Xuân về, lễ hội đất Thăng Long

05/02/2019 10:19

(HNM) - Các nhà nghiên cứu cho rằng, một trong những lý do lễ hội dân gian ở Việt Nam diễn ra nhiều vào mùa xuân, bởi theo mùa vụ sản xuất nông nghiệp, khi ấy là lúc nông nhàn.

(HNM) - Các nhà nghiên cứu cho rằng, một trong những lý do lễ hội dân gian ở Việt Nam diễn ra nhiều vào mùa xuân, bởi theo mùa vụ sản xuất nông nghiệp, khi ấy là lúc nông nhàn. Chẳng thế mà tháng Giêng được gọi “là tháng ăn chơi”. Bây giờ, việc sản xuất, kinh doanh đã có nhiều đổi khác, nhưng lễ hội đến ngày vẫn cứ diễn ra, đôi nơi còn tưng bừng hơn cả ngày xưa.


Vào hội không thể chệch ngày, lệch tháng. Tuy nhiên, có lẽ còn có những lý do khác để nói đến lễ hội đất Thăng Long mỗi độ xuân về.

Nhiều lễ hội độc đáo

Đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ tinh hoa bốn phương, nơi diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa tồn vong của cả dân tộc Việt Nam, lễ hội diễn ra gắn liền với những mốc son lịch sử. Tiềm thức dân gian dẫu có nhiều ước lệ về nội dung, hình thức, nhưng nhiều lễ hội lại chính xác ngày, tháng theo chính sử.

Ấy là Lễ hội Ngọc Hồi phải đúng ngày mùng 4 tháng Giêng và Lễ hội Đống Đa phải đúng ngày mùng 5 Tết Nguyên đán. Cái ngày theo ước hẹn của vị Hoàng đế anh minh, dũng lược Quang Trung với quân sĩ: Ăn Tết tại Thăng Long thì không thể sai được. Bậc quân vương làm nên chiến thắng với cuộc hành quân thần tốc từ Phú Xuân (Huế) ra Thăng Long, cho đến bây giờ các sử gia cũng chưa tìm được lời giải thật thỏa đáng cho cuộc điều quân kỳ diệu này. Chiến thắng Ngọc Hồi vào ngày 4, Đống Đa vào ngày 5 tháng Giêng đã đi vào sử sách. Lời hẹn ăn Tết ở Thăng Long dẫu muộn đôi ngày vẫn là lời hẹn có tính lịch sử của bậc quân vương vĩ đại. Vì thế, Lễ hội Ngọc Hồi vào ngày 4 Tết, Lễ hội Đống Đa vào ngày mùng 5 Tết là không thể thay đổi.

Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh) vào ngày mùng 6 Tết lại có ý nghĩa lịch sử khác. Tương truyền, ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày Thục Phán nhập cung, để rồi đến ngày mùng 9 Ngài chính thức lên ngôi. Bởi thế, Lễ hội Cổ Loa xưa bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng và đến hết ngày 18 tháng Giêng mới kết thúc. Gọi là lễ hội làng, nhưng có tới 8 làng quanh vùng cùng tham gia. Lễ hội rất hấp dẫn và có ý nghĩa với cư dân trong vùng, đến mức có câu ca rằng: “Chết thì bỏ con, bỏ cháu/Sống thì không bỏ mùng 6 tháng Giêng”! Ngoài người dân quanh vùng, du khách thập phương cũng tụ hội khá đông. Lễ hội không kéo dài như xưa, song cũng để lại nhiều ấn tượng với khách thập phương, nhất là món bún cần Cổ Loa, một đặc sản ẩm thực giàu bản sắc khó ai quên được.

Cũng ngày mùng 6 Tết ở đền Sóc (huyện Sóc Sơn) lại diễn ra lễ hội dân gian khá đặc sắc với tục rước và “cướp” hoa tre. Theo truyền thuyết thì ngày ấy thánh hóa: Ngài dừng chân ở chân núi Sóc (nơi dân làng Phù Linh dựng đền Sóc), rồi mới trút xiêm y phi ngựa lên đỉnh núi để bay về trời. Hình tượng truyền thuyết tuyệt vời đó, được ghi lại bằng tượng Thánh Gióng trên đỉnh núi Vai Rồng. Lễ hội không chỉ riêng xã Phù Linh, mà còn có nhiều xã khác trong vùng tham gia theo truyền thống từ xa xưa. Tục rước hoa tre và cướp hoa tre cũng có từ lâu đời. Tuy nhiên, trong lễ hội dân gian mọi trò diễn đều mang tính ước lệ và tính nhân văn cao. Nói là “cướp” nhưng không phải là cướp giật, ẩu đả để “có lộc”. Mọi hành vi thiếu văn hóa tại lễ hội đều không thể chấp nhận được.

Cũng thờ Thánh Gióng, làng Phù Đổng (Gia Lâm) lại được tổ chức vào ngày 9 tháng Tư âm lịch là ngày chiến thắng giặc Ân. Dân gian có câu: “Ai ơi mùng 9 tháng Tư/Không đi hội Gióng cũng hư mất đời”. Hội Gióng làng Phù Đổng thật sự “độc nhất, vô nhị” về quy mô và nghệ thuật diễn xướng dân gian. Chính vì thế mà Hội Gióng làng Phù Đổng và Hội Gióng đền Sóc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Biết tổ chức, khai thác

Lễ hội khi xuân về có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đất Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay hội tụ khí thiêng sông núi, với 3 vị trong "tứ bất tử" của Việt Nam là Thủy Tinh Sơn thánh, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử. Hội tụ trên đất ngàn năm văn hiến còn biết bao vị anh hùng dân tộc đã hiển thánh, duy thần trong lòng người dân từ đời này qua đời khác, được thờ phụng và mở hội khi xuân về.

Nếu hội chùa Thầy làm cho các chàng trai, cô gái không thể quên được (Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ/Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy), thì hội Giã La cũng không kém phần kỳ thú (Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy/Vui thì vui vậy chẳng tày Giã La). Mỗi lễ hội có một vẻ riêng, lễ hội nào cũng hết sức độc đáo. Mùa xuân chắc không ai không biết đến Lễ hội chùa Hương, một lễ hội có thể chiếm kỷ lục thế giới về thời gian dài.

Tuy nhiên, nhiều lễ hội cũng để lại những hệ lụy nhất định. Rườm rà, tốn kém thời gian và tiền bạc, lại còn thêm nhiều biến tướng. Việc cướp hoa tre và... cướp nhiều thứ trong không ít lễ hội cho chúng ta thấy, trong cộng đồng còn nhiều người nhận thức rất thô thiển về tài lộc. Nguyên nhân thì có nhiều...

Tuy nhiên, không thể vì những điều đó hoặc vì những sơ suất như “tả tơi xem hội” mà cấm đoán lễ hội dân gian. Chính lễ hội là cái căn cước thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội gắn bó cộng đồng một cách tự nhiên. Mặt khác, qua lễ hội ta đo được nhiều cái hay và cái dở. Biết cách tổ chức, khai thác lễ hội dân gian có hiệu quả, ta có thêm thành tố để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Hà Nội, Xuân Kỷ Hợi 2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân về, lễ hội đất Thăng Long