Tiếng tuồng Dương Cốc

Lê Công Hội| 21/11/2019 09:44

(HNMCT) - Không phải ngay từ thuở “khai thiên lập địa” người làng Dương Cốc (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) đã biết hát tuồng. Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, các nghệ sĩ đoàn tuồng Liên khu V đã bìu ríu kéo nhau về Dương Cốc sơ tán, và đó chính là “nguồn cơn” kéo người dân Dương Cốc đến với nghệ thuật tuồng rồi “say” lúc nào không biết. Và hơn nửa thế kỷ qua, người Dương Cốc đã làm cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình “chết danh” với cái tên “đất tuồng” có một không hai của xứ Đoài nói riêng và của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến nói chung.

Các thành viên CLB Tuồng Dương Cốc truyền dạy hát tuồng cho thế hệ trẻ.

1. Mới đó mà câu chuyện những người nông dân chân đất Dương Cốc trở thành một phần không thể thiếu của nghệ thuật tuồng nước Việt đã vắt qua hai thế kỷ.

Những ngày tháng chiến tranh khốc liệt năm 1967 ấy, ít ai ngờ ở cái vùng quê heo hút này lại có những lớp học tuồng chính quy đến như vậy. Nào là lớp nhạc công do cụ Lương Ngọc Bỉnh cầm trịch.

Nào là lớp học vũ điệu, lớp học hát, lớp học nói tuồng. Mỗi lớp học liền tù tì trong một tháng. Lần đầu tiên trong đời những người nông dân chân lấm tay bùn của làng Dương Cốc trở thành học viên của một môn nghệ thuật một cách rất chuyên nghiệp. Sáng lên lớp từ 7h đến “chính Ngọ” (12h) mới nghỉ. Chiều từ 14h kéo đến lúc nhọ mặt người mới thôi. Ấy là chưa kể những hôm “hợp luyện” giữa diễn và nhạc thì kéo thêm buổi tối, từ lúc lên đèn cho đến hơn 21h đêm vẫn chưa nghỉ, chỉ vì chưa thấy chán, chưa thấy mệt.

2. Ngày đến với tuồng, bà Nguyễn Bích Hảo mới chỉ là cô thôn nữ tuổi chớm đôi mươi, thế mà nay đã trở thành một trong những “cây cao bóng cả” của Câu lạc bộ Tuồng Dương Cốc. Những kỷ niệm ngày đầu đến với tuồng trong bà vẫn cứ tươi rói, tinh khôi. Bà bảo, tuồng là môn nghệ thuật mang tính chất ước lệ đặc biệt, vì thế, nếu chỉ với chất giọng tuồng trời phú thì chưa thể nói là đủ mà còn phải trải qua những tháng ngày tập tành “lên bờ, xuống ruộng”, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, thậm chí đổ cả máu thì may ra mới được tổ nghề ghi danh. Nào là tập hò, tập hét, tập “xiến”, tập lăn lưng, lộn người..., còn đau hơn cả cối giã. Mà đâu đã hết, còn phải tập ngã ngựa quỵ gối, tập nhảy ngựa..., cứ gọi là ngã dúi ngã dụi. Thế nên cái sự sứt đầu, mẻ trán, hay bị bong gân, rạn khớp gối... là chuyện thường ngày. Vậy mà những năm khốn khó ấy chẳng ai bỏ cuộc, vì một cái lẽ rất đơn giản: Đã có “căn duyên” với tuồng thì phải lao tâm khổ tứ, phải dám vắt kiệt sức mình mà sống chết với nó. Có như thế may ra mới nên nghiệp!

Cũng vì “phải lòng tuồng” mà anh Mạnh Thường với chị Bích Hảo ngày ấy lại “phải lòng”, bén duyên nhau. Xuất phát từ bữa đội tuồng Dương Cốc tập vở mới có tên Chị Ngộ. Theo sự phân vai thì anh trai làng Mạnh Thường vào vai người chồng, còn chị Bích Hảo vào vai người vợ. Vai diễn cặp đôi của họ thành công đến “không thể chê vào đâu được”. Thế rồi từ chỗ chỉ là đôi vợ chồng giả trên sân khấu họ trở thành đôi uyên ương thật ngoài đời, bện quyện với nhau đến tận bây giờ. Đúng là duyên kỳ ngộ làm sao.

Cũng chẳng biết có phải bị “trời xui, đất khiến” hay không mà người làng Dương Cốc đâm ra mê tuồng “như điếu đổ”. Câu chuyện lão nông Nguyễn Hữu Thiết - một trong những “cây đại thụ” của làng tuồng Dương Cốc, bị “tuồng ám” mới thú vị làm sao. Cả đời cụ Thiết theo tuồng, hai người con là chị Uyên, chị Nga nay đã thành bà nội, bà ngoại nhưng vẫn là những hạt nhân nòng cốt của gánh tuồng Dương Cốc.

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không kể đôi dòng về cụ Lương Ngọc Bỉnh, một trong những người “trưởng chòm” đầu tiên. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, khi mà Dương Cốc chưa phải là “đất tuồng” thì chàng trai Bỉnh sung mãn tràn đầy năng lượng khi ấy đang là người cầm trịch nhóm nhạc truyền thống của gánh chèo làng, tiếp sau là gánh cải lương. Đến khi các nghệ sĩ tuồng kéo về làng sơ tán, cụ Bỉnh bị “tuồng nhập” lúc nào không hay, rồi trở thành người cầm trịch nhóm nhạc tuồng. Cái sự yêu tuồng không chỉ dừng lại ở thế hệ ông cha, mà giờ các cháu, các chắt, thậm chí là cả các cháu dâu, cháu rể... của cụ cũng đều rất mực “say” tuồng. Tất cả thành viên trong đại gia đình ấy đều xem tuồng như một phần cơ bản không thể thiếu trong đời sống thường nhật của họ.

Gánh tuồng Dương Cốc có bao nhiêu nghệ sĩ, diễn viên thì có bấy nhiêu con đường đưa họ đến với bộ môn nghệ thuật đầy duyên nợ và long đong lận đận này. Mỗi người mỗi vẻ nhưng ở họ có một điểm chung, đó là lòng yêu nghề, đam mê nghệ thuật và khát vọng được sống hết mình cho nghệ thuật tuồng (và cả chèo, cả cải lương...), qua đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Ở cái làng Dương Cốc này, những người toàn tâm toàn ý sống chết với tuồng như gia đình cụ Bỉnh, cha con ông Thiết, rồi vợ chồng ông Nguyễn Văn Lý, vợ chồng ông Thường - bà Hảo... không thể tính bằng con số hàng chục mà phải tới hàng trăm, vài trăm. Những người dân cày, ban ngày lấm lem trên đồng ruộng, tối đến trở thành cô Bằng (vở Cô gái sông Tích), thành tướng Trần Bình Trọng oai phong lẫm liệt (vở Trần Bình Trọng), thành một người lính sẵn sàng xả thân vì tinh thần đại nghĩa của dân tộc (vở Nắng soi dòng suối Pang Pơi) hay thị Hến, bà Huyện (vở Nghêu Sò ốc Hến)...

Chiếu tuồng và “cơm áo gạo tiền” thường nhật là hai chuyện tưởng chừng khó có thể chạm được đến nhau, vậy mà hằng ngày vẫn diễn ra ở làng quê nhỏ bé ấy. Với người dân Dương Cốc, niềm đam mê tuồng đã ngấm vào máu thịt. Cũng bởi tuồng đã trở thành một phần hơi thở sinh tồn, cho nên dù là đang bước vào thời đại 4.0, ở đâu đó có hiện tượng “một mai mai một tiếng tuồng”, nhưng riêng làng Dương Cốc thì chẳng hề. Như có lần ông Nguyễn Văn Lý đã rưng rưng nước mắt mà nói với tôi: “Đám “trẻ trâu” ở Dương Cốc bây giờ dù “hơi bị siêu” với các món công nghệ hiện đại, nhưng đứa nào đứa nấy cũng đều rất thông thuộc các tích tuồng, các cách diễn xướng...”. Thật vậy, người Dương Cốc xưa và nay vẫn “chết” vì tuồng, nhưng họ không hề cổ lỗ sĩ mà vẫn thức thời, hiện đại và văn minh.

Các nghệ sĩ CLB Tuồng Dương Cốc trình diễn trích đoạn Trần Bình Trọng trong chương trình “Hành trình Di sản - Non nước chùa Thầy” năm 2016.

3. Niềm đam mê nghệ thuật dân tộc đã giúp những người nông dân - nghệ sĩ chân quê thô mộc ấy làm nên một thương hiệu “Tuồng Dương Cốc”. Hơn nửa thế kỷ say sưa với loại hình nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể của nước Việt, gánh tuồng Dương Cốc sở hữu một bảng kịch mục dày dặn thật đáng trân trọng: Ngót nghét gần 100 vở diễn, thôi thì đủ cả các loại đề tài từ cổ chí kim.

Hơn 50 năm qua, không quản nắng mưa, gánh tuồng không chuyên Dương Cốc đã công diễn hàng vạn lượt, phục vụ hàng triệu người xem. Không lần tham gia hội diễn cấp thành phố và toàn quốc nào mà các nghệ - sĩ - chân - đất của làng Dương Cốc chịu ra về tay không. Hơn 200 giải vàng tại các kỳ hội diễn, liên hoan là tài sản lớn nhất của gánh tuồng Dương Cốc. Một con số khiến bất cứ một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nào cũng phải thèm muốn, kính nể.

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiếng tuồng Dương Cốc đã  “át tiếng bom” làm nên kỳ tích “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, cùng cả nước làm nên mùa xuân đại thắng 1975 vĩ đại. Nay thì vẫn là tiếng tuồng ấy, nhưng là của những thế hệ mới đang góp phần tạo nên xung lực mãnh liệt để Dương Cốc vững bước trong cuộc cách mạng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” của mình.

Sẽ khó mà mô tả đầy đủ về gánh tuồng làng Dương Cốc, nhưng có một sự thật hiển nhiên không thể không viết ra đây: Tuồng đã định hình nên bản sắc riêng có của đất Dương Cốc, và cũng chính là tuồng đã hình thành nên tính cách người Dương Cốc hôm qua và hôm nay: Hào sảng tinh thần thượng võ và nhân văn. Và tiếng tuồng nơi miền quê xứ Đoài mây trắng ấy đã và đang góp phần làm phong phú hơn, lắng đọng hơn những vỉa tầng trầm tích mang giá trị cốt lõi riêng có của đất ngàn năm văn hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng tuồng Dương Cốc