Giữ gìn những giá trị cốt lõi của Tết Trung thu

11/09/2019 20:56

(HNMCT) - Cùng với sự phát triển của cuộc sống đương đại, những phong tục tập quán truyền thống của dân tộc cũng có những biến đổi nhất định. Tết Trung thu không nằm ngoài quy luật đó. Nhưng có nên “giữ khư khư” những giá trị truyền thống ấy không là câu hỏi mà Hànộimới Cuối tuần đặt ra trong cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Xin chào ông! Một Tết Trung thu nữa lại về có khiến một người “làm di sản” như ông trăn trở không?

- Chắc chắn rồi! Với lớp người lớn tuổi như tôi, sự hoài niệm ấy càng rõ hơn. Mỗi dịp Trung thu tôi lại nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu. Ngày ấy, các gia đình chuẩn bị Trung thu sớm trước cả tháng, nào phơi hạt bưởi làm pháo, chuẩn bị giấy màu, bột để làm bánh, nào làm con giống và các loại đèn.

Nhưng tôi nhớ nhất là những câu chuyện về đêm rằm mà bố tôi - Giáo sư Nguyễn Văn Huyên vẫn kể. Người xưa vẫn quan niệm rằng, Trung thu là dịp ông Tơ và bà Nguyệt xe duyên cho các đôi trai gái, buộc tơ cho đôi nào thì đôi ấy sẽ nên duyên vợ chồng. Vì thế Trung thu được coi là “tết đón trăng”, “tết dạm hỏi”.

Ấy là dịp để các đôi trai gái hẹn hò, tìm hiểu thông qua các màn hát đối đáp như hát trống quân hay quan họ. Tiếp theo là màn dạm hỏi nếu đôi trai gái đã cảm mến nhau thực sự.

Đến thời của tôi thì Trung thu là lúc lũ trẻ háo hức chờ đợi những món quà, đồ chơi mà người lớn mua hoặc tự tay làm cho. Với những gia đình khá giả, Trung thu là dịp để các cô gái trổ tài khéo léo. Các loại trái cây được tỉa thành những bông hồng, hoa sen; những con cá, tôm, gà, chó cùng các loài cây cỏ... được nặn bằng bột nhuộm nhiều màu vô cùng sinh động. Cùng với đó là các loại bánh dẻo, bánh nướng hình mặt trăng, con cá, con lợn hay những chiếc lồng đèn cá chép, ông sao, đèn kéo quân lung linh đủ màu sắc.

Bây giờ, người ta chuẩn bị Trung thu cho con trẻ đơn giản hơn nhiều, khi cái gì cũng có thể mua sẵn. Tuy nhiên, mỗi thời có một cách thưởng thức Trung thu theo xu hướng của thời đại ấy. Chúng ta không thể và cũng không nên đòi hỏi Trung thu hiện đại phải giống y như truyền thống, bởi quy luật của cuộc sống là luôn vận động và phát triển. Nhu cầu hưởng thụ, điều kiện vật chất và những thứ tạo ra các sản phẩm truyền thống cũng thay đổi.

Vậy phải làm thế nào để thích ứng giữa truyền thống với hiện đại? Mỗi thế hệ sẽ chứng kiến và trải nghiệm Trung thu qua các bối cảnh khác nhau, quan trọng là duy trì và giữ gìn những giá trị cốt lõi và tinh thần của Trung thu truyền thống.

- Vậy, tinh thần và giá trị cốt lõi của Trung thu là gì, thưa ông?

- Tết Trung thu gắn với những yếu tố văn hóa cổ xưa, phong tục tập quán của cư dân nông nghiệp. Cũng giống như Tết mừng cơm mới của đồng bào vùng cao, Tết Trung thu diễn ra vào giữa mùa thu, khi mùa màng đã thu hoạch xong, người dân mở hội để mừng một vụ mùa bội thu, cuộc sống no đủ. Đấy là nét đẹp truyền thống của cư dân trồng lúa nước và là bản chất của Tết Trung thu xưa ở Việt Nam.

Sau này, cùng với sự phát triển, Trung thu trở thành Tết của trẻ em. Đấy là nét độc đáo, phản ánh tư tưởng nhân văn trong văn hóa Việt Nam khi là nước duy nhất ở châu Á dành hẳn một cái tết cho trẻ em. Đây là dịp để người lớn, gia đình, cộng đồng, xã hội quan tâm đến trẻ em nhiều hơn.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện đại. Tính nhân văn ấy là giá trị vĩnh hằng của Tết Trung thu mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy.

Tinh thần cốt lõi nữa của Tết Trung thu là sự tôn trọng thiên nhiên, thể hiện ở ý nghĩa là “tết đón trăng”. Ở đô thị không có nhiều điều kiện để ngắm trăng, nhưng phần lớn người dân nông thôn vẫn giữ được không khí vui vẻ của buổi trông trăng rằm. Thời tiết mát mẻ là điều kiện tuyệt vời để con người thưởng thức thiên nhiên. Những không gian ấy cần được giữ gìn, đặc biệt là ở thành phố, để trẻ em có thể cảm nhận được cái đẹp của mùa thu, của Tết Trung thu truyền thống. Đấy là một sản phẩm tuyệt vời của thiên nhiên mà hiện nay nhiều người đã quên đi. Giá trị cốt lõi của Trung thu còn là thưởng ngoạn thiên nhiên - một thú vui của các tao nhân mặc khách xưa kia.

Nhờ đó, vẻ đẹp của Trung thu mới đi vào thi ca bao đời. Ý thức được những điều đó, con người mới biết tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường trước những nguy cơ biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay.

- Theo ông, Hà Nội có còn giữ được những không gian thưởng thức Tết Trung thu khi thành phố đang phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay?

- Hà Nội có hệ thống ao, hồ nhiều nhất cả nước. Đây chính là không gian lý tưởng để tổ chức đêm hội trông trăng cho trẻ em. Không gian thoáng đãng của cây xanh, mặt nước, đặc biệt tại những sông, hồ mang đậm tính văn hóa - lịch sử như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống..., sẽ giúp các em gắn bó với thiên nhiên hơn cũng như thêm hiểu, thêm yêu thành phố nơi mình đang sống. Điều đó vừa góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, vừa đưa tới cho trẻ em những hiểu biết sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa truyền thống. 

Trong không gian cảnh quan thiên nhiên như vậy, có thể tái hiện những trò chơi dân gian, phong tục truyền thống của Tết Trung thu càng nhiều càng tốt. Việc quay lại với những giá trị xưa cũ không nhất thiết phải bê nguyên xi các yếu tố truyền thống mà nên có sự chắt lọc phù hợp với cuộc sống hiện đại để gây hứng thú cho trẻ.

Quan trọng là phải làm thế nào để trẻ được hòa mình và cảm nhận rõ không khí Tết Trung thu và thiên nhiên. Điều này đòi hỏi vai trò của chủ thể, ở đây là cộng đồng, bắt đầu từ các gia đình, cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị... với nhiều hình thức tổ chức khác nhau.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của gia đình và cộng đồng để tổ chức cho trẻ những Tết Trung thu mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc chứ không thể mang tính hình thức. Có như vậy, Tết Trung thu mới thực sự là Tết cho trẻ em. Từ đó, những giá trị tinh thần cốt lõi của Tết Trung thu mới được giữ gìn và phát huy.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn những giá trị cốt lõi của Tết Trung thu