Phòng đọc sách thiếu nhi tại khu dân cư: Thấm sâu văn hóa đọc trong cộng đồng

Bài và ảnh: Lam Viên| 25/07/2019 11:31

(HNMCT) - Thời gian qua, tại nhiều khu dân cư (KDC) trên địa bàn Hà Nội đã hình thành ngày càng nhiều phòng đọc sách dành cho thiếu nhi. Không chỉ là điểm đến yêu thích với con trẻ, mô hình này thực sự góp phần bồi đắp văn hóa đọc, làm phong phú đời sống tinh thần cộng đồng.

Phòng đọc Khu dân cư số 2, phường Bưởi, quận Tây Hồ thu hút nhiều độc giả “nhí” trong dịp hè.

Vì tình yêu trẻ thơ

Ẩn sâu trong ngõ 33 phố Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa), phòng đọc sách, đồng thời là nhà văn hóa của tổ dân phố số 55, KDC số 11, là một không gian yên ả với diện tích trên 100m2 cùng số đầu sách khá phong phú, luôn thu hút hàng chục trẻ tới đọc sách mỗi ngày.

Sự ra đời của phòng đọc này là kết quả những nỗ lực suốt 19 năm qua của các tổ chức đoàn thể và người dân tại tổ dân phố số 55, KDC số 11, phường Láng Thượng. Bà Nguyễn Thị Thúy Liễu, người thủ thư tuổi ngoài 80 của phòng đọc KDC số 11 chia sẻ: “Thấy trẻ con trong KDC không có chỗ sinh hoạt văn hóa, đọc sách báo, đặc biệt là vào mùa hè, tôi và các cán bộ tổ dân phố rất trăn trở. Khó khăn là quỹ đất cho trẻ vui chơi, giải trí rất hạn hẹp, song với quyết tâm và tình yêu con trẻ, năm 2000 chúng tôi đã kiến nghị và được phép sử dụng khoảnh đất xen kẹt tại tổ dân phố số 55 này làm nơi sinh hoạt văn hóa và đọc sách cho các cháu”.

Từ thuở ban đầu thiếu thốn cơ sở vật chất, nhờ công sức, đóng góp của cộng đồng, sự mạnh dạn kêu gọi xã hội hóa của cán bộ tổ dân phố mà lượng sách dần tăng lên, cơ sở vật chất cho phòng đọc cũng được cải thiện đáng kể. Đến nay phòng đọc KDC số 11 đã có một cơ ngơi sạch sẽ, thoáng đãng cùng hệ thống bàn ghế, quạt điện tiện nghi và hơn 2.000 cuốn sách, nhiều thể loại đáp ứng nhu cầu đọc của con trẻ. Bé Trần Thùy Anh, 12 tuổi (nhà A10, tập thể Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngõ 33 phố Chùa Láng) phấn khởi cho biết: “Từ đầu hè tới giờ con đã đọc được hơn 20 cuốn sách, trong đó cuốn con thích nhất là Những người khốn khổ và Không gia đình. Nhờ có phòng đọc sách này mà con không phải đi đâu xa vẫn có sách để đọc mỗi ngày”.

Cũng là một điểm đọc sách khá quy mô, suốt 8 năm qua phòng đọc sách KDC số 2 (phường Bưởi, quận Tây Hồ) đều đặn mở cửa đón các độc giả nhỏ tuổi. Bà Nguyễn Thị Tuyên, thủ thư phòng đọc sách KDC số 2 vui mừng chia sẻ: “Từ lâu tôi và nhiều cán bộ trong KDC đã ấp ủ ý tưởng mở phòng đọc sách để giúp con trẻ mở mang tri thức đồng thời khơi dậy phong trào đọc sách và học tập trong cộng đồng. Tuy nhiên, phải đến năm 2011, khi nhà văn hóa KDC số 2 được xây dựng, đồng thời nhận được sự đồng thuận của chính quyền và bà con, chúng tôi mới có thể triển khai phòng đọc sách”.

Thông qua vận động xã hội hóa, hàng trăm cuốn sách đã được người dân, các tổ chức gửi tới phòng đọc; giá sách, bàn ghế cũ được các cán bộ KDC xin lại, sửa sang, sắp xếp thành chỗ ngồi thuận tiện trong nhà văn hóa. Sau nhiều năm gây dựng, đến nay phòng đọc sách của KDC số 2 đã có một “kho tàng” lên tới 7.000 cuốn gồm đủ thể loại, nhiều nhất là sách văn học thiếu nhi. Bé Vũ Hà Anh, 13 tuổi (số nhà 19, ngách 65/42, ngõ 378 phố Thụy Khuê) cho biết: “Nghỉ hè tuần nào con cũng đến phòng đọc sách này 2 buổi để đọc đủ loại truyện con thích. Con luôn nhớ lời bà Tuyên và các ông bà ở đây dặn là đọc nhiều sách để có thêm nhiều hiểu biết và phải giữ gìn sách thật cẩn thận để nhiều bạn khác cũng được đọc”.

Để phòng đọc là không gian văn hóa yêu thích

Cùng với các phòng đọc tại KDC số 11 (phường Láng Thượng,  quận Đống Đa), phòng đọc KDC số 2 (phường Bưởi, quận Tây Hồ), mô hình phòng đọc sách thiếu nhi đang ngày càng lan tỏa, điển hình như các phòng đọc tại KDC 62 (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai), KDC số 1 (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân), tổ dân phố số 6 (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm)...

Tuy nhiên, làm sao để duy trì, thu hút và nhân lên văn hóa đọc với trẻ thơ luôn là điều mà những người tâm huyết với các phòng sách luôn trăn trở. Có thể kể đến sáng kiến của bà Nguyễn Thị Tuyên ở KDC số 2 (phường Bưởi, quận Tây Hồ) trong việc tổ chức nhiều sự kiện song song với hoạt động đọc sách miễn phí. Đó là giao lưu các mô hình tủ sách trong quận, giới thiệu thơ và các cuốn sách hay do chính các độc giả “nhí” thực hiện, giao lưu giữa các bạn đọc nhỏ tuổi... Đặc biệt, bà Tuyên cùng các cán bộ KDC số 2 còn dành nhiều công sức tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập phòng đọc, Ngày hội sách báo xuân với gian trưng bày sách báo rất bắt mắt, thu hút hàng trăm lượt bạn đọc, con trẻ đến đây...

Cũng nhằm đẩy mạnh văn hóa đọc trong lớp trẻ, bà Nguyễn Thị Thúy Liễu và các cán bộ tổ dân phố số 55 (KDC số 11, phường Láng Thượng, quận Đống Đa) đã lồng ghép tổ chức hội thi "Kể cuốn sách mà em yêu thích", tặng thưởng cho những bạn nhỏ đọc nhiều sách nhất... Vì thế các bé rất náo nức mỗi khi tới thư viện của KDC, nhiều bé đã đọc tới hàng chục cuốn trong một mùa hè.

Bà Vũ Thị Thanh Bình, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 55 (KDC số 11, phường Láng Thượng, quận Đống Đa) chia sẻ: “Phòng đọc sách thiếu nhi đã phát triển phong trào đọc sách, góp phần xây dựng đời sống văn hóa của KDC. Chúng tôi sẽ chung tay giữ gìn và phát triển phòng đọc, một không gian văn hóa bổ ích cho con trẻ và cộng đồng dân cư”. Ông Vương Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao quận Tây Hồ khẳng định: “Hệ thống phòng đọc trong KDC là cánh tay nối dài của hệ thống thư viện đưa sách báo đến gần hơn với thiếu nhi và đông đảo người dân. Với khả năng, trách nhiệm của mình chúng tôi đã nỗ lực hỗ trợ về chuyên môn, trao đổi sách báo, trang bị một phần cơ sở vật chất... để các phòng đọc sách trong KDC có điều kiện phục vụ cộng đồng tốt hơn”.

Quả vậy, với sự chung tay của các cấp, ngành, tinh thần vào cuộc của cộng đồng, mô hình phòng đọc thiếu nhi trong KDC là biểu hiện sinh động của việc hiện thực hóa Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15-3-2017, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng đọc sách thiếu nhi tại khu dân cư: Thấm sâu văn hóa đọc trong cộng đồng