Ước mơ bảo tồn giấy dó

Bài và ảnh: Phương Minh| 29/08/2019 11:09

(HNMCT) - Là một doanh nghiệp xã hội, 6 năm qua, Zó Project luôn hướng tới bảo tồn và phát triển giấy dó - chất liệu giấy truyền thống của Việt Nam bằng những sản phẩm quà lưu niệm. Nhiều chương trình trải nghiệm làm giấy dó ngay tại Hà Nội hay về làng nghề cùng nghệ nhân đã được tổ chức để quảng bá văn hóa truyền thống tới du khách quốc tế.

 Sản phẩm của Zó (ảnh trên) và du khách thích thú khi trải nghiệm làm giấy dó (ảnh dưới).

Tour “độc”

Độc đáo, lạ mắt, vừa truyền thống vừa hiện đại là những ấn tượng của du khách khi ghé cửa hàng của Zó Project trên “phố đường tàu” (ngõ 5A Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đèn lồng, sổ, album ảnh, đèn trang trí, lịch để bàn, ốp điện thoại, đồ trang sức... được làm trên chất liệu giấy dó, với những hình ảnh và họa tiết độc đáo là những sản phẩm thủ công tinh tế, thể hiện tình yêu và sự nâng niu trân trọng những giá trị truyền thống.  

Cửa hàng của Zó Project không chỉ là nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm mà còn là một xưởng trải nghiệm, làm đồ thủ công bằng giấy dó. Với thời gian trung bình khoảng hai tiếng, du khách sẽ được giới thiệu về lịch sử, nét đẹp của giấy dó, đồng thời tự tay thiết kế những sản phẩm thủ công từ loại giấy truyền thống này. Không gian tuy nhỏ, nhưng xưởng của Zó Project lúc nào cũng tất bật người tới xem, người làm sản phẩm, trong đó có nhiều du khách từ các nước Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ... Chị Phạm Thùy Chi, thành viên của Zó Project cho biết, không chỉ khách lẻ tới trải nghiệm, nhiều công ty lữ hành như Exotissimo Travel, Buffalo Tours, Đường mòn Đông Dương cũng đưa khách tới đây khám phá. Zó Project đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các trường học trong và ngoài nước muốn tổ chức các chương trình làm sản phẩm thủ công, khi đó, Zó Project sẽ tổ chức không gian rộng hơn để phục vụ đoàn khách.

Nhớ lại mối duyên của mình với giấy dó, chị Trần Hồng Nhung, thành viên sáng lập, Giám đốc Zó Project cho biết, cách đây 10 năm, khi một người bạn là du học sinh Việt Nam từ Đức về nước muốn khôi phục lại văn hóa viết thư pháp, chị cũng bắt đầu lặn lội tìm hiểu. Từ sự quan tâm tới thư pháp, Hồng Nhung bắt đầu để ý nhiều hơn tới giấy dó và mực tàu. Mối trăn trở nhiều hơn với sự mai một của giấy dó trong cộng đồng cũng có từ ngày đó. “Khi đó mình nghĩ, một người xa quê trở về nguồn cội, họ sẽ thấy những thứ đó rất đẹp, rất có giá trị chứ với mình ở ngay đây lại không cảm thấy quan trọng. Hoặc mối quan tâm đó bị lẩn khuất, đến lúc mất đi rồi mới hối tiếc”, chị Nhung chia sẻ.

Từ mục đích để mọi người có thể nhìn thấy, chạm tay vào giấy dó, giờ Zó Project đã phát triển thành các chương trình trải nghiệm về làng nghề cho du khách. Mỗi tháng hai lần, Zó Project tổ chức các tour trải nghiệm tại làng giấy Suối Cỏ, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Nghệ nhân Nguyễn Văn Chúc, tổ trưởng sản xuất giấy dó thủ công thôn Suối Cỏ là người giới thiệu cho du khách về vườn nguyên liệu, các khâu chế biến cây dướng ra được một tờ giấy dó mộc mạc nhưng bền dai. Chị Phạm Hải Vân (quận Tây Hồ, Hà Nội), một du khách từng trải nghiệm chương trình rất bất ngờ khi được hướng dẫn những biến thể mới như thả hoa, thả bông lúa để làm tờ giấy dó trở nên đẹp hơn. Chị cho rằng: “Đây là những sáng tạo mới mẻ, độc đáo, khiến cho những tờ giấy không còn đơn điệu mà đã có thêm nhiều sắc thái, mẫu mã”. Tạm lánh xa những ồn ào đô thị, tour trải nghiệm trồng cây và làm giấy dó, tận hưởng không khí trong lành, cuộc sống tinh thần của người dân tộc Mường và những nghệ nhân làm giấy dó đang ngày càng được nhiều người biết đến.

Quà lưu niệm độc đáo

 Sản phẩm của Zó (ảnh trên) và du khách thích thú khi trải nghiệm làm giấy dó (ảnh dưới).

Từ khi thành lập đến nay, Zó Project tập trung vào việc bảo tồn cây nguyên liệu, xây dựng cộng đồng làm giấy, làm việc với các nghệ sĩ để thiết kế các sản phẩm hiện đại trên nền giấy truyền thống và các hoạt động giáo dục, du lịch để đưa giấy dó vào cuộc sống hằng ngày. Chọn vị trí đắc địa trên "phố đường tàu”, con phố thu hút rất đông du khách quốc tế tới tham quan mỗi khi đến Hà Nội, rất nhiều người đã chọn những món đồ của Zó Project làm quà khi về nước. Không chỉ tại cửa hàng, Zó đã có được những sản phẩm độc đáo, thú vị, đầy sáng tạo được bán tại những trung tâm du lịch lớn như trong phố cổ Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Phú Quốc...

Tình cờ biết đến những sản phẩm của Zó Project nhờ những người bạn đi du lịch Việt Nam mua về tặng, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trong chuyến trở về Hà Nội, chị Marian Le, một Việt kiều Nga đã mua rất nhiều đồ lưu niệm của Zó Project như quạt, vòng cổ, hoa tai để làm quà cho bà, mẹ và các bạn mình. Chị vui vẻ nói: “Những món đồ này rất độc và lạ, nó giúp tôi có thể giới thiệu với bạn bè về đất nước mình nên tôi rất thích. Tôi nghĩ mẹ và bà tôi sẽ rất xúc động khi tôi mang những ký ức, hình bóng quê cha đất tổ về”. Đó cũng chính là tâm huyết của các thành viên trong Zó Project với quyết tâm phát triển các dòng sản phẩm quà tặng mang thương hiệu Việt Nam, được sản xuất bởi những bàn tay khéo léo của người Việt và được du khách trong nước, quốc tế đón nhận.

Những sản phẩm quà tặng lưu niệm không chỉ mang thương hiệu và dấu ấn riêng của doanh nghiệp mà còn là những hình ảnh nhận diện văn hóa Việt được giới thiệu tới du khách. Dù là một sản phẩm nhỏ như hộp diêm, ốp điện thoại hay những bức tranh tường bằng giấy dó đều có thể thấy dấu ấn “made in Vietnam”, từ những bức tranh dân gian Đông Hồ, hình ảnh cây đa bến nước, tới những chủ đề “đương đại” như cầu Long Biên, tà áo dài, ngày Tết thời bao cấp... “Để mọi người biết về sự tồn tại của một loại giấy đã có mấy trăm năm nay, chúng tôi làm những vật lưu niệm nhỏ xinh, khiến mọi người thấy thích thú, từ đó quan tâm tìm hiểu. Khi đã hiểu giá trị thì việc khơi dậy tình yêu của mọi người với văn hóa truyền thống không phải quá khó khăn. Làm được như vậy, truyền thống sẽ được duy trì theo một cách giản dị và bền vững hơn”, chị Hồng Nhung chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ước mơ bảo tồn giấy dó