Hành trình Ký họa châu Á 2019: Kỳ vọng những cảm xúc về một Hà Nội thân thiện

01/10/2019 09:16

(NSHN) - Hành trình Ký họa châu Á Hà Nội 2019 (Asia-link Sketchwalk Hanoi 2019) diễn ra từ ngày 3 đến 6-10-2019 tại Hà Nội do nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (USK) đăng cai tổ chức. Trước thềm sự kiện, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy - Trưởng USK Hà Nội xung quanh hoạt động này.

PV: Nhóm ký họa đô thị Hà Nội đăng cai sự kiện Hành trình Ký họa châu Á 2019 vào thời điểm rất có ý nghĩa: Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đây là sự tình cờ thú vị? Chị có thể cho biết quy mô của sự kiện lần này?

KTS Trần Thị Thanh Thủy: Hành trình Ký họa châu Á là sự kiện được tổ chức hằng năm ở một thành phố châu Á, mời những ký họa viên khắp thế giới đến vẽ những di sản đô thị và tổ chức triển lãm nhằm quảng bá nét đẹp kiến trúc, văn hóa của thành phố đó.

Năm nay, sự kiện sẽ diễn ra tại Hà Nội, đúng dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là sự trùng hợp có tính toán vì thứ nhất USK chúng tôi mong muốn Hà Nội đăng cai tổ chức sự kiện vào thời điểm có ý nghĩa này. Thứ hai, sự kiện ký họa châu Á thường được tổ chức từ tháng 9 đến tháng 11, cho nên chúng tôi chọn thời điểm tháng 10 là quãng thời gian Hà Nội có mùa thu đẹp và thuận lợi cho ký họa.

Chúng tôi sẽ đón 350 người là kiến trúc sư, họa sĩ, những người đam mê ký họa đến từ 18 quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Pháp, Malaysia, Philippines… tới vẽ phố cổ Hà Nội trên giấy và trên áo dài, nón lá trong ba ngày.

Toàn bộ kinh phí đều do các thành viên trong nhóm tự đóng góp và kêu gọi tài trợ từ các tổ chức, cá nhân yêu Hà Nội. Đến hôm nay, công việc chuẩn bị cũng đã gần hoàn tất.

PV: Chị có thể cho biết một số hoạt động chào đón bạn bè thế giới đến Hà Nội trong khuôn khổ sự kiện?

KTS Trần Thị Thanh Thủy: Hà Nội đã có hơn 1.000 năm tuổi, rất khác với các thành phố mà chúng tôi từng tham gia sự kiện ký họa trước đây. Bản thân hình ảnh của khu phố cổ Hà Nội thôi, cũng đã có thể mang tới nhiều cảm nhận đặc biệt với các bạn quốc tế.

Với mục tiêu khắc họa một cách rõ nét chân dung phố cổ Hà Nội, 350 người tham dự sẽ được chia thành 10 nhóm, trong 4 ngày liên tục sẽ lần lượt ký họa toàn bộ khu phố cổ, bao gồm: Đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, Tượng đài Vua Lý Thái Tổ, chợ Đồng Xuân, Tam phủ Linh Từ, Ô Quan Chưởng, các tuyến phố trong phạm vi khu vực phố cổ, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà thờ Lớn và một số công trình lịch sử, đậm nét văn hóa của Hà Nội…

Các tác phẩm trong thời gian diễn ra sự kiện sau đó sẽ được triển lãm vào buổi bế mạc tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia; triển lãm tại trường Đại học Kiến trúc (từ 7-10/10/2019); Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (từ 11-13/10) và Bảo tàng Hà Nội (từ 14/10- 31/12/2019).

Để làm đầy thêm những trải nghiệm của bạn bè quốc tế về Hà Nội, ngoài hoạt động chính là vẽ ký họa, những người tham dự còn được giới thiệu các đặc trưng văn hóa của Hà Nội như được mặc trang phục áo dài, vẽ nón lá, vẽ quạt, thưởng thức các món ăn đặc sản của Hà Nội như phở, bún chả, giò lụa, chả cốm, các loại bánh truyền thống như bánh phu thê, bánh cốm… 

Tất cả những hoạt động này sẽ được dựng lại trong một không gian thuần Việt phảng phất hơi thở của phố phường Hà Nội, kỳ vọng sẽ mang đến những cảm xúc trọn vẹn và sâu đậm về một Hà Nội bình dị, thân thiện, mến khách và vui sống.

PV: Được biết trong sự kiện "Hành trình ký họa châu Á Hà Nội 2019" bát chiết yêu sẽ được xuất hiện trong bàn tiệc chiêu đãi bạn bè trong nước và quốc tế như một lời chào từ Tràng An xưa. Chị có thể cho biết vì đâu lại có ý tưởng này?

KTS Trần Thị Thanh Thủy: Đây là một dáng bát cổ gắn liền với đời sống người Hà Nội xưa nhưng lâu nay không còn phổ biến nữa. Chúng tôi đã đến xưởng gốm làng Bát Tràng của họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc Lê Anh Vũ để đặt loại bát này.

Gọi bát chiết yêu bởi vòng eo đặc trưng của chiếc bát. Có người nói thoáng nhìn thấy chiếc bát độc đáo này lại nhớ về một Tràng An xưa.

Ngày nay bát chiết yêu dần biến mất trong mâm cơm nhà, chỉ thi thoảng xuất hiện ở một vài nhà hàng. Có lẽ vì người tiêu dùng đã có nhiều sự lựa chọn hơn.

PV: Nhóm ký họa đô thị Hà Nội vừa đoạt giải Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội. Chị có thể cho biết đôi nét về nhóm và những dự định trong thời gian tới?

KTS Trần Thị Thanh Thủy: Nhóm ký họa đô thị Hà Nội được thành lập đến nay là 3 năm. Đây là sân chơi cho những người yêu Hà Nội, yêu ký họa với mong muốn bằng tình yêu Hà Nội của mình sẽ lan tỏa tới cộng đồng ý thức giữ gìn di sản của Hà Nội, phát huy những giá trị về lịch sử văn hóa, không gian đô thị mà chúng ta đang sống.

Ghi nhận tình yêu Hà Nội và nỗ lực hoạt động của hơn 4.000 thành viên, cuối tháng 8 vừa qua, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội chúng tôi đã vinh dự nhận được Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Hành động vì tình yêu Hà Nội. Giải thưởng là sự khích lệ về tinh thần, niềm tự hào của các thành viên đồng thời cũng là động lực để các thành viên dồn toàn lực cho việc tổ chức sự kiện Hành trình Ký họa châu Á Hà Nội 2019 lần này. 

Sau cuốn “Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức” (2018), ngày 5-10 tới đây, chúng tôi sẽ ra mắt cuốn song ngữ “Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức” bằng tiếng Việt và tiếng Anh, rồi năm sau là cuốn “Những ngôi nhà kiến trúc Pháp của Hà Nội”, rồi năm sau nữa có thể là “Những con ngõ Hà Nội” hoặc “Món ngon Hà Nội”…

PV: Trân trọng cảm ơn chị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình Ký họa châu Á 2019: Kỳ vọng những cảm xúc về một Hà Nội thân thiện