Đọc sách - nét đẹp ở Đống Chanh

Bài, ảnh: Vân Nga| 10/09/2019 08:03

(HNM) - Hàng chục năm qua, ở một làng quê cách trung tâm Hà Nội chừng 40km đã có phong trào đọc sách, khởi phát từ thư viện nhỏ, nằm trong ngôi đình cổ kính của làng Đống Chanh, xã Minh Cường, huyện Thường Tín. Cho đến nay, dù điện thoại thông minh, internet, mạng xã hội đang tràn ngập, nhưng cứ chiều chiều, người già và các em học sinh vẫn nâng niu từng trang sách, báo ở thư viện như một "nếp làng" rất đẹp của Đống Chanh.

Người dân đọc sách tại Thư viện Đống Chanh, xã Minh Cường, huyện Thường Tín.

Chúng tôi đến thăm Thư viện Đống Chanh, được trò chuyện với cụ Nguyễn Ngọc Giám - người thủ thư già tình nguyện bao năm qua phục vụ miễn phí người dân đến đọc sách, báo. Năm nay đã 88 tuổi, nhưng cụ Nguyễn Ngọc Giám vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Cụ Giám hào hứng kể về sự ra đời của thư viện: “Năm 1982, thấy cần thiết có thư viện để người dân có thêm thông tin, kiến thức nên tôi đề xuất và cùng với địa phương vận động quyên góp, ủng hộ sách, báo, đồng thời chọn đình làng là điểm đặt thư viện. Ngay khi mới mở, dù số lượng sách chưa nhiều, song thư viện đã thu hút nhiều độc giả, nhất là những cô cậu học sinh”.

Nhớ lại những ngày đầu tiên, ông Nguyễn Thành Đồng, Phó Trưởng thôn Đống Chanh cho biết: “Những năm tháng thư viện mới hình thành, sách còn khan hiếm lắm. Con em chúng tôi - thế hệ sinh vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước đã phải xếp hàng để vào đọc sách. Nhờ việc đọc sách đã giúp các cháu học tập tốt hơn”.

Từ năm 2000 đến nay, cụ Nguyễn Ngọc Giám đã trở thành thủ thư chính của Thư viện Đống Chanh. Những cuốn sách, báo ở thư viện đã được cụ Giám giữ gìn và tích cực giới thiệu đến người dân trong làng. Cụ Giám cho hay, ngoài việc phục vụ người đọc trực tiếp, cho mượn mang về nhà, cụ còn đưa đến tận tay thợ cắt tóc, chị bán hàng hay những ai muốn đọc mà không tiện đến. Ví như trường hợp ông Nguyễn Văn Tuy (70 tuổi), là người thường xuyên đọc sách, báo ở thư viện, thời điểm vợ ông mới mất, sức khỏe suy yếu, ông không đến thư viện được. Cụ Giám đã chọn giúp ông Tuy những cuốn sách yêu thích và mang đến tận nhà. “Nhờ sự tận tình của cụ Giám mà tôi được đọc những cuốn sách hay và vơi bớt nỗi buồn”, ông Nguyễn Văn Tuy chia sẻ.

Một việc hữu ích với Thư viện Đống Chanh là ngày 29-8 vừa qua, cụ Giám đã tiếp nhận 200 cuốn sách mới do Thư viện Hà Nội đưa về theo chương trình luân chuyển sách (mỗi năm có 2 đợt, đến nay đã có hơn 7.000 cuốn được luân chuyển về thư viện). Thư viện Đống Chanh hiện có hơn 1.000 cuốn sách, chia theo 5 chủ đề: Chính trị, pháp luật, khoa học, văn học và sách truyện thiếu nhi. Ngoài ra, có các tờ báo như: Hànộimới, Quân đội nhân dân… Mỗi ngày, khoảng 20 người, chủ yếu là người cao tuổi và các cháu học sinh đến đọc trực tiếp, hơn 20 người mượn sách mang về nhà để tranh thủ đọc lúc rảnh việc.

Khi được hỏi làm thế nào để duy trì được phong trào đọc sách trong khi điện thoại thông minh, internet, mạng xã hội đang thu hút nhiều người, cụ Nguyễn Ngọc Giám cười hiền hậu nói: “Nơi đây, việc đọc sách thành nếp quen rồi, ngày nào thư viện cũng mở phục vụ bà con, nếu không, mọi người sẽ cảm thấy thiếu món ăn tinh thần bổ ích”.

Phó Chủ tịch UBND xã Minh Cường Đào Văn Ta cho biết, phong trào đọc sách ở thôn Đống Chanh đã lan tỏa ra toàn xã, góp phần đẩy mạnh phong trào hiếu học ở địa phương. Toàn xã có 4 thôn và hiện cả 4 thôn đều có thư viện. Bình quân mỗi năm, một thư viện làng thu hút 6.000-8.000 lượt người đọc và mượn sách. Nhờ vậy đã góp phần vào thành tích học tập của học sinh các cấp trên địa bàn với việc năm nào xã cũng có 50-60 học sinh thi đỗ vào các trường đại học.

"Xã luôn ghi nhận, biểu dương việc làm rất ý nghĩa của cụ Nguyễn Ngọc Giám; đồng thời, vận động tập thể, cá nhân tiếp tục ủng hộ sách, báo và tham gia phát triển văn hóa đọc ở địa phương. Đây không chỉ là mong muốn của cụ Giám mà còn là niềm vui của những người dân Đống Chanh và trên địa bàn xã Minh Cường", ông Đào Văn Ta cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đọc sách - nét đẹp ở Đống Chanh