Xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Thanh Trì: Những bước chuyển rõ nét

Chi Mai| 05/09/2019 05:41

(HNMCT) - Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở huyện Thanh Trì đã diễn ra sôi nổi với nhiều điểm sáng rất đáng ghi nhận. Không chỉ giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, việc đầu tư cho hệ thống thiết chế cơ sở, khơi dậy phong trào văn hóa, thể thao, xây dựng gia đình, thôn làng văn hóa đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống tinh thần, phát huy sức mạnh đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư nơi đây.

Những con đường hoa sạch đẹp ở xã Yên Mỹ.

Từ điểm tựa truyền thống

Nằm ngoài bãi sông Hồng, trong lịch sử lập làng từng phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt lại có kết cấu đặc biệt “nhất xã, nhất thôn” nên từ lâu xã Yên Mỹ, cũng chính là làng Yên Mỹ xa xưa, đã có truyền thống sống quần tụ, gắn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng tồn tại, phát triển. “Từ vốn quý đoàn kết, tương thân tương ái mà mọi phong trào tại thôn 2 nói riêng và xã Yên Mỹ nói chung đều được triển khai thuận lợi, với sự đồng thuận, chung tay của toàn thể nhân dân. Các phong trào chỉnh trang bộ mặt nông thôn, đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, mô hình đường hoa, xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa... đều đạt được những kết quả rất khả quan” - bà Trần Thị Thoa, Bí thư Chi bộ thôn 2 xã Yên Mỹ chia sẻ.

Một thực tế ở xã Yên Mỹ là không phải đợi tới khi Thành phố phát động cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" người dân mới thực hiện việc tang, việc cưới văn minh. “Từ 20 năm qua xã Yên Mỹ đã thực hiện không mời thuốc lá, không ăn uống kéo dài trong các đám cưới, đám tang” - Ông An Văn Phú, Trưởng thôn 2 phấn khởi chia sẻ. Điển hình trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở thôn 2 phải kể đến vai trò của đội văn nghệ thôn. Với “biên chế” lên tới 60 thành viên, đội văn nghệ thôn 2 là hạt nhân của các hoạt động văn nghệ ở địa phương. Chị Khúc Thị Thanh Huyền, một thành viên tích cực của đội văn nghệ thôn 2 cho biết: “Trong đội văn nghệ có cả những người đã ngoài 70 tuổi nhưng tất cả đều chăm chỉ tập luyện để đem lời ca, tiếng hát tới người dân trong thôn, trong xã”. Điều đặc biệt là Yên Mỹ là xã duy nhất ở huyện Thanh Trì hiện đã xây dựng nhà truyền thống với diện tích 150m2 trưng bày hàng nghìn hiện vật, hình ảnh về lịch sử, văn hóa của làng, những dụng cụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp cùng các vật dụng sinh hoạt tiêu biểu cho cư dân nông nghiệp vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Không chỉ ở Yên Mỹ mà cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cũng mang lại những hiệu ứng tốt đẹp ở nhiều địa phương khác của huyện Thanh Trì. Ông Nguyễn Đức Huân, Trưởng thôn Đồng Trì (xã Tứ Hiệp) phấn khởi cho biết, chưa bao giờ đời sống vật chất, tinh thần của người dân quê ông lại đủ đầy, tươi vui như hiện nay. Đó cũng là chia sẻ của chị Vũ Thị Kim Oanh, đội trưởng đội múa sênh tiền thôn Đồng Trì: “Chúng tôi rất vui vì tiết mục múa sênh tiền được mời biểu diễn ở nhiều lễ hội, liên hoan văn nghệ của thôn, xã, huyện và được nhân dân yêu thích.

Điệu múa dân gian này đã trở thành “đặc sản” của thôn Đồng Trì chúng tôi”. ở thôn Cổ Điển A (xã Tứ Hiệp), các sinh hoạt văn hóa thể thao là phần không thể thiếu trong nhịp sống nông thôn nơi đây. Luôn dẫn đầu xã Tứ Hiệp về mọi hoạt động văn hóa, thể thao, điểm nhấn của thôn Cổ Điển A chính là điệu múa rồng truyền thống. Ông Chu Văn Khởi, Trưởng thôn Cổ Điển A cho biết, thôn đã duy trì đội múa rồng suốt nhiều năm qua để gìn giữ điệu múa truyền thống của cha ông. Việc tập luyện được tổ chức thường xuyên song song với việc tổ chức một đội múa rồng “nhí” nhằm truyền dạy nghệ thuật múa rồng truyền thống cho các thế hệ kế tiếp.

Với hệ thống 5 nhà văn hóa thôn, 1 nhà văn hóa thể thao xã và sự nô nức tham gia của người dân, nhiều năm qua xã Tứ Hiệp luôn là điểm sáng văn hóa của huyện Thanh Trì. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp cho biết: “Xây dựng nông thôn mới đã nâng cao đời sống vật chất và tạo bước chuyển về đời sống tinh thần cho bà con. Mọi việc hiếu, hỉ trong xã đều đã được thực hiện ngắn gọn, thiết thực. Phong trào văn hóa văn nghệ được gây dựng, người dân từ già tới trẻ hăng hái tham gia các câu lạc bộ văn nghệ, thơ ca, thể thao theo sở thích. Đa số các gia đình thực hiện theo hương ước, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa”.

Cơ sở khang trang, phong trào sôi nổi

Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói riêng ở huyện Thanh Trì đã thực sự lan tỏa sâu rộng, thu hút sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Để thúc đẩy hơn nữa các phong trào văn hóa thể thao, huyện Thanh Trì đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống các thiết chế văn hóa đã có của huyện và xã. Đến nay toàn huyện có 88 nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố; 3 trung tâm văn hóa thể thao gồm 1 trung tâm văn hóa thể thao huyện và 2 trung tâm văn hóa thể thao xã; có 24 sân vận động cấp xã, 12 sân bóng đá mini. Hằng năm hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được tu sửa, nâng cấp, bảo đảm hoạt động hiệu quả, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.

Những năm gần đây, huyện Thanh Trì cũng đặc biệt quan tâm khôi phục các điệu múa dân gian như múa rồng, múa sư tử, múa sênh tiền, múa chạy cờ..., nhất là điệu múa bồng Triều Khúc (xã Tân Triều) với tuổi đời hơn một nghìn năm, nhờ đó đã làm nên những nét đẹp hết sức độc đáo của văn hóa truyền thống vùng đất Thanh Trì. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa cũng có những chuyển biến rõ nét, đáng kể là đám tang ở các địa phương trên địa bàn huyện Thanh Trì đã được tổ chức văn minh tiến bộ, với tỷ lệ hỏa táng đạt gần 65%.

Để duy trì, nâng cao hiệu quả của cuộc vận động, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Trì cho biết: Huyện sẽ tập trung tuyên truyền về các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian nhằm quảng bá hình ảnh con người, lịch sử, văn hóa cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thanh Trì. Thời gian tới huyện đã xác định phát triển văn hóa gắn với du lịch tâm linh, đồng thời đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể như múa bồng, múa rồng, múa lân, múa sênh tiền và các lễ hội truyền thống địa phương nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Thanh Trì: Những bước chuyển rõ nét