Hương sắc còn đây

Ngân Vũ| 24/11/2019 07:49

(HNM) - Thăng Long - Hà Nội, đất Kẻ Chợ, lại là kinh đô lâu đời, hẳn nhiên đời sống vật chất và tinh thần của cư dân có sự hơn, khác so với các địa phương trong cả nước. Sự hơn, khác trong lịch sử một phần được thể hiện qua nết ăn, nết ở, ứng xử “nhất lịch, nhất sắc kinh kỳ Thăng Long”, không quá phụ thuộc vào yếu tố vật chất - suy cho cùng cũng là một loại hương sắc Hà thành.

Người dân tìm mua sách trên phố Đinh Lễ. Ảnh: Thái Hiền

1. Năm 1996, khi tác giả Đặng Duy Phúc ra sách “Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội: Quê hương và nơi hội tụ nhân tài”, cái sự hơn/khác đó được thể hiện rất rõ. Ông viết, đại ý trên đất Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội, dẫu là giai đoạn “hào kiệt đời nào cũng có” hay khi “nhân tài như lá mùa thu” thì vẫn phải khẳng định rằng, không một nơi nào mà nhân tài đông đảo như Thăng Long, cho dù đó có là đất Kinh Bắc cũ hay Châu Hoan, Châu Ái, Thuận Hóa, Quảng - Đà, Gia Định… Thăng Long - Hà Nội là đất đế kinh, nhân tài trăm miền tụ hội, đâu dễ kém cỏi được, hương sắc cũng từ đó mà hình thành, kết tinh, lan tỏa.

Sau này, về ý hơn/khác nói trên, đã có sự phân vân nhất định nhưng rõ một điều là chưa thấy ai đưa ra lý lẽ thuyết phục để bác bỏ. Rõ ràng là cơ tầng văn hóa - lịch sử, vị trí địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội - tự nhiên đã góp phần hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp của cư dân, tạo điều kiện có ý nghĩa nền tảng cho sự phát triển, giúp cho hương sắc Thăng Long - Hà Nội không dễ phai nhạt theo thời gian.

Tới đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là từ năm 2005, giới nghiên cứu trong nước đã tạm thống nhất về những đặc trưng cơ bản liên quan tới nếp sống, lối sống, phong cách của người Hà Nội dù khi tổng hợp ý kiến về các đặc trưng này, phía soạn thảo văn bản đã cẩn thận dùng từ “nổi lên”. “Những đặc trưng nổi lên” đó có nhiều, như chất trí tuệ, hàn lâm, văn hiến; chất phong nhã, kẻ sĩ, hào hoa; thanh lịch, văn minh; chừng mực, vừa phải; hòa đồng, nhân ái… Mỗi nhóm đặc trưng đó đều được diễn giải rõ hơn, như chất trí tuệ, hàn lâm, văn hiến được coi là nét tính cách nổi bật, thể hiện qua trình độ dân trí, quan điểm “hiền tài là nguyên khí quốc gia” hay những di sản vật thể như Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà có lẽ một phần nhờ thế, ta thấy xuất hiện cách gọi đáng ghi nhận “sĩ phu Bắc Hà”. Như chất tài hoa, tài tử thể hiện qua nhu cầu về một đời sống tinh thần phong phú, cơ sở cho sự hiện diện của lớp lớp nghệ nhân, nghệ sĩ sáng tạo ra sản phẩm, thú chơi tao nhã, những lớp người “sành ăn, sành mặc, sành chơi”, biết thưởng thức cái đẹp một cách tinh tế, lịch lãm. Phẩm chất đó, nét sang trọng đó, như đánh giá của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng là sắc thái văn hóa cần có của một Thủ đô, “dựa trên nền một nếp sống phong lưu do công thương phát triển ngấm vào phong cách, thế ứng xử của người Thăng Long - Hà Nội về ăn, mặc, ở và đi lại”.

Những phẩm chất đó ra sao qua thời gian, những điều còn - mất và có gì đáng chú ý nữa hay không?

2. Sử học, những công trình nghiên cứu văn hóa và kho tàng văn hóa dân gian cho hậu thế hiểu biết phần nào về phẩm chất của người Hà Nội trong hơn 10 thế kỷ đã qua kể từ khi Đức vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô. Nét trội, những đặc trưng “nổi lên” đã được làm rõ, nhưng dường như có những điều đang lẫn vào nhau và sự giao thoa ở bề nổi đó đã khiến chúng ta quên hoặc không chú ý đầy đủ đến những phẩm chất cần nuôi dưỡng tốt hơn trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Khi nghĩ về đặc trưng của người Hà Nội và sự phân vân nói trên, tôi lại nhớ nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Khi chưa rời cõi tạm, trong một buổi lễ tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông nói, đại thể, nét đáng quý của nhiều người Hà Nội từ xưa là trọng tình hơn vật chất, tự trọng và ít bon chen - sang cả trong ý nghĩ và việc làm. Đức tính đó quan trọng lắm, nhìn lại lịch sử Thủ đô thì biết, đặc biệt là giai đoạn từ khi đất nước chịu ảnh hưởng mang tính tích cực cũng như hạn chế của kinh tế thị trường…

Trọng tình hơn vật chất, diễn dịch đúng có lẽ là kiếm tiền đúng cách và tiêu tiền đúng đắn, không vì tiền mà làm tổn thương đến ai. Giờ đây, thời gian đủ rộng dài để hiểu rằng, đúng là đã có nhiều người Hà Nội có thói quen/phẩm chất đó, ngay cả khi họ gặp khó khăn.

Vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhiều người Hà Nội quanh ta thể hiện cách sử dụng đồng tiền khá “lạ”. Một gia đình cán bộ nhà nước ở khu tập thể K8 Bách Khoa sẵn sàng rút tiền tiết kiệm “cả đời” và mua cho con chiếc máy quay đĩa để nghe nhạc dù với số tiền phải bỏ ra đó, họ có thể nghĩ đến chuyện mua đất. Những đứa trẻ lộ sở thích được bố mẹ tạo điều kiện học đàn, học vẽ hay theo đuổi ước mơ trở thành cầu thủ mỗi khi đội bóng Công an Hà Nội, Tổng cục Đường sắt tuyển quân. Năm 1982, họ nhà tôi có người thân trở về nước sau khi tốt nghiệp đại học ở Romania. “Vốn liếng” tích cóp sau 4-5 năm học ở nước ngoài của ông chỉ có chiếc quạt điện là có thể quy đổi ra tiền, còn lại là sách, quần áo mặc hằng ngày và gần trăm đĩa nhạc của Bulgaria, Ba Lan, Thụy Điển, Liên Xô… Ngày ông về lại nhà, nhìn “khối tài sản” đó không ai tỏ ý thất vọng cả, kể cũng lạ!

Thời gian đó, ở Hà Nội, không phải ai cũng có điều kiện mua thứ nọ thứ kia dù muốn, bởi lo miếng ăn đã phải cố lắm rồi. Nhưng số người không màng tới việc mua sắm những thứ có thể sinh lời, dành số tiền ít ỏi lo cho con cái có đời sống tinh thần ổn thỏa chắc không phải số ít. Có lẽ, chính bởi thế mà so với thời trước đó, cái gọi là khả năng “cầm - kỳ - thi - họa” ở từng cá nhân thuộc lớp kế cận không đến nỗi quá đuối. Cũng từ đó, quan niệm về đời sống vật chất và tinh thần của lớp trẻ ít nhiều có sự hài hòa, không phải cố đoạt lấy gì đó bằng mọi giá.

3. Cụ Nguyễn Vinh Phúc nhấn nhá ý trọng tình hơn vật chất thật có ý nghĩa, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi một số người khổ sở với câu nói “Tiền nhiều để làm gì” và cố gắng có tiền bằng mọi giá. Lời đúng đắn của người đi trước cũng là di sản, một dạng sắc hương Hà thành mà ta cần trân trọng. Thật may, lúc này, không thiếu những người trẻ quanh ta có đức tính đó, đã thể hiện điều đó qua suy nghĩ, việc làm hằng ngày. Từ đầu năm đến nay, nhất là trong những ngày giữa tháng 10-2019, khi qua phố Hàng Bài, Hàng Dầu, Đinh Lễ tìm mua sách và bộ 5 đĩa CD những bản nhạc Pháp thịnh hành cách nay gần nửa thế kỷ để tặng người thân, tôi gặp nhiều người chở con đến đó tìm mua đĩa nhạc, sách thiếu nhi. Một số thanh niên hỏi nơi có bán những tác phẩm kinh điển nay đã thành của hiếm, và Phố sách 19-12 hay khu vực Tràng Tiền không khi nào vắng bóng độc giả trẻ... Như thế, qua giai đoạn kể từ đầu thời kỳ đổi mới tới nay, liệu có đủ để nói một phần đáng kể hương sắc còn đây? Đủ để tránh một sự đứt gãy?

Hy vọng là thế, dù biết Hà Nội sẽ phải cố gắng nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hương sắc còn đây