Tin tưởng vào nguồn lực văn hóa, con người Thủ đô!

Hà An Nguồn: thực hiện| 09/08/2019 08:25

(HNMCT) - Thăng Long - Hà Nội, đất Kinh kỳ, Kẻ Chợ, trong suốt chiều dài lịch sử của mình đã luôn được định danh bởi chiều sâu văn hóa và sự bồi đắp các giá trị làm nên bản sắc người Tràng An.

5 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước” (Nghị quyết 33) về thực chất đã tạo ra sự cộng hưởng với quá trình hội tụ, kết tinh, lan tỏa ở mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long xung quanh câu chuyện này.

- Thưa Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, trước hết, có lẽ phải khẳng định xây dựng văn hóa và con người không phải là nhiệm vụ mới và việc Hà Nội đón nhận Nghị quyết 33 thực chất cũng chính là sự tiếp nối chặng đường phát triển tất yếu của Thủ đô trên nền tảng văn hóa, con người đặc trưng nơi đây?      

- Đúng vậy, trước hết phải khẳng định xây dựng con người là câu chuyện không phải bây giờ chúng ta mới nói tới, ngược lại đây là vấn đề mà Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm, xem như một nhân tố quyết định trong mọi hoạt động. Tất nhiên, qua từng thời kỳ, tiêu chí về xây dựng con người có những đổi thay, song về cơ bản những giá trị cốt lõi vẫn luôn được kế thừa, phát huy, bồi đắp để đáp ứng những yêu cầu phát triển mới.

Cũng như vậy, nói tới văn hóa thì đây là yếu tố không thể tách rời với con người. Con người vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, vừa là sản phẩm của văn hóa.

Riêng với Hà Nội, điều này càng có ý nghĩa. Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Tất cả những yếu tố này đều phải gắn chặt với văn hóa trong quá trình phát triển bền vững. Truyền thống của con người nơi đây không chỉ có thanh lịch đâu mà còn có yếu tố văn minh nữa. Đặc trưng này được hun đúc, hình thành từ quá trình hội tụ, kết tinh, lan tỏa nơi mảnh đất ngàn năm này. Tôi vừa đọc cuốn Viết từ Hà Nội của Giáo sư Phong Lê cũng thấy rất rõ điều đó.  

Trở lại câu hỏi trên, trước hết chúng ta phải nhận định, sự ra đời của Nghị quyết 33 là kịp thời, đúng lúc, cộng hưởng với truyền thống văn hiến ngàn đời của Thủ đô vì chính yêu cầu nội tại của Hà Nội trên đường phát triển.  

- Vâng, cũng trong cuốn Viết từ Hà Nội (NXB Hà Nội) mà ông vừa nhắc tới, Giáo sư Phong Lê đã xúc động bày tỏ: “Nếu không có môi trường văn hóa và bầu không khí Hà Nội... nhất định sẽ không có những trang viết nói hộ cho tôi biết bao điều...”. Nghĩ rộng ra thì tinh thần bồi đắp các giá trị văn hóa, con người trong Nghị quyết 33 cũng đã, đang góp phần làm nên “bầu không khí Hà Nội”, tiếp sức cho thành phố trên đường phát triển? 

- Qua các danh nhân nhắc tới trong cuốn Viết từ Hà Nội, Giáo sư Phong Lê chỉ ra rằng, sẽ không có con người ấy nếu không có bầu không khí “đầy sức hút và sức tỏa” của Hà Nội ấy.

Thanh lịch và văn minh là những đặc trưng rất rõ ràng của con người Thăng Long - Hà Nội mà những đặc trưng đó có được là từ sự hun đúc của văn hóa Kinh thành, nay là Thủ đô với tầm vóc, vị thế ngày một được khẳng định. 

Từ tinh thần của Nghị quyết 33, từ yêu cầu phát triển nội tại, dễ thấy thời gian qua Hà Nội đã có những chương trình hành động cụ thể nhằm tạo chuyển biến về mọi mặt cho thành phố, nhất là để “bầu không khí Hà Nội” tiếp tục được duy trì, bồi đắp như một nhân tố đặc biệt trong quá trình xây dựng con người, vì con người.  

Vì dân. Ảnh: Xuân Chính

- Bằng cảm nhận cụ thể của một công dân Thủ đô, qua con mắt của một nhà quản lý, sự nhạy cảm của nhà nghiên cứu văn hóa, ông nhận thấy Hà Nội có những chuyển động cụ thể nào về văn hóa, con người thời gian qua, nhất là 5 năm vừa rồi?

- Trước khi có những đánh giá về kết quả, dù là trên cơ sở góc nhìn của một cá nhân thì chúng ta cũng nên nêu lại một vài nhận định chung về bối cảnh trước khi ra đời Nghị quyết này. Đó là, cùng với những thành tựu đạt được qua nhiều chặng đường xây dựng, phát triển thì Hà Nội vẫn còn tồn tại những hành vi ứng xử chưa đẹp trong đời sống, đây đó vẫn còn những cán bộ chưa gương mẫu ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, đến bầu không khí văn hóa nói chung của một thành phố cần phải đi đầu cả nước về nhiều mặt.

Đáng mừng là sau những chuyển động cụ thể thời gian qua, có thể nhận thấy văn hóa con người Thủ đô có những điểm tích cực đáng ghi nhận.

Trước hết, nhận thức của người dân Thủ đô về giữ gìn văn hóa truyền thống, về bảo vệ môi trường, về trách nhiệm với cộng đồng đã được nâng lên rõ rệt. Nhìn quanh ta, dễ thấy ngày càng nhiều bạn trẻ có việc làm cụ thể, tích cực đóng góp cho xã hội như làm sạch rác ở nơi công cộng, khôi phục, phát huy nghề truyền thống... Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa ở Thủ đô chưa khi nào phong phú như hôm nay. Công tác quản lý văn hóa cũng phải ghi nhận có sự tiến bộ, thể hiện qua những chương trình hành động cụ thể, sát thực. Có thể kể đến chương trình 1 triệu cây xanh, lắp đặt hệ thống cây lọc nước, hệ thống chiếu sáng ở đô thị; rồi phong trào xây dựng các tuyến đường xanh, sạch đẹp ở ngoại thành... Tất cả đã góp phần thiết thực vào xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người thanh lịch, văn minh.  

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả cơ bản trên, công tác xây dựng văn hóa, con người Thủ đô thời gian qua vẫn còn hạn chế. Thứ nhất, công tác quản lý vẫn còn những mặt chưa theo kịp đời sống xã hội. Thứ hai, bản thân người dân cũng chưa theo kịp, thích ứng được với những đổi thay của đời sống. Đô thị hóa đã tạo ra cú “sốc” cục bộ về văn hóa. Đùng một cái từ làng lên phố, bỗng chốc có nhiều tiền... Rồi thì thói quen làng xã không thể “ngày một ngày hai” có thể điều chỉnh cho phù hợp với nếp sống đô thị văn minh. Văn hóa tổ chức cộng đồng thay đổi dẫn tới văn hóa tổ chức đời sống gia đình đổi thay và bản thân đời sống từng cá nhân cũng có xáo trộn, biến động tới từng góc cạnh nhỏ nhất. Thứ ba, trước làn sóng tràn vào mạnh mẽ khó tránh khỏi của văn hóa ngoại lai, giới trẻ nhạy bén, nhanh tiếp thu cái mới nhưng ít nhiều lại thiếu chọn lọc, tiếp tục dẫn đến một cú “sốc” mới về văn hóa.

- Những nhận định vừa khái quát nhưng lại rất cụ thể trên của ông có lẽ đã phần nào gợi mở những hướng đi trong quá trình tiếp tục vận dụng, triển khai Nghị quyết 33 ra sao để không ngừng nuôi dưỡng, bồi đắp các giá trị quý báu của văn hóa, con người Thủ đô?

- Tôi nghĩ rằng, những vấn đề cũng như hệ thống giải pháp mà Nghị quyết 33 đã nêu là đúng hướng, tạo nền tảng quan trọng cho quá trình vươn lên của thành phố trên cơ sở chấn hưng văn hóa Thăng Long - Hà Nội, trong tương quan với vai trò trung tâm của con người.

Trong đó, quan trọng nhất là cần tiếp tục xác định rõ đây là sứ mệnh của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và niềm tự hào của mỗi người dân. Khi chính trị ổn định, mọi mặt đời sống xã hội được nâng cao, từng gia đình êm ấm thì mỗi con người mới hạnh phúc. Cũng như vậy, từng người dân nếu tự xem như đây là việc làm cho chính bản thân mình, chứ không phải giao khoán thì mới có động lực để thay đổi từ những việc làm nhỏ nhất.

Người Thủ đô nhận biết bao điều của mảnh đất trầm tích này thì ngược lại cũng phải trả cho nơi đây những điều tương xứng, qua lối sống, ứng xử của mình. Đúng không ạ?

- Đúng như vậy, thưa ông, như ông từng nói, muốn xây dựng thành phố văn minh thì không thể không có con người văn minh. Con người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo hình dung của ông có những phẩm chất đáng lưu ý nào cần tiếp tục được khẳng định, hoàn thiện?

- Tôi nghĩ, người Thủ đô trước hết phải là người yêu nước, có lòng tự tôn dân tộc, tự hào với truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Thứ hai, người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng phải là người khỏe về thể chất, lành mạnh về tâm hồn, có năng lực thích ứng với đời sống hiện đại. Đặc biệt, người Hà Nội cũng phải là người tiêu biểu cho tinh thần nhân văn, khoan dung, độ lượng, thượng tôn pháp luật, tự trọng bản thân...

Những phẩm chất này, thiết nghĩ phải được xây dựng, bồi đắp từ những việc nhỏ. Trong đó, không thể bỏ qua việc tiếp tục thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử nơi công cộng và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.

- Như vậy, dù còn nhiều thách thức và hạn chế, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về chặng đường phía trước của Hà Nội trên nền tảng nguồn lực văn hóa và con người Thủ đô?

- Tôi rất tin Hà Nội sẽ thực hiện tốt những nhiệm vụ nặng nề, cấp bách, lâu dài đã đặt ra, vì lẽ, Hà Nội có sức mạnh nội sinh của truyền thống, có nguồn lực to lớn về con người. Thực tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã cho thấy những nỗ lực và thành tựu không thể phủ nhận về cải cách hành chính, về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục...

Chúng ta cũng lạc quan vì những việc làm nhân ái, nghĩa tình của người Thủ đô vẫn âm thầm xuất hiện đâu đó, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống.

- Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ cởi mở và sâu sắc!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin tưởng vào nguồn lực văn hóa, con người Thủ đô!