Tìm lại những mùi nhớ, vị thương…

Dương Ngọa Vân| 02/02/2019 18:27

(NSHN) - Sắm Tết đã từng là việc trọng. Những phiên chợ Tết nhộn nhịp từ sau Rằm tháng Chạp. Nhưng đi chợ Tết không chỉ để mua sắm, mà là để hưởng cái không khí ấm áp khi xuân đã cận kề.

(NSHN) - Sắm Tết đã từng là việc trọng. Những phiên chợ Tết nhộn nhịp từ sau Rằm tháng Chạp. Nhưng đi chợ Tết không chỉ để mua sắm, mà là để hưởng cái không khí ấm áp khi xuân đã cận kề. Bây giờ, chỉ vài tiếng trong siêu thị, người ta đã có đủ thứ, từ bánh chưng, gà luộc cho đến miến dong, mộc nhĩ, rồi bánh, mứt, kẹo... Nhưng khi năm cũ cạn ngày, nhiều người vẫn thích đi tìm một miền hoài niệm - chợ Tết ở vùng ngoại thành. Nơi đó, người ta tìm lại được những mùi nhớ, vị thương.

1. Ngày ấy, hương xuân đến sớm lắm, từ cái hôm bắt gặp hàng lá dong bày ra. Nhìn lịch, hôm ấy mới quãng rằm. Có người vừa ngồi bán lá dong, vừa chẻ lạt. Cái ống giang quanh đi quanh lại đã biến thành những bó lạt, mỏng tang, mà dai lắm. Bánh chưng, gói giò xào cứ phải loại này. Kéo cho căng sợi lạt, xoáy vài vòng rồi cài lại. “Lạt mềm buộc chặt”, các cụ đã dặn rồi. Cách đó một quãng không xa, người ta bán gạo nếp vào những cái nồi gang to. Những vốc gạo được bốc lên, hít hà, gạo chảy qua kẽ tay, còn đọng lại cái mùi hương thơm đồng nội. Các bà các chị vây quanh hàng lá dong, gạo nếp. Những tiếng bàn tán lao xao. Nhưng xem hàng nhiều hơn. Còn nghe ngóng, nâng lên đặt xuống chán xem năm nay lá dong, gạo nếp, đỗ xanh đắt hay rẻ, rồi mới sang công đoạn mặc cả, mua hàng. Những miến dong, mộc nhĩ, măng khô, nấm hương cũng được các sạp hàng khô bày ra, một cách thịnh soạn hơn hẳn những ngày thường. Hàng vàng mã, hương cũng kịp rải ra. Người ta thắp luôn một nén nhang thơm để “quảng cáo”. Ưa nhất là những gánh mùi già. Và nữa mới chỉ ngang qua thấy mùi chua chua của măng khô, đã nghĩ đến lúc ninh măng, thấy mùi hương thoang thoảng là thấy cảm giác đầm ấm của mâm cỗ ngày Tết...

Người “phố Hàng” xưa thường đi chợ Tết ở Đồng Xuân, Hàng Lược. Xa xưa hơn nữa là những chợ Cửa Đông, Cửa Nam, Chợ Huyện... Người Hà Nội tinh tế trong thú chơi Tết, muốn tìm một cành đào, cây quất hay bó hoa đẹp, không đâu hơn chợ hoa Hàng Lược. Dẫu vậy, nói về chợ Tết, cư dân “phố Hàng” có phần... thiệt thòi. Những muốn hưởng không khí chợ Tết đích thực, cứ phải ra vùng ven đô, ngoại thành.

Chợ Bưởi thời chưa “lên tầng” vui lắm. “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên/ Ngày tư ngày chín cho duyên đèo bòng”. Đấy là câu ca dao từ xa xưa để lại. Vì sao chốn chợ đông lại có chuyện “cho duyên đèo bòng”? Có người nói đó là “cái duyên” của chợ. Người khác lại bảo đó là vì chỗ “chơi chợ” nên trai gái gặp nhau. Chợ Bưởi trước bán nhiều loại nông thổ sản. Nhà văn Tô Hoài còn kể chợ Bưởi bán cả trâu bò. Năm tháng đổi thay, chợ Bưởi trong ký ức nhiều người, nổi tiếng nhất vẫn là bán con giống, hoa, cây cảnh. 24 và 29 tháng Chạp, chợ Bưởi họp hai phiên cuối cùng trong năm. Vẫn bán cả cây, con giống như thường ngày, nhưng hơn hết là bạt ngàn những hoa. Người xứ Đoài từ Hoài Đức, Đan Phượng mang hàng tới, người bên Vĩnh Phúc sang; chưa kể sản vật của những “làng lúa, làng hoa” vùng ven Hồ Tây. Những tiếng mặc cả xôn xao mang nhiều phương ngữ không chát chúa “vị” của dân buôn chuyên nghiệp, mà có sự chất phác của những người gắn bó với đồng quê. Người ta í ới hỏi thăm nhau chuyện họ hàng, chuyện chuẩn bị Tết nhất. Dù ở Hà Nội đến mấy đời, không mấy ai không gốc gác từ một làng quê nào đó. Có lẽ bởi thế, đi chợ Bưởi là cơ hội để về với nguồn gốc của mình? Những cây, những hoa không quá điệu đà mà như chính con người làm ra, mang nét duyên mộc mạc. Những bàn tay thoăn thoắt gói hoa vẫn còn nguyên vết nứt nẻ của những tháng ngày nhọc nhằn để làm đẹp cho đời.

Mạn Tây nổi tiếng có Kẻ Bưởi, thì mạn Nam có Kẻ Mơ. Một tháng, cũng chằn chẵn sáu phiên, nhằm ngày 2, ngày 7. Gần Tết, chợ Mơ tưng bùng như hội. Người các vùng lân cận kéo về. Hàng hóa cứ ngồn ngộn. Cũng như bên Bưởi, nhiều người đi chợ Mơ bán chính sản vật do họ làm ra là những gánh bưởi, những nải chuối xanh, những bu gà... để lấy tiền sắm Tết. Dễ nhận ra lắm, khu bán gà của dân buôn, người ta ngồi dãi thẻ, nhoay nhoáy nhồi bánh đúc. Các mặt hàng từ hoa quả, cho đến gà qué, nom đều tăm tắp, mỡ màng. Sản vật người dân làm ra, quả lớn quả bé, con to, con nhỏ lẫn lộn. Đến câu nói thách cũng có phần ngượng nghịu... Nhiều người đi chợ Mơ, còn để mua lấy vài lít rượu Mơ của vùng đất nổi tiếng này.

Không khí Tết xưa “đến sớm” vì nhiều nhẽ. Trong đó có cả bởi sự nghèo. Quanh năm lam lũ, ăn uống cũng tằn tiện. Nhưng ba ngày Tết, ăn uống không đầy đặn, ai cũng sợ dông cả năm. Tết đến sớm, là vì người ta phải mua sớm “để dành” nhưng nhiều nhà không nhịn được miệng. Cân miến, yến gạo..., dành dụm đến Tết cũng hư hao mất một phần. Đành bấm bụng ra chợ bổ sung, dù ngày cận Tết giá cả phần nhiều đắt đỏ.


2. Rồi tất cả cũng thành ký ức. Nhiều vùng ngoại ô từ lâu đã trở thành đô thị. Chợ Bưởi giờ lên tầng. Hoa, cây cảnh bán dọc theo con đường Hoàng Hoa Thám. Mà giờ người bán “chuyên nghiệp”, thuê cửa hàng nhiều hơn. Trên đất chợ Mơ đã mọc lên cao ốc. Một không gian được dành cho “chợ truyền thống”. Nhưng truyền thống, hình như chỉ còn đọng lại ở mỗi... cái tên. Thế hệ còn biết đến không khí “chợ Tết”, phần nhiều tóc cũng đã ngả màu. Cuộc sống bận rộn. Siêu thị lại có tất cả.

Thói quen nấu bánh chưng mất dần. Mà không nấu, cần gì quan tâm đến lá dong, gạo nếp? Cái ăn từng là nỗi lo của các gia đình khi Tết đến. Giờ cũng là nỗi lo. Nhưng mang sắc màu khác hẳn. Người ta nâng lên, đặt xuống, đắn đo xem ăn món gì trong mấy ngày Tết sao cho đỡ ngán. Nhiều cặp vợ chồng đến tận 28, 29 Tết mới thủng thẳng dắt con vào siêu thị, đẩy chiếc xe một vòng. Độ hơn tiếng sau, khuân nguyên cả cái Tết về nhà. Nếu chẳng may nhiều đồ quá, một cuốc điện thoại là có người chở từ siêu thị. Nhàn tênh. Trước mua con gà trống là việc trọng. Con gà ấy phải mào cờ, chân vàng. Người ta cầm con gà trên tay, vạch lông xem khỏe hay yếu, và nhất là phải chọn được chú gà... chưa đạp mái. Nhiều nhà không giao cho phụ nữ chọn gà, mà phải cánh đàn ông. Con gà trống thường được mua từ sớm, cẩn thận nhốt riêng. Nhỡ nó có “hắt hơi, sổ mũi” là cả nhà lo ngay ngáy. Bây giờ gà cúng giao thừa có thể được đặt qua điện thoại. Chiều tối Ba mươi, hoặc tự đi lấy, hoặc có người giao đến tận nhà. Nhiều người bảo đấy là “Tết đồ hộp”.

Ừ thì đồ hộp. Đồ hộp đâu có xấu? Người ta không còn nỗi lo cơm áo. Phụ nữ được “giải thoát” khỏi bếp núc mà được thỏa sức làm đẹp, vui chơi. Tết bây giờ “sang chảnh” hơn. Nhưng khó có thể nói Tết vui như trước. Có người “chán” Tết đến độ đợi tối Ba mươi cả nhà khăn gói đi du lịch.

3. Cuộc sống vẫn đổi thay. Dở hay đều có cả. Cái Tết hôm nay, cũng đã khác Tết hôm xưa. Cái nôn nao, háo hức sau 365 ngày chờ đợi không vẹn nguyên như trước nữa. Nhưng thời gian luôn là liều thuốc thử tốt nhất cho những gì thuộc về chân giá trị..
.
Hình như, qua những phút giây ban đầu bị “ngợp” bởi những giá trị vật chất, bởi cuộc sống hiện đại, trong lòng mỗi người, hình như đang có cuộc “hành hương” về với cội nguồn, khi Tết đến, xuân về. Nhiều người, tìm đến những phiên chợ Tết vùng quê, để sống lại một miền ký ức; cánh trẻ, khám phá những thứ cũ mà mới. Mạn phía Đông, phía Bắc có chợ Sa, chợ Tó (huyện Đông Anh), chợ Thanh Nhàn (huyện Sóc Sơn)... Xứ Đoài mây trắng có chợ Nủa (Thạch Thất), chợ Cao (Thanh Oai)... Những mái nhà dung dị, những căn lều dựng tạm giữa bốn bề gió bấc.

Nhưng ở đó, cái chất quê khiến người ta thấy ấm lòng. Người ta thấy những cụ bà bỏm bẻm nhai trầu bên quầy hàng quà, bên những nải chuối, quả bưởi; người ta thấy những chị, những mẹ tất tả chở thùng hàng hóa do chính mình làm ra, vẫn còn đẫm hơi sương... Người ta thỏa sức ngắm nhìn những rổ rá, đơm đó, giỏ, lờ, nơm, giành, sọt... được đan bằng tre, bằng nứa. Người ta bắt gặp những cụ già bên đàn cún con, những đôi mắt ngác ngơ chuẩn bị được về chủ mới. Người ta thấy nồi nước sôi sùng sục của người bán giò, nhấc cây giò lên vẫn nghi ngút khói. Người ta nghe những tiếng gà quang quác mổ nhau. Người ta nghe những tiếng đôi co mặc cả. Những thanh âm đôi khi hỗn loạn, nhưng chỉ gợi lên cảm giác duy nhất, là sự bồi hồi. Người ta thấy những mùi nhớ vị thương từ trong tiềm thức. Và người ta ước, cứ được sống mãi trong phút giây ấy.

Đi chợ Tết, là sự trở về...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm lại những mùi nhớ, vị thương…