Huyền tích đồng vọng buổi đầu định đô Thăng Long

Nguyễn Phong An| 14/02/2018 17:49

(NSHN) -  Cách nay khoảng một trăm năm, sách Tây Hồ chí đã được biên soạn. Đó là một tài liệu địa chí phong phú bậc nhất về vùng Hồ Tây thời đó, có giá trị tham khảo thú vị cho chúng ta ngày nay khi cần hiểu về vùng lõi của Thủ đô.

(NSHN) -  Cách nay khoảng một trăm năm, sách Tây Hồ chí đã được biên soạn. Đó là một tài liệu địa chí phong phú bậc nhất về vùng Hồ Tây thời đó, có giá trị tham khảo thú vị cho chúng ta ngày nay khi cần hiểu về vùng lõi của Thủ đô.

Dù chưa được biết tên tác giả nhưng tiếp cận tác phẩm, ta thấy người viết là một bậc Nho học thâm sâu, có lòng hiếu cổ và rất am tường vùng Hồ Tây, đồng thời, bắt đầu tiếp cận một số cách nhìn nhận quá khứ mà tri thức tây phương mang lại.

Có thể nhận thấy ba thao tác mà tác giả đã dùng khi biên soạn tài liệu này: Điền dã thực địa - tham khảo cổ thư - ghi chép huyền tích dân gian.

Các miếu Thần cẩu đã xuất hiện nhiều lần trong sách này với các tên gọi như Thần cẩu miếu, Thần cẩu mẫu miếu, Thần cẩu nhi miếu, Cẩu Tân, Cẩu Chử… Các cách gọi này chỉ hai di tích cụ thể và liên quan với nhau bằng huyền tích liên quan tới triều đại nhà Lý và việc Lý Công Uẩn định đô tại Thăng Long.

Trong phần Sơn xuyên, ở mục Khán sơn viết: “Núi Khán nằm góc phía tây của tỉnh thành, ở phía nam hồ, có hai ngọn núi nối liền nhau. Thời Lý, trên núi có miếu thờ Thần cẩu mẫu. Nay là chùa”.

Trong phần Cổ tích, ở mục Thần cẩu nhi miếu, viết: “Miếu ở trên Châu Chử, trong hồ phía góc tây bắc. Xét xứ này đến triều Trần gọi là Thần Cẩu Tân (bến Thần cẩu), Hậu Lê gọi là Trúc Bạch. Thần cẩu nhi là con của Thần cẩu mẫu triều Lý. Khi họ Lý chưa định đô Thăng Long, ở chùa Thiên Tâm trên núi Ba Tiêu châu Bắc Giang (họ Khúc gọi là châu) có một con chó trắng chửa, bỗng bơi qua sông lên ở trên núi Khán, rồi sinh ra một con chó con, mọi người đều cho là việc lạ. Năm Nhâm Tuất dời đô thì hai con chó đã hóa rồi. Việc đến tai vua, ngài bảo: Đó là Thần cẩu, rồi truyền lập miếu chó mẹ ngay ở trên núi, giữa hồ lập miếu chó con. Nay còn, thuộc địa phận thôn Trúc Yên. Miếu Thần chó mẹ về sau đổi là chùa Khán Sơn”.

Các huyền tích dân gian được sáng tạo và lưu truyền ở mọi thời điểm trong đời sống tinh thần nhân dân. Quá khứ đã thế, hiện tại và tương lai vẫn vậy. Thường thì từ một nguyên cớ sử thực nào đó, nhân dân sáng tạo bất tận những huyền tích trong đời sống của mình. Chúng ta có thể nhận ra vang bóng của sử thực qua ghi chép, qua hiện vật, qua sưu tầm.

Tác giả Tây hồ chí đã quan sát di tích, ghi chép truyền khẩu và đối sánh từ thư rồi đưa vào biên soạn địa chí.

Đền Cẩu Nhi. Ảnh: KT


Chúng ta có thể nghĩ về một nguyên cớ sử thực dựa vào thông điệp mà từ thư trung đại đã ghi lại.

Nhà Lý từ khởi nguồn trên đất Hoa Lâm, châu Cổ Pháp đến khi định đô Thăng Long, có 3 năm TUẤT đáng ghi nhớ.

Năm Mậu Tuất 938 gắn với sự ra đời của Thiền sư Lý Vạn Hạnh - người cha tinh thần của Lý Công Uẩn. Các tài liệu văn bia, cổ sử thường gắn việc sinh ra Lý Công Uẩn, nuôi dạy Lý Công Uẩn với Vạn Hạnh. Mẹ Lý Công Uẩn là Phạm Thị, người Hoa Lâm, đi chơi chùa Tiêu, nơi Vạn Hạnh trụ trì, “giao hợp với thần nhân” mà mang thai, sau khi sinh, đưa Lý Công Uẩn trả về chùa. Lý Vạn Hạnh cùng em mình là Lý Khánh Văn nuôi dạy, đào luyện và đưa Lý Công Uẩn vào triều đình nhà Tiền Lê làm quan, ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Và cũng là Lý Vạn Hạnh chống cây tích trượng của mình về thành Đại La định đô cho vương triều mới. Việc này được Lý Nhân Tông, vị vua thứ tư triều Lý ghi lại trong bài thơ Truy tán Vạn Hạnh thiền sư: Vạn Hạnh dung tam tế/ Chân phù cổ sấm thi/ Hương quan danh Cổ Pháp/ Trụ tích trấn vương kỳ (Vạn Hạnh thông cả ba cõi/ Sấm thi của ngài thật đúng đắn/ Quê hương ở châu Cổ Pháp/ Chống cây gậy pháp của mình để trấn định Kinh kỳ của vương triều). Chữ “trấn” trong câu cuối, theo nghĩa từ điển có nghĩa là trấn định, lập ra, định ra.

Năm Giáp Tuất 974 gắn với việc Lý Công Uẩn ra đời mà sau này sẽ lên ngôi, lập ra vương triều nhà Lý, người sẽ cùng với các quần thần và quan sư của mình ra Thiên đô chiếu và chọn đất Đại La, dựng nên Kinh thành Thăng Long, Thủ đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt.

Năm Nhâm Tuất 1010, gắn với việc nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.

Ở đây chúng ta dễ dàng có những liên hệ hữu lý:

- Lý Vạn Hạnh (thế hệ bố tuổi Tuất) + Lý Công Uẩn (thế hệ con tuổi Tuất) = Kinh đô Thăng Long.

- Thần cẩu mẫu (thế hệ mẹ, Tuất) + Thần cẩu nhi (thế hệ con, Tuất) = Về Thăng Long và thành Thần được thờ tự ở miếu.

Huyền tích không phải là sử thực nhưng nó là sáng tạo trên một nguyên cớ nào đó của sử thực. Những ghi chép của Tây hồ chí không thể ráp một cách thẳng thừng vào sử ký (vốn cũng mang nhiều huyền ảo vì quá xa xưa) để phủ định giá trị của nó. Sáng tạo dân gian muôn đời vẫn vậy.

Điều mừng của chúng ta là tác giả Tây hồ chí dù muộn, đã không bỏ sót một di tích, một huyền tích vang vọng xa xôi của cái thời dời đô kiến quốc cách nay hơn ngàn năm. 
Hà Nội 24-12-2017

Các huyền tích dân gian được sáng tạo và lưu truyền ở mọi thời điểm trong đời sống tinh thần nhân dân. Quá khứ đã thế, hiện tại và tương lai vẫn vậy. Thường thì từ một nguyên cớ sử thực nào đó, nhân dân sáng tạo bất tận những huyền tích trong đời sống của mình.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyền tích đồng vọng buổi đầu định đô Thăng Long