Nghề cốm Mễ Trì được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hoàng Lân| 15/02/2019 17:50

(NSHN) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vừa ký ban hành Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

(NSHN) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vừa ký ban hành Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong số đó, Hà Nội có 2 di sản được công nhận, gồm: Lễ hội làng Triều Khúc và nghề cốm Mễ Trì.

Cụ thể, 17 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này gồm:

1. Lượn Cọi của người Tày (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn);

2. Nghề rèn của người Nùng An (xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng);

3. Hò Cần Thơ (huyện Thới Lai, quận Ô Môn, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ);

4. Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của người Cống (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên);

5. Lễ Gạ Ma Thú (cúng bản) của người Hà Nhì (xã Sín Thầu, xã Chung Chải, xã Sen Thượng và xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên);

6. Lễ hội chùa Bà Đanh (xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam);

7. Hát Dậm Quyển Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam);

8. Lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội);

9. Nghề cốm Mễ Trì (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội);

Ngày 12-2 vừa qua, UBND xã Tân Triều (Thanh Trì) tổ chức lễ đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai hội truyền thống làng Triều Khúc.


10. Nghi lễ Mo Tham Thát của người Tày (xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai);

11. Nghi lễ Then của người Giáy (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai);

12. Lễ Cấp sắc của người Dao Quần Chẹt (xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ);

13. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi);

14. Nghệ thuật Rô-băm của người Khmer (xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng);

15. Lễ hội Nghinh Ông (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng);

16. Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ (huyện Sơn Dương, huyện Hàm Yên, huyện Chiêm Hóa, huyện Na Hang và huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang);

17. Xường giao duyên của người Mường (xã Cao Ngọc, xã Thạch Lập, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa).

Các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận thuộc 5 loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian.

Quyết định nêu rõ, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Ngày 14-2 vừa qua, UBND xã Tân Triều (Thanh Trì) tổ chức lễ đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai hội truyền thống làng Triều Khúc. Đặc biệt, lễ hội làng Triều Khúc không thể thiếu màn trình diễn múa chạy cờ, tái hiện hào khí năm xưa của nghĩa quân Phùng Hưng, để lại ấn tượng tốt đẹp trong công chúng và du khách nhờ giữ được nguyên vẹn các nghi thức tôn nghiêm, độc đáo, các trò vui dân gian, những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc, tôn vinh các giá trị lịch sử dân tộc.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghề cốm Mễ Trì được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia