Đưa những giá trị văn hóa dân tộc về đúng vị trí

02/05/2019 06:59

(NSHN) - Đưa văn hóa truyền thống vào các sản phẩm đã khó, làm thế nào để sản phẩm đó tồn tại lâu bền trong cuộc sống đương đại lại càng khó hơn. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò truyện xoay quanh vấn đề này với bà Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội...

(NSHN) - Đưa văn hóa truyền thống vào các sản phẩm đã khó, làm thế nào để sản phẩm đó tồn tại lâu bền trong cuộc sống đương đại lại càng khó hơn. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò truyện xoay quanh vấn đề này với bà Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội - người nhiều năm nay đã miệt mài phục dựng dòng tranh Kim Hoàng gần như thất truyền và hồi sinh chúng trong một đời sống mới mẻ hơn, đó là ứng dụng những họa tiết tranh Kim Hoàng trên các chất liệu khác nhau như bao lì xì, dây đeo, quạt giấy, gốm sứ…

- Với tư cách là một nhà quản lý, lại là người trực tiếp đưa dòng tranh Kim Hoàng vào các sản phẩm, bà có thể cho biết lợi thế của việc đưa những yếu tố truyền thống của dân tộc vào các sản phẩm là gì?

- Việt Nam là một quốc gia giàu bản sắc vì thế việc đưa những yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc vào các sản phẩm mang nhiều lợi thế. Thứ nhất, chất liệu dân tộc rất phong phú. Ví dụ, dòng tranh dân gian khắc gỗ tại Việt Nam không chỉ có tranh Kim Hoàng, Hàng Trống hay Đông Hồ mà tồn tại đến mười mấy dòng tranh. Thứ hai, Việt Nam là một dân tộc yêu thích vốn cổ và văn hóa gắn liền với nhiều lễ hội truyền thống. Đây chính là cơ hội để các sản phẩm mang dấu ấn văn hóa cổ truyền tồn tại và phát triển. Ví dụ mỗi dịp Rằm Trung thu hay Tết Nguyên đán, nếu để ý sẽ thấy trên thị trường xuất hiện rất nhiều hộp bánh được trang trí, cách điệu từ tranh dân gian, vỏ bao lì xì với những họa tiết tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng…

- Thành công trong việc đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào sản phẩm của các dự án như “Hoa văn Đại Việt”, "Họa sắc Việt”, “Dệt nên triều đại”... minh chứng một điều, văn hóa không còn đơn thuần mang ý nghĩa tinh thần mà còn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh doanh, bà có thấy như vậy không?

- Đúng vậy, thậm chí việc đưa văn hóa dân tộc vào các sản phẩm là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... văn hóa dân tộc trên các sản phẩm giúp người ta nhận biết đó là của nước nào, nghĩa là sản phẩm đó có bản sắc, dấu ấn dân tộc riêng. Tại Việt Nam, các dự án “Họa sắc Việt” của Trịnh Thu Trang cũng được đón nhận khá nhiệt tình hay các sản phẩm ứng dụng họa tiết tranh dân gian trên trang phục của Xuân Lam cũng ít nhiều gây được tiếng vang. Tôi đã từng có mặt tại buổi ra mắt sản phẩm của Xuân Lam và rất ấn tượng với 150 chiếc áo in hình tranh dân gian được xử lý màu rất hay. Hôm ấy còn được chứng kiến những thanh niên tầm từ 16 đến 20 tuổi chen chúc nhau để được mua sản phẩm của Xuân Lam.

- Một xu thế đã được bắt đầu từ nhiều năm trước tại các nước phát triển là đưa văn hóa dân tộc trở thành một yếu tố thúc đẩy kinh doanh. Theo bà tại sao ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở một vài dự án?

- Trước tiên phải khẳng định đương đại hóa giá trị truyền thống là một việc rất khó. Công việc sáng tạo đòi hỏi sự cẩn trọng và không phải ai cũng làm được, bởi lẽ nó phải thỏa mãn hai điều kiện: Tôn trọng truyền thống mà vẫn hiện đại. Nghĩa là nó phải hiện đại vừa đủ và vẫn mang nét truyền thống, nếu sáng tạo quá đà, xa rời truyền thống thì sản phẩm sẽ trở nên khập khiễng, chưa nói là phản cảm. Tiếp theo, vì sao các sản phẩm truyền thống của mình khi ra ngoài lại mang ít dấu ấn dân tộc là vì cách thức làm truyền thông cho sản phẩm ở nước ta chưa bài bản, bản thân các doanh nghiệp chưa thật sự coi trọng truyền thông, kèm theo đó là chất lượng sản phẩm chưa tốt. Quan trọng hơn, “công nghệ” bán những sản phẩm này tại Việt Nam chưa được chú trọng.

Ở nước ngoài, dù có mua hay không mua, khách vẫn được mời vào uống nước, giới thiệu về lịch sử, quá trình sản xuất sản phẩm… nhưng ở Việt Nam khâu tiếp thị chưa tốt. Ví dụ Hàng Trống là dòng tranh kỹ thuật nhất của Việt Nam nhưng hiện tại những cửa hàng bán dòng tranh này chưa quan tâm đến việc mời chào. Với tranh Đông Hồ, vì làm truyền thông chưa tốt nên chỉ cần 30 nghìn là có thể mua được một bức, mua rồi người ta có khi cũng không biết được hết những giá trị ẩn sâu trong bức tranh nên không coi trọng hoặc có ý thức giữ gìn. Tranh truyền thống bản thân đã nhọc nhằn như thế thì khi ứng dụng nó lên các sản phẩm còn khó bán hơn và nó chỉ có giá trị trong những dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán…

Những ứng dụng họa tiết của tranh


- Là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới, vậy theo bà phải làm thế nào để thúc đẩy việc đưa giá trị truyền thống vào các sản phẩm ngày càng được nhân rộng và những sản phẩm này có sức sống lâu bền hơn trong đời sống đương đại?

- Để một sản phẩm mang văn hóa truyền thống dân tộc được chào đón nồng nhiệt, cần sự chung tay của rất nhiều người, đặc biệt là những người nhiệt huyết với văn hóa. Hiện tại, những doanh nghiệp kinh doanh loại sản phẩm này không có một cơ chế đặc thù hay ưu đãi nào. Và có lẽ, việc đưa ra một cơ chế ưu đãi cụ thể cần phải có thời gian. Chính vì thế trước mắt nên đẩy mạnh truyền thông để đưa những giá trị văn hóa dân tộc về đúng vị trí của nó, từ đó dần dần thay đổi nhận thức của người dân. Nếu mỗi một người có ý thức hơn, hiểu biết hơn về văn hóa dân tộc thì những sản phẩm mang trong mình giá trị truyền thống sẽ có sức sống lâu bền hơn và trở nên giá trị hơn.

Từ việc ứng dụng tranh Kim Hoàng vào các sản phẩm được tiến hành khoảng 4-5 năm nay, tôi nhận thấy mọi việc đang chuyển động tích cực, nhiều người đã quan tâm đến dòng tranh dân gian. Trong tương lai, tôi muốn in một cuốn sách về dòng tranh này để mỗi người hiểu thêm về giá trị và lưu giữ những bức tranh dân gian tốt hơn. Tác động vào ý thức của mỗi người dân, mỗi người yêu văn hóa chính là phương cách hữu hiệu để biến bản sắc văn hóa dân tộc trở thành một sức mạnh nội sinh.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa những giá trị văn hóa dân tộc về đúng vị trí