Tranh Đông Hồ - "Màu dân tộc" trong ngày xuân

Bài và ảnh: Thanh Huyền| 29/01/2019 10:59

(NSHN) - Nguy cơ mai một làng tranh Đông Hồ là câu chuyện đã từng làm tốn giấy mực báo chí suốt một thời gian dài. Thế nhưng, trong hai năm trở lại đây, vấn đề bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ đã bắt đầu nhận được sự quan tâm nhiều hơn.

Nguy cơ mai một làng tranh Đông Hồ là câu chuyện đã từng làm tốn giấy mực báo chí suốt một thời gian dài. Thế nhưng, trong hai năm trở lại đây, vấn đề bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ đã bắt đầu nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng để người dân Đông Hồ cũng như người yêu tranh Đông Hồ có thể hy vọng vào sự hồi sinh của một dòng tranh dân gian đặc sắc.

Hòn ngọc báu trong nền nghệ thuật dân tộc

Theo lời nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, làng tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã có bề dày 500 năm lịch sử. Tên làng cổ nhất là Đông Mại hoặc ấp Kiêu Mại, gọi nôm na là làng Mái, bởi vậy mới có câu ca dao cổ:


“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng anh có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh”.

Tranh Đông Hồ được chia thành 6 dòng chính: Tranh thờ cúng, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt, tranh phong cảnh và tranh truyện. Nội dung phản ánh của tranh Đông Hồ vô cùng đa dạng, phong phú, từ việc giáo dục lòng yêu nước như mảng tranh lịch sử, đến đề cao lòng nhân ái, yêu cái tốt, ghét cái xấu như “Vụ kiện trê cóc”, đả kích sâu cay như “Đám cưới chuột”, châm biếm nhẹ nhàng như “Hứng dừa”...

Tranh Đông Hồ mang vẻ đẹp dung dị, mộc mạc rất độc đáo mà ít có loại tranh nào trên thế giới đạt được. Cách dùng màu sẵn có trong thiên nhiên có thể sánh ngang với chất liệu màu mà các nghệ sĩ Ai Cập đã thể hiện trên những bức tranh tường trong Kim tự tháp cổ đại.

Nét độc đáo ở tranh Đông Hồ còn nằm ở kỹ thuật in hoàn toàn bằng thủ công, tức là dùng ván khắc, không dùng bút vẽ hay tô màu. Năm 1970, tại triển lãm “Nghệ thuật in sách quốc tế lần thứ nhất” tại thành phố Leipzig (Đức), với sự tham gia của của 76 nước, tranh Đông Hồ đã vinh dự nhận Huy chương vàng cho loại in cổ truyền.

Nói về giá trị của tranh Đông Hồ, ông Phạm Hùng Thoan - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam khẳng định: “Tranh dân gian Đông Hồ mang cả giá trị nghệ thuật lẫn giá trị xã hội, phản ánh một cách dung dị mà sâu sắc đời sống làng quê Bắc Bộ. Đây cũng là đối tượng mà ngành văn hóa và Chính phủ đặt nhiều kì vọng và sự quan tâm”. 

Ông Phạm Hùng Thoan (bên phải) và nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đang trao đổi về nghề làm tranh Đông Hồ.


Nỗ lực hồi sinh "Màu dân tộc"

Tranh Đông Hồ vốn là niềm tự hào của miền quê Kinh Bắc. Trước nguy cơ mai một dòng tranh truyền thống, năm 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030” nhằm xác định hiện trạng và nguy cơ mai một, đồng thời nâng cao nhận thức, hành động của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ.

Bên cạnh đó, việc quảng bá tranh Đông Hồ trong các hội chợ trong nước và ngoài nước cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng Hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới.

Về phía các nghệ nhân làm tranh dân gian Đông Hồ, tuy số nghệ nhân từng trải, sống chết với nghề nay chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng họ đều làm nên sự nghiệp. Trong sự phát triển ngày càng mạnh mẽ và đa dạng của các loại hình nghệ thuật mới, tranh dân gian không còn chiếm vị trí độc tôn như xưa, nhưng đâu đó vẫn giành được sự mến mộ của những người yêu nghệ thuật dân tộc. “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”, nhiều người vẫn giữ thú chơi tranh dân gian Đông Hồ mỗi dịp tết đến, xuân về.

Chính bởi lẽ đó, những nghệ nhân của làng tranh Đông Hồ luôn tìm cách phục hồi cách làm tranh cổ truyền, không ngừng nâng cao chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn nghệ thuật - khâu sống còn của nghề làm tranh. Để đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ cũng như nhu cầu thưởng thức của người mua, tranh Đông Hồ không chỉ được thiết kế đơn giản trên mành như trước mà còn được đóng trong khung hay thể hiện trên các vật dụng quen thuộc hằng ngày. Chất lượng của tranh cũng được chú trọng hơn, đa dạng về thể loại, kích thước.

Các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ luôn tìm cách làm mới sản phẩm để bắt kịp xu hướng khách hàng.


Tranh Đông Hồ cũng đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của người trẻ nhiều hơn sau làn sóng đương đại hóa tranh Đông Hồ năm 2018. Với sự lồng ghép các yếu tố xưa và nay, sử dụng các chất liệu màu sắc hiện đại, các họa sĩ trẻ đã cho ra đời những sản phẩm dí dỏm, độc đáo.

Từ bản gốc tranh “Múa lân”, lấy cảm hứng từ đội tuyển U23 Việt Nam, các bạn trẻ đã sáng tạo phiên bản mới với tên gọi “Đón bão xuân U23”. Hay trong bức tranh “Bà Nguyệt se duyên”, xưa kia bà Nguyệt là vị thần tình yêu trong phong tục văn hóa Việt Nam thì ngày nay, mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instargram lại đóng vai trò như bà Nguyệt se duyên cho các cặp trai gái.

Dù có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh dự án này nhưng không thể phủ nhận rằng, nó đã thổi vào dòng tranh dân gian một luồng sống mới. Bên cạnh việc đương đại hóa, tranh Đông Hồ cũng được “hồi sinh” trong các thiết kế thời trang, thiết kế nội thất dưới bàn tay của người trẻ.

Tranh Đông Hồ thu hút sự quan tâm, chú ý của các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật dân tộc.


Mỗi dân tộc cần phải biết nuôi dưỡng nền văn hóa và bản sắc của mình. Tranh Đông Hồ xứng đáng được công nhận và bảo tồn bởi giá trị nghệ thuật cũng như giá trị truyền thống mà nó đem lại.

Hi vọng với những nỗ lực trên, một ngày không xa, người Việt sẽ lại được thấy tranh Đông Hồ - "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh Đông Hồ - "Màu dân tộc" trong ngày xuân