Ân tình từ một khu tập thể

Đặng Thủy| 17/11/2019 07:23

(HNM) - Nếu không phải là người từng gắn bó với khu tập thể Bộ Tài chính, số 1 Lê Phụng Hiểu (quận Hoàn Kiếm), sẽ khó cảm nhận hết những đợi mong, yêu thương chất chứa với nơi này. Sau nhiều năm có cơ hội được gặp lại nhau, họ lặng nhìn, lắng nghe niềm hạnh phúc của những con người từng sống trong “mái nhà xưa”, mới thấy qua bao thời gian, Hà Nội vẫn ăm ắp những ân tình...

Trở về trong niềm nhớ

Tháng 6-2019, trong chuyến đi triển lãm tranh của Việt Nam tại Saint - Étienne, miền Đông Nam nước Pháp, chị Lưu Minh Hiếu cùng bà Nguyễn Thị Xuân Phượng - một trong những nữ phóng viên chiến trường đầu tiên của Việt Nam, đều là cư dân lâu năm của khu tập thể Bộ Tài chính, số 1 Lê Phụng Hiểu ôn lại chuyện xưa. Bà Phượng tâm tình: “Không biết bao nhiêu lần cô muốn viết về cuộc sống của chúng ta trong những năm từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội”. 

Cư dân khu tập thể Bộ Tài chính số 1 Lê Phụng Hiểu trong ngày trở về.

Trăn trở của bà Phượng đã thôi thúc chị Hiếu phải làm một điều gì đó. Về Hà Nội, chị đã gặp nhóm bạn cùng thời từng là cư dân của khu tập thể, lập Facebook của nhóm để kết nối những con người đã từng hoặc hiện đang là công dân của khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu. Chỉ sau một thời gian ngắn nhóm đã có hơn 200 thành viên. Từng ngày, từng ngày, những tấm hình đã ngả màu thời gian, những câu chuyện trong quá khứ, được sẻ chia, gợi nhắc càng tăng thêm niềm háo hức trở lại chốn xưa. Và rồi 4 tháng sau, tại Hà Nội, thế hệ thứ hai của khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu đã thực hiện một cuộc hội ngộ với sự góp mặt của gần 150 thành viên từ khắp mọi miền Tổ quốc và cả những người từ nước ngoài trở về. Ngày gặp lại, những mái đầu xanh năm xưa nay đã bạc trắng, những cô bé, cậu bé hồn nhiên ngày nào giờ tóc cũng hoa râm. Có cụ ông, cụ bà tay chống gậy bước đi chậm chạp, có người phải nhờ con cháu dìu từng bước. Có những gia đình cả 3 thế hệ cùng trở về. Mừng mừng tủi tủi, vỡ òa xúc động trên những khuôn mặt già trẻ, gái trai. Họ cùng nhau kể chuyện năm xưa. Không ít người lặng lẽ lau những giọt nước mắt khi ban tổ chức nhắc tên những liệt sĩ ở khu tập thể đã ra đi mãi mãi...

Ông Ngô Quốc Lâm gắn bó với khu tập thể từ năm 1954 nay đã ở tuổi 87. Dù đã xa nơi này 20 năm nhưng hình ảnh khu tập thể năm xưa vẫn vẹn nguyên trong ký ức của ông: “Đó là một khuôn viên khá rộng có tường rào bao quanh với ngôi nhà 2 tầng nhìn ra bờ sông và nhiều dãy nhà lợp ngói song song với nhau. Giữa các dãy nhà có nhiều cây me, cây bàng với điểm nhấn là gốc gạo ở góc đường Trần Quang Khải thường đơm hoa đỏ chói vào cuối xuân, đầu hạ. Tại đây hội tụ nhiều gia đình là cán bộ của Bộ Tài chính, gồm những người từ An toàn khu Việt Bắc trở về, cán bộ miền Nam tập kết, bộ đội chuyển ngành… Từ đó hình thành một cộng đồng chia sẻ với nhau cuộc sống khó khăn thời bao cấp và cùng gắn bó vì mục tiêu cao cả là hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao phó” - ông Lâm nhớ lại.

Còn trong ký ức của bà Phượng, kể từ lúc dắt hai con nhỏ từ chiến khu Việt Bắc trở về sống trong khu tập thể này tròn 32 năm, những kỷ niệm thân thương của một nơi đã đùm bọc, che chở cho gia đình bà là những ký ức không thể nào quên. Bà xúc động kể: “Trong những năm tháng ấy, nhóm bạn tâm giao của tôi có một quy ước: Bất kỳ ai nếu dư giả một chút thì mua gạo đổ vào thạp nhà chị Phượng ở Lê Phụng Hiểu. Khi cần, bất kỳ ai cũng có quyền đến mượn tạm, nhớ ghi giấy rồi trả sau hoặc không trả cũng được. Chúng tôi gọi đùa là “Hũ gạo cứu… nhau”. Cứ vài ngày lại có một tờ giấy “báo vay”. Rồi bỗng nhiên có ngày tôi được con báo tin vui: “Má ơi, hũ gạo đầy rồi” mà không biết ai đổ vào. Việc này duy trì mấy năm trời, thạp gạo hết vơi lại đầy. Con tôi hay đùa: Nhà mình có hũ gạo Thạch Sanh!”.

Câu chuyện “Hũ gạo cứu…nhau”, rồi chuyện xoay xở tổ chức đám cưới cho họa sĩ Nguyễn Sáng, chuyện anh Tiến công an hộ khẩu tốt bụng, là chỗ dựa tin cậy cho bà con hay chuyện những đứa trẻ nghịch ngợm… được bà Phượng nhắc lại như một minh chứng cho những ân tình của cư dân khu tập thể năm xưa.

Với những thế hệ thứ hai, những ký ức về khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu còn gắn với bao kỷ niệm tuổi thơ êm đềm. Quên sao được những trò nghịch ngợm thuở thiếu thời nơi cầu thang, gốc chuối, gốc bàng... Nhà văn Châu La Việt cũng nhắc nhớ: “Bao năm sống ở khu nhà này tôi chưa một lần thấy ai cãi vã to tiếng với ai, cũng không thấy nhà nào hiềm khích với nhà nào. Mọi gia đình đều trân trọng yêu quý, chia sẻ, quan tâm đến nhau, dù phải chung đụng nhiều thứ như bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm… Ngày tôi lên đường nhập ngũ, người đưa tiễn chính là những hàng xóm như bác Ngô gái, bác Uyên và bác Văn. Tôi vào chiến trường mà vẫn nhớ mãi những tình cảm ấy…”.

Tiếng vọng từ những ngày xưa cũ

Hà Nội đang đổi thay từng ngày, nhưng trong lòng của Thủ đô hôm nay vẫn còn biết bao những khu tập thể cũ. Khu tập thể Thành Công, Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Thanh Nhàn, Giảng Võ, Văn Chương… và nhiều cái tên khác nữa vẫn được nhắc nhớ trong hồi ức của những thế hệ từng gắn bó. Phía sau những ô cửa, những hành lang chật hẹp, những cầu thang tối, những khoảng sân chật chội… là cả một “vòm trời tuổi thơ” đã đi vào miền nhớ của biết bao người.

Cũng từ miền nhớ ấy mà tác giả Bình Ca đã viết Quân khu Nam Đồng để dành tặng cho những cư dân một thời từng gắn bó với khu gia binh “khổng lồ, lừng lững và kiêu hãnh”. “Cuốn sách nhắc nhớ nhiều người về ký ức và với thế hệ còn quá trẻ để có ký ức ấy, họ tìm thấy ở đó chất lính - cái chất mà cha, anh họ vẫn luôn nói về trong niềm tự hào lấp lánh” (nhà báo Phạm Gia Hiền). Hay nhà văn Vũ Công Chiến cũng đưa những hồi ức giản dị, chân chất về khu tập thể cũ của mình vào tác phẩm Kim Liên một thuở. Không chỉ là kỷ niệm riêng tư của tác giả, ẩn sau mỗi trang viết còn là những bài học đầy tình người, là nếp sống nghĩa tình.

Bóng dáng những khu tập thể cũ của Hà Nội cũng hiện hữu trong Khu tập thể có dàn hoa tím của tác giả 8X Đức Phạm và gần đây nhất là cuốn Tập thể cũ Hà Nội ký họa và hồi ức của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội - Urban Sketchers HaNoi. Hàng chục bài viết, hàng trăm bức ký họa trong cuốn sách không chỉ góp phần lưu giữ những vẻ đẹp dịu dàng xưa cũ của những khu tập thể Hà Nội một thời mà còn như một minh chứng cho mạch ngầm tình yêu Hà Nội vẫn bền bỉ tỏa lan…

Với những cư dân khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu, cuộc hội ngộ này mới chỉ là khởi đầu bởi họ sẽ còn có nhiều lần trở về nữa. Cuộc hội ngộ của tình người ấy như một minh chứng cho những yêu thương còn mãi chất chứa trong lòng Hà Nội… Những câu chuyện, hồi ức về những khu tập thể cũ cũng giúp cho thế hệ sau hiểu thêm về cuộc sống của người Hà Nội một thời. Nó cũng là lời nhắc nhớ cho người dân ở các chung cư mới của Hà Nội hiện nay, để từ đó gìn giữ, yêu thương, đùm bọc, sẻ chia và thêm gắn bó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ân tình từ một khu tập thể