Dấu sông hồn phố

Ánh Vương| 15/02/2018 20:08

(NSHN) - Là dòng sông xanh mát, trục thủy lộ giao thương trọng yếu của kinh thành xưa, sông Tô Lịch đã đi vào sử sách, vào thi ca dân gian, gắn bó với mảnh đất và con người Thăng Long - Hà Nội, nhưng những điều ấy bây giờ chỉ còn trong ký ức.

(NSHN) - Là dòng sông xanh mát, trục thủy lộ giao thương trọng yếu của kinh thành xưa, sông Tô Lịch đã đi vào sử sách, vào thi ca dân gian, gắn bó với mảnh đất và con người Thăng Long - Hà Nội, nhưng những điều ấy bây giờ chỉ còn trong ký ức.

Nhắc đến Hà Nội là không thể không nhắc đến băm sáu phố phường, cũng không thể không nhắc tới sông Tô, bởi con sông đã gắn bó, quen thuộc với mảnh đất này. Từ ngàn xưa, trải qua bao biến cố thăng trầm, sông Tô vẫn lặng lẽ chảy giữa lòng Thăng Long - Hà Nội, như một chứng nhân lịch sử của đất Kinh kỳ.

Quãng năm trăm năm trước, khu vực chợ và nhà ở đầu tiên được đặt tại nơi sông Tô Lịch và sông Hồng gặp nhau. Người Kẻ Chợ vẫn thường tụ họp ở hai chợ nhỏ ngay trên nền đất sông, trao đổi sản vật quanh vùng, trên bến dưới thuyền tấp nập, làng xóm đông vui. 

Sông Tô xưa thông với sông Hồng tại hai điểm ở phía Hồ Tây và phía chợ Gạo (phố Chợ Gạo ngày nay). Sông chảy ngược hướng với sông Hồng từ Đông sang Tây, rồi vòng về phía Nam. Sách Đại Nam nhất thống chí (giữa thế kỷ XIX) viết: “Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đông Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm ngày nay) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ”.  

Với người Hà Nội, sông Tô Lịch đã đi vào ca dao dân gian như bản thân sự tồn tại của nó trong tiềm thức bao đời nay: “Sông Tô nước chảy quanh co/ Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya”, “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh...”... Thành Đại La được dựng lên bên bờ sông Tô, các sinh hoạt chợ búa, phố xá phồn hoa cũng dần hình thành bên dòng sông này. Địa danh quan trọng nhất bên bờ sông Tô, đó là ngã ba sông Thiên Phù, Tô Lịch có bến Hồng Tân (vùng chợ Bưởi ngày nay). Trên đường từ Hoa Lư về thăm quê hương Cổ Pháp, vua Lý Công Uẩn đã dừng thuyền ngự tại đây và nhận ra thế đất “dựng nghiệp đế vương cho muôn đời”... Chợ Bưởi tháng họp 6 phiên và đã có rất nhiều mối lương duyên được nhen nhúm từ các phiên chợ ở đây.

Vào các thời Lý - Trần - Lê, sông Tô Lịch có sức sống mạnh mẽ và phong phú. Hai bên bờ sông có nhiều làng mạc, dân cư đông đúc, nhiều công trình kiến trúc chùa, quán và từ những nơi này xuất hiện nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử của đất nước. Bên tả ngạn gồm phần đất của hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, ngoài thành nội, còn có 61 phường thợ thủ công, gồm dân Thập tam trại, từ Lệ Mật sang khai khẩn, trồng lúa, rau, hoa, dân Kẻ Láng có sản vật húng Láng nổi tiếng nhiều đời...

Nhìn lại từ quá khứ để thấy, sông Tô Lịch là con sông cổ có số phận gắn bó với lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Hà Nội xưa không phải là thành phố “trong sông Hồng” mà là thành phố “trong sông Tô Lịch”, với một hệ thống sông ngòi ao hồ chằng chịt. Toàn bộ Hà Nội xưa nằm bên bờ phải của dòng chảy sông Hồng, nhưng hồn của thành phố lại là sông Tô Lịch bởi dòng chảy của nó nằm giữa lòng Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Cùng với những thăng trầm của lịch sử, biến thiên của thời gian và quá trình mở rộng đô thị Hà Nội, cả hai cửa sông cùng nhiều ao hồ đã bị lấp dần. Hồn cốt của sông Tô Lịch - dòng nước từ sông Hồng chảy qua nội thành đã biến mất vì bị chặn dòng, không còn dáng dấp như xưa... Đó là câu chuyện của cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Năm 1889, khi quy hoạch lại thành phố người Pháp đã lấp đoạn sông Tô Lịch nơi giao nhau với sông Hồng. Con sông phải nương theo ý muốn của những kẻ viễn chinh - nằm dưới những con đường nhựa dành cho ô tô, xe kéo và những ông Tây, bà đầm...

Mặt trái của quá trình đô thị hóa sau này cùng với những biến động của đời sống kinh tế - xã hội đã khiến sông Tô Lịch dần trở thành một kênh nước thải lớn của thành phố với độ dài gần hai chục cây số. Sông Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (thuộc quận Cầu Giấy) chảy cùng hướng với đường Bưởi, đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam, Tây Nam rồi ngoặt sang phía Đông Nam và đổ ra sông Nhuệ nơi đối diện làng Hữu Từ (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì). Các công trình xây dựng dọc sông như cầu cống, nhà cửa với kiểu kiến trúc thiên về thực dụng, các đình chùa ven sông cũng bị che khuất... Đáng tiếc thay, sông Tô Lịch đã trở thành con sông mất nguồn, giờ đây “Nước sông Tô vừa trong vừa mát” đã là quá khứ xa vời!

Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các khu dân cư, từ hàng chục năm qua Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp giải cứu sông Tô. Khoảng những năm 1960, giới kiến trúc sư đã ấp ủ một dự kiến khơi lại và làm rộng lòng sông, nhưng do hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh nên kế hoạch nạo vét sông Tô mãi đến 1974 mới được khởi công. Đến cuối thế kỷ XX, sông Tô Lịch được nạo vét, kè bờ, nhiều đoạn được trồng cỏ trong các ô vuông. Thế nhưng mọi cố gắng của chính quyền và nhân dân Thủ đô cũng mới chỉ giải quyết được phần nào, dòng sông vẫn bị ô nhiễm bởi nước thải, rác thải...

Gần đây, khoảng 10km sông Tô Lịch chạy qua địa bàn xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) đã được cải tạo nhờ chính quyền địa phương biết “kéo” người dân cùng vào cuộc. Khúc sông này đã không còn nghẽn tắc, nước không còn đen đục mà dòng chảy đã thông thoáng, xanh mát. Thành phố cũng đang triển khai dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, hình thành đường chảy của nước thải riêng qua các hệ thống cống ngầm nhằm góp phần cải tạo môi trường, làm sống lại sông Tô Lịch... Và tour du lịch bộ hành “Dấu sông hồn phố” theo ý tưởng của KTS Nguyễn Vũ Hải phần nào giúp du khách hình dung được bức tranh tương phản giữa ký ức - hiện tại của sông Tô Lịch, để mọi người thêm yêu Hà Nội và cùng ứng xử tử tế với dòng sông này.

Thủ đô giờ đây đã mở rộng, quy mô lớn hơn nhiều, song những người yêu Hà Nội vẫn ao ước giá như giữa lòng thành phố đang vươn mình thành đô thị văn minh hiện đại vẫn có dòng sông Tô Lịch trên bến dưới thuyền như câu ca dao xưa: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”.
Dấu sông hồn phố vẫn hiện hữu nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu sông hồn phố