Cộng đồng dân cư chính là nhân tố quan trọng hàng đầu

Ban Đình| 18/09/2019 14:57

(HNMCT) - Trải qua 30 năm thực hiện, phong trào xây dựng Làng văn hóa ở khu vực ngoại thành Hà Nội đã đạt được nhiều thành quả to lớn. Tuy nhiên, so với yêu cầu của xã hội, gắn với thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020 thì nhiều nội dung cần được bổ sung, nâng cao, đặc biệt là cần phải phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư nông thôn.

Diện mạo nông thôn mới ở xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt

Thành quả to lớn

Xây dựng Làng văn hóa là một nội dung quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Những yêu cầu chính yếu là: Phát triển cơ sở hạ tầng; củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao; phát triển kinh tế; tạo lập cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; xóa bỏ các hủ tục, giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng nếp sống văn minh; hình thành môi trường văn hóa lành mạnh; thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những quy định của chính quyền các cấp, tôn trọng pháp luật...

Phong trào xây dựng Làng văn hóa bắt đầu từ năm 1989, đến năm 2010 gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn Hà Nội, đến nay đã có 371/386 (96,1%) xã đạt tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và 349/386 (86,5%) xã đạt tiêu chí số 16 (văn hóa) theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg về xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự đầu tư từ chương trình xây dựng nông thôn mới, các làng văn hóa được thụ hưởng các lợi ích về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông, có thêm điều kiện phát triển. Các thiết chế văn hóa được xây dựng và hoạt động có nền nếp. Các thôn đều xây dựng quy ước, hương ước và tổ chức thực hiện tốt.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được chú trọng đẩy mạnh, trở thành yếu tố quan trọng góp phần tích cực thúc đẩy phong trào xây dựng Làng văn hóa. Hàng trăm làng trở thành Làng văn hóa, tiêu biểu như Thị Nguyên (xã Cao Dương), Hưng Giáo (xã Tam Hưng) của huyện Thanh Oai; Thu Quế (xã Song Phượng), Thọ Vực (xã Đồng Tháp) của huyện Đan Phượng; Chanh Thôn (xã Văn Nhân), Nam Quất (xã Nam Triều) của huyện Phú Xuyên; Đặng Xá (xã Vạn Điểm), Liễu Viên (xã Nghiêm Xuyên) của huyện Thường Tín... Các điển hình được nhân rộng, thúc đẩy phong trào chung phát triển nhanh, mạnh và vững chắc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, những nguyên nhân cơ bản làm nên thành công của phong trào xây dựng Làng văn hóa những năm qua ở Hà Nội là: Hoạt động của cấp ủy Đảng thường xuyên, có hiệu quả; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức trong thôn phối hợp tốt; quyền và nghĩa vụ của công dân được tôn trọng, phát huy; mọi việc trong làng đều được thực hiện dân chủ, công khai...

Phát huy sức mạnh cộng đồng

Nhân dân là người thực hiện và cũng là người thụ hưởng thành quả của phong trào xây dựng Làng văn hóa. Ảnh: Bá Hoạt

Việc thực hiện hai tiêu chí văn hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở ngoại thành Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả cao nhưng thực tiễn đang đặt ra một số vấn đề cần được xem xét, giải quyết kịp thời. Đó là: Việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân trong tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ; đào tạo nghề, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa... Gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng Làng văn hóa phải góp phần giải quyết những vấn đề đó.

Riêng về các vấn đề nội tại của phong trào xây dựng Làng văn hóa, còn nhiều nội dung phải tiếp tục phấn đấu để nâng cao, nhất là chất lượng phong trào. Hạn chế lớn nhất, phổ biến nhất là hệ thống thiết chế văn hóa ở nông thôn tuy đã cơ bản phủ kín địa bàn và hoạt động nhiều năm, nhưng hiệu quả còn thấp. Có địa phương bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng các công trình văn hóa song không chú ý phát huy đầy đủ tác dụng của các công trình đó. Nội dung hoạt động của các nhà văn hóa, khu thể thao thôn còn nghèo nàn, kém hấp dẫn. Một số nhà văn hóa thôn ít khi hoạt động hoặc thường khóa cửa. Vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích nhất thời, làm cho phong trào thiếu bền vững...

Từ đó, dẫn đến nghịch lý là trong khi tỷ lệ đạt Gia đình văn hóa, Làng văn hóa tăng cao mà vẫn diễn ra rất nhiều vụ bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội gia tăng, tình làng nghĩa xóm suy giảm. Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này là: Cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở những nơi đó chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình đối với phong trào; việc phối hợp còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân còn hạn chế cả về hình thức lẫn nội dung, vì thế hiệu quả thấp. Việc triển khai thực hiện các chuẩn mực văn hóa theo ngành, lĩnh vực, đối tượng chưa thấu đáo; kinh phí đầu tư cho các hoạt động văn hóa xã hội nói chung, phong trào xây dựng Làng văn hóa nói riêng, còn thấp so với yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố mà Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ đã nêu, có thể thấy một lý  do khá phổ biến, đó là nhiều địa phương còn mắc bệnh thành tích, chạy theo hình thức trong việc bình chọn danh hiệu Làng văn hóa, Gia đình văn hóa...

Những vấn đề nội tại đó đồng thời là những bài toán rất cần được các cấp, ngành, các địa phương quan tâm, suy ngẫm, tìm ra giải pháp khả thi.

Thúc đẩy phát triển nông thôn theo hướng bền vững

Từ góc nhìn cơ sở, ông Trịnh Xuân Thiệu, công chức văn hóa - xã hội xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) đề xuất: Trong xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện các tiêu chí văn hóa gặp khó khăn không kém các tiêu chí kinh tế-xã hội. Thực hiện các tiêu chí văn hóa và xây dựng Làng văn hóa gắn với chương trình nông thôn mới phải dựa trên nền tảng truyền thống, kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc, giữ gìn hồn cốt của làng quê; cần tập trung vào việc hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở và xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa; nhân rộng các điển hình văn hóa để tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới, làm phong phú thêm đời sống văn hóa nước nhà.

Về những bài học kinh nghiệm, cũng là những giải pháp để ngày càng nâng cao chất lượng phong trào xây dựng Làng văn hóa trong tình hình mới, ông Nguyễn Thế Mạnh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh, nhận định: Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, cần có những giải pháp căn cơ, đúng hướng. Hệ thống chính trị ở nông thôn phải thật sự trong sạch, vững mạnh; quan tâm đầy đủ đến phát triển văn hóa; cán bộ, đảng viên ở nông thôn phải phát huy vai trò gương mẫu; động viên quần chúng phát huy nội lực, chủ động trong sản xuất, xây dựng nếp sống và quản lý địa bàn. Cộng đồng dân cư ở nông thôn chính là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu Làng văn hóa; vì thế, phải được chăm lo toàn diện, được kết nối nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Xây dựng Làng văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới là đáp ứng yêu cầu của xã hội trong thời kỳ mới, bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững, tiếp tục nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Các hoạt động văn hóa của làng phải góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, vì thế phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong sản xuất và đời sống. Các địa phương phải nỗ lực tạo lập sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, lấy việc xây dựng con người văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh làm cốt lõi trong mọi hoạt động.

Phong trào xây dựng Làng văn hóa đòi hỏi nỗ lực của các cấp, ngành, các địa phương và của cả cộng đồng. Đã có rất nhiều làng đạt chuẩn Làng văn hóa, nhưng cũng còn nhiều làng chưa đạt chuẩn, ở những mức khác nhau. Vì thế, để đảm bảo chất lượng phong trào, cần xem xét điều kiện cụ thể của từng thôn bản để đề ra kế hoạch và bước đi thích hợp. Tuy vậy, đồng thời vẫn phải duy trì những yêu cầu chính yếu đối với các thôn bản là: Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện Quy ước Làng văn hóa để quy ước vừa mang tính định hướng, chỉ đạo, vừa thể hiện nguyện vọng của quần chúng; chú trọng xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa làm hạt nhân cho phong trào; bảo vệ môi trường, cảnh quan; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Phú Xuyên:
Động viên nhân dân tự giác và trực tiếp tham gia mọi hoạt động

Nhìn vào hiện thực nông thôn thời gian qua và hiện tại, có thể thấy rằng: Việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng Làng văn hóa phải mang tính chiến lược, phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể trong chương trình và hành động của từng địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải động viên nhân dân ở thôn bản, nơi trực tiếp xây dựng Làng văn hóa, để họ tự giác tham gia mọi hoạt động. Phải tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu rõ phong trào xây dựng Làng văn hóa là của dân, do dân và vì dân, nhân dân là người thực hiện và cũng là người thụ hưởng thành quả của phong trào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng dân cư chính là nhân tố quan trọng hàng đầu