Thú vui “đọc báo đứng”

Thu Hằng| 18/09/2018 08:45

Đọc báo đứng, dù không còn đông vui như ngày xưa, nhưng vẫn là cái thú thường nhật của một lớp người Hà Nội.

(NSHN) - Với những người Hà Nội lớn tuổi, “đọc báo đứng” là một thú vui, một ký ức thấm đẫm tình người của một thời gian khó nhưng rất hào hùng.

Những năm gần đây, với sự phát triển vượt trội của kỹ thuật điện tử và công nghệ truyền thông, báo giấy dần được thay thế bằng báo điện tử. Độc giả bây giờ có nhiều cách tìm kiếm thông tin: Đọc trên báo giấy, đọc trên điện thoại thông minh, trên máy tính bảng…

Hình ảnh quen thuộc hàng ngày trước bảng tin báo Hànộimới. Ảnh THU HẰNG

Tuy nhiên, dạo một vòng quanh Hà Nội, ta vẫn bắt gặp hình ảnh những cụ già cặm cụi, miệt mài đứng đọc những trang báo in được dán bên trong tủ kính treo ở những góc phố hay trước cửa những tòa soạn báo lớn.

Trò chuyện với ông Nguyễn Đình Hiền ngay tại bảng tin trước trụ sở báo Hànộimới, ông nói: “Tôi ngày nào cũng đến đây đọc báo. Trước đây, điều kiện cuộc sống khó khăn nên việc “đọc báo đứng” như một món ăn tinh thần hàng ngày. Ngày ấy, Hà Nội phương tiện thông tin ít lắm. Tivi chưa có. Radio không phải nhà ai cũng có, mọi thông tin đều đọc qua báo, mà báo muốn mua được phải đi từ sáng sớm, vì thế muốn đọc báo phải đến cửa các tòa soạn. Hàng ngày buổi sáng tôi thường qua tòa soạn báo Nhân Dân đọc vội các tin rồi mới đi làm. Chiều về đi dạo Bờ hồ thường đứng lại trước tòa soạn báo Hànộimới để đọc. Thói quen ấy tôi vẫn giữ dù bây giờ báo chí, tivi có ở khắp nơi”.

Quang cảnh trước trụ sở báo Hànộimới những năm trước đổi mới. Rất đông bạn đọc đến "đọc báo đứng". Ảnh TƯ LIỆU


Sinh thời, nhà báo Dương Linh (Phó Tổng Biên tập báo Hànộimới) kể rằng: “Hồi đất nước có chiến tranh, các báo tập trung vào chủ đề sản xuất và chiến đấu, ít đăng tin thể thao thế giới. Riêng Hànộimới là báo hàng ngày của Thủ đô, dành cho đối tượng là dân thành thị, tự thấy phải cố gắng thông tin những sự kiện thể thao lớn của thế giới nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu của bạn đọc. Mỗi số chủ nhật báo có mục “Thể thao thế giới” chỉ dài chừng 300-400 chữ gồm những tin vắn chủ yếu về bóng đá, quần vợt, điền kinh, quyền Anh… Tin đăng tải không thật sốt dẻo, song bạn đọc của báo cũng tạm thấy hài lòng vì không có báo nào khác đăng".

Sau ngày giải phóng miền Nam, Thông tấn xã (TTX) Việt Nam có đưa tin các giải bóng đá thế giới. Các trận đấu thường vào đêm khuya ở ta, sáng hôm sau bản tin TTX mới phát, do đó Hànộimới phải hôm sau nữa mới đưa tin. Thế là mỗi sáng phóng viên thể thao của báo phải đạp xe đến cơ quan thật sớm, gọi điện thoại sang TTX, dùng mối quan hệ quen biết riêng để lấy tin, rồi viết kết quả các trận đấu lên bảng đen đặt ngay trước của tòa báo.

Nhà báo Dương Linh từng kể lại: "Đến giờ đi làm, cán bộ công nhân viên đi qua đều dừng cả lại để biết tin sốt dẻo. Và điều không tránh khỏi là từng nhóm, từng nhóm xúm lại bàn tán, bình luận, tranh cãi gây ồn ào, mất trật tự cả một quãng đường khiến công an có lúc phải có ý kiến với báo”.

6h sáng khi nhân viên tòa soạn dán xong báo mới là đã có tốp độc giả đầu tiên đến đọc. Nhiều cụ sau khi đi tập thể dục buổi sáng về, thường ghé qua những chỗ quen thuộc như trụ sở báo Hànộimới (Lê Thái Tổ), trụ sở báo Nhân Dân (phố Hàng Trống), trụ sở báo Quân đội Nhân dân (phố Phan Đình Phùng), trạm tin phường… để "đọc báo đứng".

Với nhiều người, “đọc báo đứng” như thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức, như là một "thủ tục" không thể thiếu được của mỗi ngày.

Ông Lê Đức Quang, 70 tuổi. Ảnh THU HẰNG


Ông Lê Đức Quang 70 tuổi, nhà trên phố Trần Quốc Toản kể: “Tôi thường đến đây (trụ sở báo Hànộimới) đọc báo. Đây vừa là một thú vui vừa là nhu cầu không thể thiếu. Tôi có vài người bạn cùng đến đây đọc báo mà quen nhau, vui lắm!”.

Rõ ràng, “đọc báo đứng" không chỉ là nơi đọc báo mà còn là nơi để các cụ gặp gỡ, nói chuyện vui vẻ về những kỷ niệm thời xưa. Có cụ dù đã mua báo cầm trên tay nhưng vẫn thích ra đây để “đọc báo đứng” vì ở đó không chỉ có đọc báo mà các cụ còn được bàn luận, chia sẻ thông tin với nhau.

Cứ như vậy mỗi buổi sáng không ai bảo ai, “đọc báo đứng” đã trở thành một thói quen như một bữa ăn sáng của những ông già Hà thành.

Một trong những địa chỉ “check-in” lý tưởng ở Hà Nội. Ảnh VIẾT THÀNH


Ngày nay, với sự đổi thay và hiện đại hóa, việc “đọc báo đứng” không còn nhiều và đông vui như ngày xưa nữa.

Lớp già đến đây đọc báo, lớp trẻ đến đây chụp ảnh. Ảnh THU HẰNG


Bảng tin trước trụ sở báo Hànộimới, ngoài việc là cầu nối tin tức của các cụ già thì giờ đây cũng thu hút rất đông các bạn trẻ, du khách nước ngoài, cả cô dâu, chú rể. Họ đến không phải chỉ đọc báo mà đến để… chụp ảnh. Địa điểm này được cộng đồng mạng bình chọn là một trong những địa chỉ “check-in” lý tưởng ở Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thú vui “đọc báo đứng”