làng còn có giậu ô rô...

Khúc Vân Yên| 04/12/2019 17:32

(HNMCT) - Tuổi thơ ở vùng quê ngoại thành, có ai không nhớ những bụi tre, giậu ô rô làm hàng rào. Nhà ông tôi ở quê nhưng sân vườn không rộng như nhiều gia đình khác, có lẽ vì thế mà ông dành khá nhiều công sức chăm chút cho cái ngõ, bụi tre và hàng rào giậu ô rô quanh vườn.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Ông vẫn thường kể, khi ông ra đời đã thấy có giậu ô rô và con đường tre, có lẽ chúng đã hiện diện ở nơi này dễ đến hơn một trăm năm có lẻ. Tôi còn nhớ hai bên ngõ vào nhà ông là hai khóm tre họ trúc đốt dài màu vàng ngà với hàng chục cây mỗi khóm san sát ken dày đỡ lấy hai cánh cổng tre. Tiếp giáp với hai bụi tre là hàng ô rô cũng ken dày hai bên, dưới gốc cây chỗ nào hơi thưa được đan cài bởi những nan tre ngâm hình quả trám như bức họa trang trí vui mắt. Hai mặt xóm là hai dãy tre gai tua tủa tay cành níu giữ đan thành “bức tường tre” khin khít và tiếp nối với những nhà bên trong tạo thành con đường tre mát rượi.

Những năm còn học cấp I trường làng, tôi rất thích được giúp ông cắt tỉa làm đẹp giậu ô rô và đường tre, “tạo dáng” phẳng phiu hai bên, giúp việc đi lại của bà con được thuận tiện, nhất là khi vào mùa thu hoạch phải gánh gồng cồng kềnh những ngô, thóc, rạ rơm... Những năm chiến tranh phá hoại, bố chọn nơi đào hầm trú ẩn cho cả nhà ngay sát gốc bụi tre bởi đất ở đây có độ liên kết chắc chắn hơn chỗ khác. Ngồi trong căn hầm chữ A dưới đường tre dày đặc che kín cả bầu trời, lũ trẻ con chúng tôi cũng thấy đỡ sợ hơn vì chẳng nhìn thấy gì mà chỉ nghe được tiếng gầm rú của máy bay địch, tiếng ùng oàng của trận địa tên lửa và pháo cao xạ ở quanh làng bắn trả. Đỡ sợ nên nhiều lúc mấy anh em còn lấy ngón tay bịt kín hai lỗ tai mà cười đùa rúc rích làm ông phải nhắc nhở.

 Tre nhiều, nên các gia đình trong làng nhà nào cũng dùng những sản phẩm từ cây tre. Nào đan rổ, sàng, sọt, nào chặt lấy một đoạn thẳng, dài làm đòn xóc, đòn gánh, đòn càn, rồi vót đũa cả, đũa con, que tăm và đặc biệt là chẻ bó đóm để tiện châm đèn, nhóm bếp và hút thuốc lào. Cây ô rô không cho nhiều công dụng như tre, tôi nhớ nhất những hôm thấy mẹ luộc mớ ốc đá, ốc vặn vừa mò được ở ao làng là mấy anh em tôi hò nhau ra giậu ô rô chọn ngay những cái gai nhọn, cứng, dài líu ríu khêu ốc bỏ vào bát tô để mẹ chưng tương làm thức ăn cho cả nhà.

Hễ bát ốc mà đầy là được mẹ “tháo khoán”, đứa nào đứa nấy nhanh tay khêu những cái ruột ốc ngoằn ngoèo bé tí xíu, chấm vội vào bát tương sống mà chem chép miệng, ngon đáo để. Sau mùa lũ sông Hồng, tôi xách cái chậu men và rổ tre đi tát ở những rãnh mía khoảng 1 - 2 tiếng là được đầy chậu cá rói. Phải mớ cá bé không có thì giờ ngồi bóp ruột, ông hướng dẫn tôi bẻ một cành ô rô già có nhiều lá và gai, khuấy vào rổ cá một lúc là bụng cá vỡ, bao nhiêu ruột bám theo cành ô rô bị lôi ra bằng hết. Cá rói làm sạch, mẹ xếp vào niêu đất kho tương ăn để với cơm bột ngô, chúng tôi chén tì tì no căng rốn lúc nào chẳng biết.

Hơn sáu mươi năm trôi qua, làng đã nhiều thay đổi. Nhà cao tầng mọc lên san sát cùng những bức tường gạch, cánh cổng sắt im lìm...  Nhìn thế, tôi lại bồi hồi nhớ thuở làng còn những giậu ô rô, con đường tre gắn với kỷ niệm một thời của tuổi thơ nhiều nhọc nhằn, gian khó, giờ đây dường như chỉ còn trong ký ức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng còn có giậu ô rô...