Sâu lắng giai điệu ngoại thành

Nguyễn Văn Công| 14/11/2019 11:03

(HNMCT) - Đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ nghìn năm văn hiến, bề dày văn hóa đồ sộ, từ khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, văn hóa Thăng Long hòa quyện với văn hóa xứ Đoài - Sơn Nam Thượng càng thêm đa dạng, đa sắc. Trong đó, những làn điệu dân gian khu vực ngoại thành là những mảnh ghép quan trọng của dân ca dân vũ Việt Nam.

Ca nhi xã Tân Hội hát chèo tàu. Ảnh: Linh Tâm

Ca trù Chanh Thôn

Địa danh xứ Đoài từ xa xưa đã quá quen thuộc với mỗi người Việt Nam, song không phải ai cũng biết đến các làn điệu dân ca cổ truyền vẫn đang được bảo tồn tại các làng quê xứ Đoài nay là ngoại thành Hà Nội. Ví như ca trù ở làng Chanh Thôn (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên), được coi là cái nôi của ca trù với hai Nghệ nhân Nhân dân đang còn sống là cụ Nguyễn Thị Vượn và cụ Nguyễn Thị Khướu.

Cụ Khướu và cụ Vượn năm nay đã trên 90 tuổi, đều là gạo cội của ca trù cổ, giờ giọng hát đã yếu nhưng vẫn tâm huyết truyền nghề cho lớp trẻ. Hai cụ coi việc truyền dạy ca trù là niềm tự hào đồng thời là nghĩa vụ của người đi trước với người đi sau. Cụ Khướu tuổi đã cao nhưng giọng hát vẫn trong trẻo và mềm mại. Cụ bảo: “Ca trù Chanh Thôn có đặc điểm là ca nương giọng phải thanh và vang, hát phải biết “lấy hơi nhả chữ”, nhấn nhá rõ ràng và biết “nảy hạt”, “đổ con kiến”. Ca nương phải kiêng khem đồ mặn trước ngày diễn, đồng thời phải rành mạch 5 khổ phách cơ bản, nhịp phách và lời hát ăn khớp với nhau, phối hợp ăn ý với kép hát và quan viên chầu". Cụ Khướu cho biết thêm: "Trước đây người ta cứ tưởng ca trù là nhạc phục vụ cung đình thì có xuất xứ từ cung đình, nhưng kỳ thực ca trù xuất hiện từ làng quê Chanh Thôn chúng tôi. Năm 2007, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã gọi ca trù Chanh Thôn là “báu vật” của dân ca dân gian, tự hào lắm!”.

Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Chanh Thôn chia sẻ: “CLB hiện hoạt động cầm chừng do ít người học, kinh phí tổ chức cũng thiếu, các cháu biết hát thì cả năm trông chờ vào một hai hội diễn, nhiều khi kinh phí còn phải tự bỏ để đi thi, đi diễn. Biết rằng giờ có nhiều loại hình ca nhạc mới nhưng chúng tôi vẫn hy vọng ca trù làng Chanh được lưu truyền, bảo tồn, đó là báu vật chung của cả dân tộc Việt Nam”.

Trống quân làng Đan

Nếu ca trù làm nức tiếng làng Chanh thì điệu hát trống quân từ bao đời nay đã trở thành mạch ngầm văn hóa của người dân thôn Đan Nhiễm (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín). Hát trống quân có nét đặc trưng của văn hóa nông nghiệp, sông nước. Cứ đến khi trăng đầu tháng nhô khỏi lũy tre làng, người dân sống dọc hai bờ sông Nhuệ và Tô Lịch, đặc biệt là các tốp nam thanh nữ tú, lại rủ nhau ra ven bờ hát đối đáp. Để hát được trống quân, người hát phải có chất giọng tốt, cao, “tròn vành rõ tiếng”. Mỗi nhóm thường từ 5 - 7 người. Nam mặc bộ quần áo nâu tươi, đầu quấn khăn lưỡi rìu, nữ mặc váy nâu, áo cánh nâu bên ngoài, đầu quấn khăn nhung đen.

Như nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy (85 tuổi, ở thôn Đan Nhiễm) chia sẻ: “Hát trống quân hay là nhờ chiếc trống bằng đất, một dây mây già giúp tạo âm thanh trầm bổng. Khi đi hát, thanh niên thường khoét xuống đất một hố theo kiểu hình chum, bề ngang miệng hố rộng khoảng 40cm, sâu độ 50cm. Sau khi khoét hố sẽ đặt một tấm gỗ mỏng lên trên, căng một sợi dây mây hoặc dây chão được xe thật chặt trên một chiếc nạng gỗ nhỏ đặt chính giữa tấm gỗ”. Dây được buộc chặt hai đầu bằng cọc tre chôn xuống dưới nền đất mềm. Lúc hát, người hát làm dùi trống là thanh tre nhỏ bằng hai ngón tay, được mài nhẵn gõ vào sợi dây rồi tác động vào hố để tạo nên những tiếng thùng thình âm vang.

Hát trống quân ở Khánh Hà khác các nơi khác ở chỗ kép hát luôn tuân thủ chặt ở các chặng hát. Trống quân gồm các chặng hát đó là chặng chào hỏi mở đầu, chặng đối đáp tâm tình, xe kết người hát và hát hẹn giã bạn. Nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy cho biết: “Hiện CLB hát trống quân ở thôn có khoảng 50 thành viên nhưng chủ yếu là người cao tuổi. Tôi mong lớp trẻ sẽ học nhiều hơn để giữ làn điệu quê hương, chúng tôi già rồi nhắm mắt xuôi tay cũng không có gì tiếc nuối”.

Hò cửa đình, múa bài bông Phú Nhiêu

Nghe có vẻ “hàn lâm” nhưng kỳ thực đây là những làn điệu rất quần chúng. Hò cửa đình và múa hát bài bông xuất hiện ở thôn Phú Nhiêu (nay thuộc xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên) từ thế kỷ XVIII, do một ca nương người Huế đến làng truyền dạy. Hò cửa đình và múa hát bài bông có đặc điểm cả năm chỉ hát một lần vào hội rằm tháng Tám, hò do nam, múa do nữ, bài hò kết hợp với bài múa thường kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ với cả nghìn câu hò. Nam mặc áo the khăn xếp, nữ mặc xiêm y trắng, thắt đai 7 mầu, đội mũ, múa quạt bông...

Do chỉ hát mỗi năm một lần nên số người thành thạo câu hò điệu múa rất ít. Khác với ca trù và hát trống quân, hò cửa đình và múa hát bài bông chỉ được lưu truyền ở thôn Phú Nhiêu và chưa từng truyền ra bên ngoài. Theo Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Khiên (75 tuổi): “Đầu thế kỷ XIX, hò cửa đình và múa hát bài bông rất phát triển, cả làng ai cũng biết hát, nhưng về sau do ảnh hưởng của chiến tranh nên không có điều kiện luyện tập, biểu diễn. Trong làng chỉ có tôi và ông Tố còn thạo, nhưng đến nay nhiều người trong thôn đã học lại và đi biểu diễn, giúp phần nào khôi phục được môn nghệ thuật dân gian này”.

CLB Hò cửa đình và múa hát bài bông Phú Nhiêu do hai nghệ nhân Vũ Thị Khiên và Lương Tất Tố thành lập năm 2008 đến nay đã dạy hát múa cho hàng trăm thanh thiếu niên trong thôn. Tuy không có nguồn lực hỗ trợ nhưng hai nghệ nhân già hằng ngày vẫn âm thầm trao truyền, thậm chí cụ Khiên hiện nay đã bị liệt đôi chân không đứng được nhưng vẫn cố gắng bởi “dạy thêm một cháu là thêm một hy vọng”!

Chèo tàu Tổng Gối

Ngược lên phía tây Hà Nội, ở xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) có làn điệu chèo tàu rất nổi tiếng. Chèo tàu ở đây không phải là hát chèo mà là hát khi chèo tàu, chèo thuyền, đó là những điệu hát dân gian đặc trưng của vùng sông nước, và cũng chỉ duy nhất có ở xã Tân Hội.

Nguồn gốc của hát chèo tàu Tân Hội là để tưởng nhớ tướng quân Văn Dĩ Thành (1380 - 1416), người đã có công đánh đuổi quân Minh xâm lược. Khi tướng quân Văn Dĩ Thành qua đời năm 1416, ông được nhân dân địa phương tôn làm Thành hoàng Tổng Gối, nay là xã Tân Hội. Người dân kết hợp các làn điệu dân ca có sẵn để tạo ra một lễ hội tưởng nhớ công lao của ông. Nội dung các bài hát chủ yếu là ca ngợi hoặc thuật lại chiến công, trận đánh xưa của tướng quân Văn Dĩ Thành. Lễ hội chèo tàu lần đầu được tổ chức năm 1683, từ đó cứ 25 năm lại tổ chức một lần với quy mô lớn, kéo dài từ ngày rằm tháng Giêng đến hết ngày 23 tháng Giêng. Sau năm 1922, do điều kiện chiến tranh, đói kém nên lễ hội chèo tàu bị đứt đoạn, mãi đến năm 1998, sau rất nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân xã Tân Hội, di sản hát chèo tàu Tổng Gối mới được khôi phục phần nào...

Bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển du lịch

Các loại hình diễn xướng trên đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng ngoại thành Hà Nội đang rất cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Những CLB ở làng tuy là “xương sườn” để gìn giữ nhưng chưa đủ, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý văn hóa, giáo dục, để đưa làn điệu dân gian được phổ biến hơn, để các nghệ nhân già không còn cô độc bên chiếu diễn, cây đàn. Như chèo tàu 25 năm mới tổ chức được một hội lớn, ca trù Chanh Thôn thì gần như không còn diễn xướng tại chính Chanh Thôn nữa, hát trống quân cũng chỉ còn các cụ ở tuổi thất tuần hát, hò cửa đình và múa hát bài bông cả năm mới được diễn một lần. Đáng nói là nhiều khi kinh phí để biểu diễn các nghệ nhân già phải tự chi trả...

Để những giá trị văn hóa của dân tộc được lan tỏa hơn nữa, các cấp, ngành chức năng cần xây dựng các tour du lịch diễn xướng dân gian ở ngoại thành, đặc biệt hướng tới đối tượng du khách quốc tế; đồng thời tăng cường sự hiện diện hình ảnh của các loại hình diễn xướng dân gian tại nơi công cộng, có bản đồ chỉ dẫn địa điểm cũng như giới thiệu chung về loại hình đó; thiết kế các tuyến xe buýt đến các làng cổ - nơi lưu giữ những giá trị tinh hoa của dân tộc, để thuận tiện cho việc đi lại của du khách cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội khu vực ngoại thành. Các địa phương cần chủ động phổ biến làn điệu dân ca ngay tại địa phương mình, như đưa vào chương trình dạy âm nhạc trên lớp hay sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức các cuộc thi tìm kiếm và bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi... Điều quan trọng là phải bảo tồn một cách tổng thể - cả không gian diễn xướng, xuất xứ, làn điệu cổ, nghệ nhân và tích cổ, chứ không nên sân khấu hóa, hiện đại hóa, dễ làm mất đi bản sắc gốc vốn có.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sâu lắng giai điệu ngoại thành