Làng văn hóa phải đạt được các yêu cầu của nông thôn trong thời kỳ mới

18/09/2019 15:06

(HNMCT) - Sau 30 năm thực hiện phong trào xây dựng Làng văn hóa, diện mạo nông thôn Hà Nội đã có những thay đổi to lớn. Đời sống phát triển theo hướng văn minh, gia tăng tiện ích nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống; đồng thời, mở rộng để tiếp thu tinh hoa văn hóa của đất nước và thế giới. Về vấn đề này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh Hào, Hội viên Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ xứ Đoài.

- Rất vui được gặp lại ông với chủ đề xây dựng Làng văn hóa ở nông thôn Hà Nội mà chúng ta đã từng đề cập. Qua 30 năm thực hiện, phong trào xây dựng Làng văn hóa đã có những bước tiến dài, phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Là người theo dõi và đồng hành với phong trào suốt 30 năm qua, xin ông cho biết thêm những nhận xét của mình?

- Như anh biết, năm 1989, phong trào xây dựng Làng văn hóa chính thức được phát động nhưng từ trước đó, chúng ta đã chuẩn bị được nhiều điều kiện cho việc xây dựng. Trong đó, văn hóa làng mà chúng ta có được là một điều kiện tốt. Văn hóa làng không chỉ tồn tại bền bỉ qua hàng nghìn năm mà còn tiếp tục được phát huy tốt trong thời đại mới, làm một chân móng cho phong trào. Ngoài ra, cũng phải kể đến tác động tích cực từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Chính vì thế, phong trào xây dựng Làng văn hóa đã đạt được những thành quả hết sức to lớn. Trong toàn quốc, có gần 70% làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố được công nhận là đơn vị văn hóa. Riêng ở Hà Nội, đến nay đã có trên 1.500 Làng văn hóa và hết năm 2019, số lượng Làng văn hóa sẽ còn tăng cao. Các Làng văn hóa đã góp phần thay đổi tích cực diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân. Đó là những cái được rất lớn.

- Khi được gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng Làng văn hóa càng có điều kiện phát triển. Theo ông, điểm nổi bật trong sự tác động qua lại giữa chương trình xây dựng nông thôn mới và phong trào xây dựng Làng văn hóa là gì?

- Không thể tách rời việc xây dựng Làng văn hóa với việc xây dựng nông thôn mới vì chương trình nông thôn mới mang tính chất bao trùm địa bàn nông thôn. Làng văn hóa phải chính là làng đạt được các yêu cầu của nông thôn trong thời kỳ mới. Đi sâu vào các nội dung, chúng ta thấy, các tiêu chí xây dựng Làng văn hóa cũng đồng thời đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Khi Hà Nội đầu tư sâu cho chương trình nông thôn mới thì cũng có nghĩa là phong trào xây dựng Làng văn hóa có thêm điều kiện thuận lợi. Hai công tác này quan hệ hữu cơ, tác động tương hỗ, cùng làm tăng thêm hiệu quả cho nhau, cùng hướng đến mục tiêu thay đổi tích cực và toàn diện đời sống nông thôn theo hướng nâng cao về chất lượng, tiếp cận các tiêu chuẩn của đời sống hiện đại, thu hẹp khoảng cách vùng miền.

- Đúng là rất biện chứng và điều này đã được thực tế kiểm nghiệm trên diện rộng. Tuy nhiên, phải thẳng thắn chỉ ra rằng, chất lượng phong trào xây dựng Làng văn hóa giữa các địa phương chưa thật đồng đều, còn có tình trạng chạy theo thành tích khiến dư luận bức xúc. Ông có nghĩ như vậy?

- Xây dựng Làng văn hóa là một vấn đề văn hóa, đồng thời cũng là một vấn đề xã hội liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, đối tượng, vấn đề khác. Do tính chất của phong trào nên trong giai đoạn đầu, khó tránh khỏi việc giao chỉ tiêu hoặc quá cao, hoặc còn thấp so với khả năng của cơ sở. Ngay các cơ sở ban đầu cũng chưa thể nhận thức đầy đủ các yêu cầu, tính chất của công việc nên chấp nhận chỉ tiêu mà chưa có phản hồi. Đến thời hạn kiểm tra đánh giá cũng vậy: Ngoài những cơ sở hoàn thành với kết quả vững chắc, thực chất, thì còn một số cơ sở do chưa đạt yêu cầu nên xin được “nợ” chỉ tiêu và do sức ép hoàn thành kế hoạch chung nên bên kiểm tra, đánh giá cũng xuê xoa chấp nhận cho “nợ” chỉ tiêu và công nhận cơ sở hoàn thành kế hoạch.

Tới đây, tình trạng đó phải chấm dứt thì chất lượng phong trào mới được nâng cao. Một cơ sở được công nhận là Làng văn hóa thì chất lượng cuộc sống nhân dân ở đó phải có thay đổi vượt bậc so với trước và biểu hiện bằng sự hài lòng của người dân chứ không đơn thuần là đạt “điểm” theo chỉ tiêu.

Đời sống nông thôn mới đang phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống.

- Xây dựng Làng văn hóa là cốt lõi của việc xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, khi được gắn với chương trình nông thôn mới thì yêu cầu càng cao hơn. Vậy, theo ông, các giải pháp đã và đang thực hiện có còn tiếp tục phát huy tác dụng?

- Các cấp, ngành đã có đánh giá sau 10 năm, 20 năm và tới đây là 30 năm thực hiện phong trào. Vì thế, sẽ có những đánh giá thỏa đáng về những giải pháp đã và đang thực hiện, nếu còn phát huy tác dụng thì sẽ tiếp tục được thực hiện. Tất nhiên, khi phong trào xây dựng Làng văn hóa được gắn với chương trình nông thôn mới, yêu cầu được nâng cao hơn, thì phải bổ sung thêm giải pháp. Các giải pháp phải mang tính hệ thống, được tiến hành đồng bộ. Chẳng hạn, việc đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng không phải chỉ phục vụ các nội dung xây dựng nông thôn mới mà cũng chính là phục vụ các nội dung xây dựng Làng văn hóa, vì thế, khi tiến hành phải được gắn kết trong tất cả các hoạt động. Trong mọi việc, cần nhất là sự thiết thực.

- Để các giải pháp mang tính hệ thống và đồng bộ thì cần tập trung vào những đầu mối nào?

- Phong trào xây dựng Làng văn hóa gắn với chương trình nông thôn mới phải trở thành phong trào mang tính lan tỏa trong cộng đồng. Muốn vậy, phải chuyển yêu cầu của phong trào thành nhu cầu của nhân dân. Các giải pháp là do các nhà quản lý đề ra và tổ chức thực hiện, vì thế, để đạt được tính hệ thống và đồng bộ thì trước hết phải có chuyển biến thực sự từ các “đầu tàu” này. Nhất là người đứng đầu, đã được trao quyền, được tạo điều kiện thì phải thực sự đi đầu trong việc dẫn dắt phong trào.

Nếu những người này không hoàn thành nhiệm vụ thì phải xử lý thỏa đáng và thay thế bằng những người có tâm huyết và năng lực tốt hơn. Chuyển động tích cực của các nhà quản lý sẽ tác động đến các đối tượng dân cư, tạo được niềm tin và ý thức cộng đồng trách nhiệm trong việc xây dựng Làng văn hóa. Đó là cơ sở cho thành công của phong trào xây dựng Làng văn hóa nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng văn hóa phải đạt được các yêu cầu của nông thôn trong thời kỳ mới