Trầm tích Thăng Long - nguồn sinh lực xuân!

Long Hà| 05/02/2019 11:05

(NSHN) - Xuân đã về trên từng con phố và khắp những miền quê của Thủ đô! Sắc xuân, hương xuân, khí xuân đang tiếp nguồn sinh lực mới cho muôn nhà, khởi một mốc mới cho thành phố hơn nghìn năm tuổi.

(NSHN)- Xuân đã về trên từng con phố và khắp những miền quê của Thủ đô! Sắc xuân, hương xuân, khí xuân đang tiếp nguồn sinh lực mới cho muôn nhà, khởi một mốc mới cho thành phố hơn nghìn năm tuổi.


Lắng trong nhịp mưa xuân rơi rất nhẹ, hình như có tiếng bước chân của lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với khát vọng kiên cường dựng xây, đắp bồi, gìn giữ.

Kể từ khi đức Lý Công Uẩn dời đô về đây, đất thiêng này đã khắc ghi khát vọng Thăng Long. Những thương nhân ghé thuyền cập bến dỡ hàng bên dòng Nhị Hà mến đất, mến cảnh mà dựng lều, lập lán trại. Kinh thành tạo cơ sở tất yếu và thôi thúc cho hình thành sự quần cư. Nhưng vùng dân cư bên ngoài Hoàng thành lại bao bọc, dưỡng nuôi nơi lầu son, gác tía. Sự gắn kết tất yếu đó trải tháng năm ngày càng quấn quyện bền chặt như một lẽ tự nhiên phải thế, sẽ tiếp tục thế.

Cư dân trăm miền hội tụ, mang theo cả trăm phong tục, thói quen phong phú, đa dạng. Thăng Long - Hà Nội càng phát triển dần không gian đô thị, cư dân càng gắn kết nhau bởi những thương hiệu "phố Hàng". Sự giao thoa về lối sống, nếp nghĩ, về bán buôn trao đổi... tạo nên sự đan cài rồi hội tụ những giá trị lao động khác nhau, thúc đẩy hình thành những giá trị văn hóa khác nhau.

Hà Nội là thành phố sông hồ. Không chỉ sông Hồng (sông Mẹ) uốn lượn làm một trục sinh lực khắp chiều dài qua thành phố. Hà Nội còn có sông Tích, sông Đà, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Sét... Những con sông đẹp như nét son trên gương mặt mỗi miền quê, nhưng cũng lưu giữ biết bao giá trị cuộc sống nghìn đời. Những con sông nối khâu xóm làng với vẻ đẹp giản dị yêu thương của các công trình kiến trúc; chở phong tục, lối sống các miền quê từ xứ Đoài về kinh thành Thăng Long rồi xuôi miền Sơn Nam Thượng.

Những con sông chở lịch sử trôi suốt chiều dài năm tháng!

Văn hóa cũng theo dòng mà xuôi, mà chảy, và lắng đọng...

Điểm danh nhanh, giờ Hà Nội có gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 16 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt. Ấy là những di sản vật thể. Hà Nội còn là địa danh của 24 di sản văn hóa phi vật thể với những giá trị riêng về lịch sử, những nét độc đáo riêng về nghệ thuật như: Hát ca trù, trống quân, múa rối nước, trò chơi và nghi lễ kéo co, các huyền thoại liên quan lịch sử những làng quê, các nghề thủ công truyền thống...

Cung đình có kiến trúc uy nghiêm, rồng phượng tinh xảo, thể hiện quyền lực hành chính, thì chỉ bên ngoài tường thành, vọng gác lại là một thế giới khác, kiến trúc khác với những phường thợ miệt mài làm nghề, giữ nghiệp ở các "phố Hàng". Trong cung đình có những diễn xướng dành riêng cho vua quan với nghi lễ nghiêm cẩn, thì trên sân đình, bên cánh đồng lại rộn rã nghi thức lễ hội, các trò chơi dân gian, diễn xướng của đông đảo cộng đồng nhân dân. Người miền sông nước sùng kính mẫu Thoải, thần Nước; người miền rừng lại trân trọng tôn thờ thần rừng - đức Sơn Tinh, Tản Viên...

Nghề theo đất mà sinh. Lao động tạo ra thói quen, cách nghĩ, cách xử khác nhau. Người võng lọng, người cắp ô đi, cắp ô về hay cầm kỳ thi họa đi nữa cũng đều nghiêm lễ, đo đếm cẩn trọng. Người tay vung, chân chạy, từng nhịp thủ công đơn giản, học theo. Rộng hơn, xa hơn - người gò trong vòng thành sao so được sự khoáng đạt chốn miền quê rộng dài; người cuốc cày trên ruộng đồng sao giống được tay chèo, tay lưới miền sông nước...

Hà Nội hội tụ, dung nạp mọi khác biệt ấy trong sự pha trộn, sàng lọc để đi tới tinh túy.

Văn hóa cung đình trộn pha văn hóa dân gian. Lối sống cung đình phép tắc giao hòa lối sống thị dân. Nghìn năm mài, sàng, lọc... rồi hội tụ lắng lại. Văn hóa Hà Nội có chất gì đó vừa tổng hợp mà lại rất riêng. Hà Nội giờ hội tụ 3 nền văn hóa lớn Thăng Long - xứ Đoài - Sơn Nam Thượng. Riêng đấy, nhưng chung đấy, bởi người Hà Nội có cái "chất" gì đó không dễ lẫn với miền quê nào.

Chất thanh lịch, chất Tràng An!

Lịch sử như dòng sông không ngừng chảy. Văn hóa càng không bất biến đứng yên. Đi qua những bến bờ hội nhập, cũng là lúc văn hóa Hà Nội đón nhận vận hội cùng thách thức đan xen.

Đã có những trăn trở về các hành vi ở đâu đó không còn nguyên "chất thanh lịch" như "bún mắng", "cháo chửi"; như bất chấp luật lệ giao thông trên đường; như giẫm đạp cây hoa đêm lễ hội; hay đơn giản chỉ là thiếu đi sự nhường nhịn, sẻ chia, sống che tai, bất cần xóm giềng, đạo lý...

Những vết đen đó, dẫu chưa hẳn là nhiều, là phổ biến, nhưng không thể không nhói lòng khi nghĩ về nguồn sáng văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội mà cha ông tạo dựng. Càng không thể thờ ơ với việc bảo tồn, trao truyền, tiếp nối những giá trị nền tảng của phát triển xã hội. Chỉ thấy nhẹ lòng hơn khi cùng xắn tay vào một công cuộc chấn hưng văn hóa, chấn hưng ý thức mà điểm khởi đầu không gì khác là từ chính sự coi trọng việc tạo dựng giá trị cá nhân, coi trọng danh dự nhân phẩm.

"Cọp chết để da, người ta chết để tiếng". Danh thơm còn mãi. Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian. Khi xác định sự phù vân của vật chất, của chức quyền, con người sẽ bớt ham muốn tầm thường, lòng nhân rộng mở..., ấy là lúc chất thanh lịch lại ùa về, nảy nở sinh sôi, tạo nên nguồn sinh lực mới dẫn bước đi lên vững vàng.

Một con người làm nên hình tượng. Nhiều người làm nên cộng đồng. Tiêu chí "giàu đẹp, thanh lịch, văn minh" trên con đường phát triển của Thủ đô hôm nay đang đòi hỏi về cách khai thác trầm tích văn hóa Thăng Long - Hà Nội sao cho hợp lý, bền vững nhất.

Nói chuyện hội nhập, không thể không nghĩ về một con số: Trong năm 2018, tại Hà Nội đã có 162 sự kiện văn hóa được tổ chức tại không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, trong đó có 21 sự kiện văn hóa quốc tế. Những ngày hội văn hóa của các địa phương trong nước; những ngày hội văn hóa từ các quốc gia trên thế giới giới thiệu nét đặc sắc các nền văn hóa Á, Phi, Âu, Mỹ, Đại Dương... Mỗi lễ hội vừa là sản phẩm du lịch, vừa là hình ảnh sinh động về sức hút của mảnh đất văn hóa Thăng Long. Hằng năm thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có những ngày lễ hội đường phố thu hút hàng chục đoàn nghệ thuật từ các nước; thành phố Huế cũng có festival kết nối giá trị văn hóa nhiều quốc gia; lễ hội pháo hoa Đà Nẵng cũng hút hồn du khách bốn phương; và biết bao lễ hội gắn với phong tục, giá trị văn hóa, sản vật của các địa phương trong cả nước. Nhưng trên đất Hà Nội, bình quân 2,2 ngày lại một sự kiện văn hóa lớn, hơn 17 ngày lại có một sự kiện văn hóa liên quan nước ngoài - trải dài đều qua từng tháng. Phải chăng đây chính là sức hút mãnh liệt của chiều sâu trầm tích văn hóa Hà Nội? Phải chăng cánh cửa văn hóa của đất nước đang dần mở rộng tới bè bạn quốc tế từ chính những sự kiện văn hóa này ở Thủ đô?

Sức hấp dẫn ấy càng thôi thúc việc khai mở giá trị trầm tích văn hóa Thăng Long - Hà Nội sao cho bài bản và hợp lý hơn. Làm tốt hơn công tác bảo tồn, tôn tạo những giá trị di tích lịch sử văn hóa. Tổ chức nhiều hơn các hoạt động trình diễn nghi thức, lễ hội truyền thống cùng những giá trị di sản văn hóa phi vật thể khác tại các di tích để thúc đẩy thêm giá trị bảo tồn văn hóa, nhưng cũng chính là làm tăng thêm sức hấp dẫn của di tích, tạo thành sản phẩm du lịch mới. Ấy là đã tạo thêm sức sống cho di tích, cho giá trị văn hóa phi vật thể.

Ấy là cách bảo tồn bền vững, hiệu quả nhất.

Ấy là khi trầm tích Thăng Long, không chỉ là tinh hoa Hà Nội với sắc màu huyền bí, thâm nâu, mà sẽ luôn tươi mới, tỏa sáng.

Trầm tích Thăng Long - mãi là nguồn sinh lực của mùa xuân trên đất Thủ đô!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trầm tích Thăng Long - nguồn sinh lực xuân!