Lắng đọng nơi gấp gáp

Hoàng Vũ| 04/02/2019 10:41

(NSHN) - Thăng Long - Hà Nội, kể từ hơn 1.000 năm trước được định vị với cuộc dời đô mang ý nghĩa lịch sử của Lý Công Uẩn, tới nay đã là một đô thị lớn, hiện đại.

(NSHN) - Thăng Long - Hà Nội, kể từ hơn 1.000 năm trước được định vị với cuộc dời đô mang ý nghĩa lịch sử của Lý Công Uẩn, tới nay đã là một đô thị lớn, hiện đại.

Điểm lại quãng thời gian dằng dặc đó, qua những thăng trầm của lịch sử, dừng lại với điểm nhấn kể từ khi hình thành vùng đô thị Kinh kỳ/ Kẻ Chợ với tâm điểm là khu ba mươi sáu phố phường cho tới ngày nay, dẫu có những chìm nổi thì vẫn dễ thấy di sản văn hóa là nét nổi trội ở nơi này. Di sản đó không chỉ có đền đài thành quách nức tiếng gần xa, mà còn là hệ giá trị văn hóa phi vật thể đặc biệt, những thắng cảnh không lẫn vào đâu. Và, được nhắc đến nhiều hơn cả là nét tài hoa, thanh lịch của người Hà Nội: "Người thanh, tiếng nói cũng thanh", "những người thanh lịch nói ra dịu dàng".

Ảnh: Lê Việt Khánh


Đất đế kinh, điều kiện giao thương, tiếp nhận tinh hoa văn hóa, tri thức vô cùng thuận lợi, thêm truyền thống lịch sử, văn hóa, nguồn lực con người tạo đà tăng trưởng sức mạnh nội sinh, thứ kháng thể những tưởng có thể chống chịu sự xâm lấn của yếu tố phản văn hóa, sự chuyển biến về lối sống trước sức tác động của tiến trình phát triển, giao lưu, hội nhập, những hệ lụy từ kinh tế thị trường với biểu hiện dễ thấy là xu hướng trọng vật chất hơn trọng tình.

Nhấn nhá những yếu tố cơ bản được nhìn nhận là thuận lợi đối với việc xây dựng văn hóa đô thị trong bối cảnh hiện nay là để nhìn nhận thực tế, tự hỏi vì sao có sự khác về nếp sống, cách ứng xử giữa người Hà Nội "cũ" - chưa nói "người xưa" vốn kỹ lưỡng hơn nhiều - và nay.

Các thành tố của văn hóa đô thị, như muốn đề cập ở đây là văn hóa ứng xử và rộng hơn là lối sống, không bất biến mà có sự chuyển dịch theo không gian và thời gian dựa trên nguyên tắc nhất định. Chẳng hạn, theo thời gian và tiến trình giao lưu hội nhập cũng như mở rộng không gian đô thị mà kèm theo đó là sự biến động về dân cư, những giá trị văn hóa dù được cho là khá ổn định cũng sẽ trải qua giai đoạn chuyển tiếp, êm đềm hoặc không.

Những người sống đủ lâu tại Hà Nội có thể nhớ về quãng thời gian giữa thế kỷ trước, khi người Hà Nội nói chung loanh quanh qua lại bốn khu nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, như bây giờ nhiều người cao tuổi nói lại rằng "Bắc không tới Gia Lâm, Tây không qua Cầu Giấy...". Không gian đô thị như nhỏ lại.

Trẻ em ở khu Hai Bà Trưng, từ "tít mãi" phố Nguyễn Du, Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân, Tuệ Tĩnh giáp với khu Hoàn Kiếm có những phố "Hàng" nổi tiếng sầm uất xuống Bạch Mai cùng học một trường với "đám nhà quê" ở Quỳnh Mai, Chợ Mơ, Bách Khoa. Người trẻ ở nhà tập thể - thường chỉ có một gian, khá hẹp - hay trong ngõ nhỏ không cảm thấy khoảng cách với học sinh "phố lớn". Những nhóm nhỏ chơi với nhau gần gũi như người một nhà, đến mức bố mẹ cũng biết rõ về nhau, thành thân nhau lúc nào không rõ. Thời gian không phải lên lớp, hứng lên lại đưa nhau về một gia đình trong nhóm, xin phép phụ huynh tự đi chợ về nấu nướng ăn uống chuyện trò.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, từng tốp học sinh đi xe đạp cùng nhau tới thăm nhà thầy cô. Tình cảm và ý nghĩa tri ân là trên hết; cân cam, bó hoa không đủ sức tàn phá sự kính trọng mà trẻ dành cho người thầy. Với bạn học, với thầy cô giáo là vậy, trẻ ở cùng phố hay khu tập thể cũng gần gũi và có nhiều thời gian dành cho nhau. Sáng sớm, những nhóm nhỏ hẹn nhau chơi bóng đá. Một đứa nào đó nguệch ngoạc trên giấy tên Bruno Conti, Claudio Gentile, Giuseppe Bergomi, Roberto Bettega..., những tên tuổi bóng đá Italia thời đó được ghép cho từng người, ai vào vị trí đó mà không hề có lời phàn nàn kiểu như "cậu là cái gì mà có quyền bắt tôi đá hậu vệ". Cũng có nhóm khác hẹn nhau sáng sớm chạy bộ, đu xà..., không thể nói khác hơn là một thói quen lành mạnh.

Những đứa trẻ dần lớn, khá nhiều trong số đó được hướng dẫn làm quen với văn học nghệ thuật, được dạy cách ăn cách mặc cách chơi sao cho phải phép, không đến nỗi thẹn với người... Rồi đến lúc tạm biệt nếp nhà ra xã hội, nhận công tác, đem cái chân thành tử tế, sự hiểu biết về cái đẹp đã ngấm vào tư duy ứng xử với mình, với người từ thuở nhỏ tới công sở, xí nghiệp, rất khó để nhẫn tâm đạp lên nhau vì quyền lợi cá nhân hay xem thường người khác dù trong nhiều trường hợp, đó có thể là cách đem lại lợi ích.

Rồi tốc độ đô thị hóa tăng dần, tới đỉnh điểm qua hình ảnh những chung cư cao tầng lớp lớp mọc lên thay vì số ít nhà tập thể tối đa chỉ có dăm tầng thì tưởng như thác lũ. Không gian Thủ đô mở rộng đáng kể, nhiều người "về" Hà Nội hơn. Những gấp gáp hối hả đã là hiện thực, sự xung đột về văn hóa, lối sống, cách ứng xử giữa nếp cũ và thời mới là không tránh khỏi. Văn hóa đô thị, theo nguyên tắc vận hành của nó, đã bắt vào giai đoạn chuyển tiếp mà hơn tất cả, những hạn chế là thứ lộ ra đầu tiên chứ không phải mặt tích cực. Con cháu những "Bruno Conti" ngày nào giờ chịu nhiều áp lực hơn ông cha chú bác, không còn đủ thời gian nghỉ ngơi chứ chưa nói chuyện tự chơi hay tạo mối giao kết cần cho sự trưởng thành.

Lớp trẻ là tương lai. Sự qua loa đại khái không chỉ làm mỗi cá nhân "nhạt" hơn mà còn ảnh hưởng tới lối sống, chi phối thói quen ứng xử hiện tại và tương lai.

Những khuôn mẫu hành vi ứng xử của cư dân đô thị, cao hơn là lối sống, thể hiện qua mối quan hệ với môi trường tự nhiên và xã hội. Khuôn mẫu đó đúng hay sai, văn hóa hay phản văn hóa phụ thuộc một phần vào trình độ tổ chức đô thị, phần khác là truyền thống văn hóa, trình độ văn hóa, thẩm mỹ và quá trình tự hoàn thiện của mỗi cá nhân. Nói cách khác, điều đó phụ thuộc vào thang giá trị chung của xã hội trong những điều kiện sống cụ thể.

Như hiện nay, trong cơ chế thị trường, các cá nhân năng động hơn nhưng cũng thực tế hơn. Bối cảnh chung mang ý nghĩa phát huy trí tuệ và khả năng sáng tạo cá nhân, hình thành lối tư duy kỷ cương, khoa học nhưng cũng thúc đẩy khao khát kiếm tiền, lối sống thực dụng đến nghiệt ngã. Trong nhiều trường hợp, lý tưởng, nhân cách, trách nhiệm xã hội, sự khoan dung có thể được xếp lại phía sau nếu bối cảnh nảy sinh tình huống đặt con người vào thế phải lựa chọn. Trong điều kiện đó, những biểu hiện về ứng xử dễ chuyển hướng khác thay vì thanh lịch, văn minh như truyền thống và như mong muốn của chính quyền đô thị.

Sự chuyển dịch của văn hóa đô thị là tất yếu. Trong cái mới có cả nét hay đẹp và sự bất tiện; cái cũ có điều xứng đáng được bảo lưu, nhưng cũng có thứ dần trở thành lạc hậu, rườm rà, thậm chí thành hủ tục. Trước và nay đã diễn ra như vậy, cần có lưới lọc "gạn đục, khơi trong".

Nhưng thời nào cũng vậy, điều kiện nào cũng không thay đổi được thực tế là có những điều cần được trao truyền từ đời này qua đời khác, tựa như lối ứng xử khoan hòa, chừng mực, giao tiếp nhỏ nhẹ, ý nhị, lịch lãm... của người Hà Nội là phẩm chất vượt thời gian. Những giá trị bền vững là nền tảng giúp đô thị lắng lại trong gấp gáp, tiếp nhận tinh hoa, tìm lại chuẩn mực và hướng phát triển phù hợp thời mới.

Như học giả Nguyễn Hiến Lê, trong lời tựa cho một tập sách về nếp cũ của nhà văn Toan Ánh cách nay ngót nửa thế kỷ, đã mượn cảm nhận về sự "man rợ" của những loại nhạc jazz, twist... theo quan điểm thời đó để cổ xúy cho việc sưu tầm cổ nhạc - thứ thanh âm "nghiêm trang mà hòa nhã, vui mà không loạn". Nhạc cổ truyền cũng như phẩm chất ứng xử của người Hà Nội xưa, là vũ khí cần có để vượt qua xung đột.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng đọng nơi gấp gáp