Thăng trầm xe đạp Hà Nội

Đỗ Phấn| 16/10/2019 11:10

(HNNN) - Chiếc xe đạp đầu tiên ra đời trên thế giới mới chỉ từ năm 1817 do Nam tước người Đức Baron Karl von Drais sáng chế ra. Tính đến hôm nay nó mới chỉ có tuổi đời 302 năm. Thế nhưng xe đạp có sức sống lâu bền hơn những phát minh kỹ thuật cùng thời khá nhiều. Đầu máy hơi nước hay điện đàm Morse cùng thời xe đạp người ta đã bỏ lâu rồi.

1. Chiếc xe đạp đầu tiên được nhập vào Sài Gòn cuối thế kỷ XIX. Báo Pháp L’Illustration vào năm 1897 có đăng hình vẽ đức vua Thành Thái triều Nguyễn ngự trên chiếc xe đạp ấy dạo trong hoàng cung ở Huế. 

Xe đạp một thời là phương tiện không thể thiếu trong đời sống của người Hà Nội.

Kể từ đó cho đến hôm nay, xe đạp chưa bao giờ vắng bóng trong đời sống người Việt. Lúc nghèo khó chỉ ở những thành phố lớn mới có người đi xe đạp. Lúc khấm khá hơn thì xe đạp phát triển ở nông thôn như một giải pháp cho vận tải thay đôi quang gánh, xe kéo. Xe đạp đã làm nên kỳ tích trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh đuổi hoàn toàn thực dân Pháp. Nó là phương tiện chủ lực vận tải thuốc men, súng đạn, lương thực cho bộ đội trong suốt 9 năm kháng chiến. Dĩ nhiên lúc chở hàng chiếc xe không thể đạp. Chỉ có thể gọi là xe thồ đẩy bộ mà thôi. Khi hết hàng, dân công mới lắp chiếc xích vào để đạp. Phải dùng một cành cây lớn buộc sau xe làm chiếc phanh giảm tốc khi xuống những con dốc quanh co Tây Bắc.

2. Sau hòa bình năm 1954, xe đạp vẫn chỉ phổ biến ở vài thành phố lớn. Hà Nội còn lại những chiếc xe đạp thời Pháp thong thả dạo bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Hình ảnh đẹp rất khó phai mờ trong tâm trí thị dân ngày ấy chính là những thiếu nữ Hà Nội tha thướt áo dài trên những chiếc xe đạp. Hình ảnh này còn được khắc họa sâu đậm trong các tác phẩm văn học nghệ thuật cùng thời. Nó phản ánh trung thực khát khao của dân phố. Chiếc xe đạp không chỉ là phương tiện mà còn là tài sản thời trang đẳng cấp như châu báu đeo trên người.

Nắm được nhu cầu ấy của nhân dân, Hà Nội đã cho thành lập Nhà máy Xe đạp Thống Nhất vào năm 1960. Vừa làm vừa học cũng phải mất gần hai chục năm mới có thể sản xuất hoàn chỉnh một chiếc xe đạp. Nhưng nhu cầu xe đạp của dân phố lúc ấy vẫn vượt xa khả năng đáp ứng của nhà máy này.

Suốt cả thời kỳ chiến tranh bao cấp, xe đạp là phương tiện chủ yếu của thị dân Hà Nội. Không kể chế độ bao cấp tem phiếu phân phối rất nghiêm ngặt thì xe đạp vẫn là một mặt hàng khan hiếm. Cán bộ cơ quan ở cấp phòng trong cả sự nghiệp của mình còn khá nhiều người chưa một lần được phân phối xe đạp. Xe đạp cũng được phân phối theo cấp bậc công tác cụ thể. Cán bộ cấp vụ được mua xe Favorit, Phượng Hoàng là những xe đạp nhập khẩu từ Tiệp Khắc và Trung Quốc. Cấp phòng chỉ được phân phối xe đạp Thống Nhất. Từ những năm 1970 mới có thêm nguồn cung là những người đi học nước ngoài mang về. Toàn xe đạp của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, như Diamant, sau này là Mifa (cũng của Cộng hòa Dân chủ Đức), rồi Eska (Tiệp Khắc), Sputnic (Liên Xô). Họ sản xuất theo cấu tạo nhân chủng người bản xứ nên mang về Việt Nam cần phải sửa sang khá nhiều. Vành 680 hạ xuống còn 650. Ghi đông xe cuốc (xe đua) Sputnic phải nắn lại thành ghi đông thường. Vài người cầu kỳ còn hạ khung xe nam biến thành xe nữ cho giống với xe Peugeot thời trang lúc ấy.

Thật ngạc nhiên là sau ngày thống nhất đất nước thì tình hình sản xuất xe đạp Thống Nhất lại thu nhỏ. Lúc này toàn dân làm xe đạp. Chỉ cần có người nhà vào Sài Gòn mua hộ chiếc khung xe “gióng” bằng tôn thùng phuy mang ra là có thể tự xuống “chợ Giời” mua đầy đủ phụ tùng lắp ráp chiếc xe ấy. Phụ tùng thật có, giả có. Thật là người ta mang từ nước ngoài về. Giả là tự sản xuất trong nước. Có khi mua một bộ bi mang về lắp lên xe đi được vài chục mét đã vỡ hết. Vài chàng thanh niên Hà Nội tằn tiện sắm được chiếc xe đạp đi “cưa gái” trên “đường Tẩy” (đoạn phố từ bờ Hồ xuống hết Phố Huế). Mới đi được chừng đến giữa phố Hàng Bài thì khung xe đã rời ra, thả bạn gái ngồi phệt xuống đường. Trong cái rủi vẫn có cái may. Đó chính là cơ hội giới thiệu bạn gái với gia đình khi cô ấy giúp chàng trai mang về hộ vài bộ phận rời ra của chiếc xe đạp. Gia đình bạn trai bội phần tin tưởng ở cô dâu tương lai đảm đang, cần kiệm.

3. Giờ thì xe đạp bày bán ê hề khắp hang cùng ngõ hẻm trên phố. Nó cũng giống như hai chục năm trước người Hà Nội thích thú chơi xe máy. Cái niềm đam mê xe máy ngày ấy bây giờ biến thành phương tiện đi lại thông dụng. Nhiều người đi chiếc xe máy của mình vài tháng chẳng buồn mang rửa. Và hậu quả đương nhiên, xe máy tràn ngập phố phường đến không còn chỗ mà đi. Xe đạp đang manh nha chào đón ngày huy hoàng sắp đến của mình.

Đã có khá nhiều nhóm cả nam phụ lão ấu trong thành phố lập nên những câu lạc bộ đạp xe. Phát triển nhất là ở nhóm các cụ về hưu. Nhóm này có lẽ cuộc đời công chức đã từng gắn bó với xe đạp suốt thời gian đầu công tác. Đầy vơi kỷ niệm với xe đạp và cũng có không ít kiến thức về nó. Họ tụ tập hàng sáng vào lúc 5 giờ quanh các hồ nước trong thành phố. Hồ Tây là địa điểm lý tưởng để đạp xe. Thật ngạc nhiên tưởng rằng nhóm các cụ già sức vóc chẳng còn bao nhiêu mà nhiều cụ đạp đến hai vòng hồ. Vị chi là khoảng 35km. Cũng phải thừa nhận chiếc xe đạp thể thao thế hệ mới được chế tạo hoàn hảo tất cả các tính năng. Nhiều người cầu kỳ sắm hẳn những chiếc xe địa hình chuyên nghiệp khá đắt tiền. Người ngồi lên chỉnh độ cao vừa vặn và đạp rất nhẹ nhàng. Ban đêm có đèn led chiếu sáng và báo hiệu an toàn. Các lão bà cũng quần áo thể thao, mũ bảo hiểm nhẹ như bấc bám theo các cụ ông chẳng hề kém cạnh.

Đám thanh niên Hà Nội cũng tranh thủ ngày rỗi rãi đạp xe đi khá xa. Xe của họ khá nhiều chủng loại. Xe đạp địa hình, thích hợp để đi đường dốc, đổ đèo hay đi đường rừng... có đặc điểm là vỏ bánh rất to, nhiều gai để bám đường. Xe đạp đua (xe cuốc), do yêu cầu cơ bản là có thể đi tốc độ cao nên sườn xe, bánh xe phải mỏng để nhẹ hơn, lướt nhanh phục vụ hoàn toàn cho tốc độ. Xe touring, thích hợp cho người thích đi du lịch bụi, đi “phượt”..., không bàn về tốc độ, người dùng xe này cần nhất là xe phải có khả năng đi đường trường, chở được nhiều đồ... Quãng đường họ đi mới là điều đáng kinh ngạc. Hải Phòng, Nam Định và Thanh Hóa đều là những điểm đến và quay về trong ngày. Đặc biệt là những câu lạc bộ, nhóm, hội được lập ra để rủ nhau cùng đạp xe tạo thành một phong trào thể thao sâu rộng trong quần chúng cũng là một cách giải trí và rèn luyện thân thể rất đáng khen ngợi.

Cũng từ đây đã bắt đầu xuất hiện một tư duy mới của thị dân Hà Nội sau những năm tháng tắc đường và hứng chịu ô nhiễm, tiếng ồn do số lượng khổng lồ xe máy, ô tô gây ra. Bởi xe đạp cùng lúc giải quyết được khá nhiều vấn đề của đô thị như vậy, hơn thế, nó còn là một công cụ rèn luyện sức khỏe vô cùng cần thiết với thị dân. Đó là: Xe đạp, tại sao không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thăng trầm xe đạp Hà Nội