Đánh thức tiềm năng ngành công nghiệp văn hóa

Thanh Thủy| 16/07/2017 07:37

(NSHN) - Với vị thế riêng, Hà Nội có nhiều điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhằm khai thác tiềm năng kinh tế, thúc đẩy sức sáng tạo cũng như tạo dấu ấn đặc trưng văn hóa vùng.

(NSHN) - Với vị thế riêng, Hà Nội có nhiều điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhằm khai thác tiềm năng kinh tế, thúc đẩy sức sáng tạo cũng như tạo dấu ấn đặc trưng văn hóa vùng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, thành tựu ở lĩnh vực này vẫn chưa xứng tầm với tài nguyên sẵn có. Làm sao để đánh thức tiềm năng, phát huy lợi thế trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô, là câu hỏi đặt ra cho không chỉ các nhà quản lý...

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Hà Nội được đánh giá là Thủ đô di sản với gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa, 300 làng nghề truyền thống cùng nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc như: Lễ hội cổ truyền, rối nước, ca trù, chèo... Không chỉ có vậy, Hà Nội còn nổi tiếng về sự thanh lịch, tinh tế, tài hoa cùng năng khiếu thẩm mỹ được kết tinh, chắt lọc bao đời. Tất cả những vốn quý này chính là thế mạnh để Hà Nội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, đến giờ, thành tựu của nhiều lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Có thể kể đến “mảng” làng nghề với số làng nghề truyền thống nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, sản phẩm thuộc lĩnh vực mỹ nghệ của Hà Nội vẫn còn nghèo, chưa phát huy được tối đa sức sáng tạo của nghệ nhân. Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo (VCE Club) Lê Quốc Vinh cho biết: "Nhiều nơi vẫn sản xuất dựa trên sáng tạo của người khác, như Công ty Quang Vinh ở Bát Tràng. Sản phẩm họ làm ra có mẫu mã phù hợp với đời sống hiện đại, được phát triển trên nền tảng của gốm Bát Tràng nhưng đáng tiếc những sáng tạo đó không thuộc về người thợ, họ không thể gia tăng giá trị sản phẩm dựa trên bản quyền sáng tạo đó”.

Có hơn 2.000 di tích được xếp hạng (chiếm 20% di tích được xếp hạng trên cả nước), trong đó có nhiều di sản nổi tiếng, có giá trị nổi bật như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Cổ Loa, phố cổ Hà Nội..., nhưng những điểm đến này vẫn còn thiếu nhiều yếu tố để tăng sức hấp dẫn cho du lịch văn hóa. Đó là những thiếu hụt dịch vụ phục vụ khách, sản phẩm lưu niệm đặc trưng; công tác thuyết minh, hướng dẫn du khách tại nhiều điểm chưa bảo đảm. Ngoài ra, giao thông ùn tắc, môi trường ô nhiễm, nạn chèo kéo khách cũng là nguyên nhân cản trở sự phát triển du lịch văn hóa của Thủ đô.

Nói về những tiềm năng còn bỏ ngỏ, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: “Ẩm thực Hà Nội đã tạo được ấn tượng từ nhiều năm nay nhưng việc khai thác thương hiệu vẫn chưa xứng với tiềm năng. Sự kiện âm nhạc quốc tế gió mùa (monsoon) cũng vậy, có nhiều dấu ấn sáng tạo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, giúp quảng bá hình ảnh của cả Việt Nam và Hà Nội song đến giờ vẫn phụ thuộc vào nhiệt huyết của nhà tổ chức. Điều đó có nghĩa, nếu họ hết đam mê, sự kiện này cũng sẽ đi vào bế tắc”...

Từ những phân tích trên có thể thấy, vấn đề nằm ở chiến lược thu hút nhân tài cũng như những chương trình đầu tư trọng điểm, có chiều sâu, ông Lê Quốc Vinh nhận định.

Giải pháp cho các ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội

Xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô Hà Nội, thành phố đã xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các lĩnh vực được đầu tư phát triển bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa... trong đó các ngành có sẵn tiềm năng, lợi thế như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thời trang, du lịch văn hóa… sẽ được tập trung, ưu tiên phát triển.

Với mục tiêu thúc đẩy các ngành nghề này trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ về cả chất và lượng, góp phần tăng trưởng kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ tiêu dùng của người dân, Hà Nội phấn đấu mỗi năm dàn dựng và biểu diễn 15-20 vở diễn nghệ thuật truyền thống mới; 3,5-4 nghìn buổi biểu diễn đối với nghệ thuật chuyên nghiệp, phấn đấu cán mốc 5 triệu USD vào năm 2020. Ngành Du lịch văn hóa chiếm từ 10 đến 15% trong tổng số doanh thu từ khách du lịch. Ngành Điện ảnh mỗi năm sản xuất từ 3 đến 5 phim truyện nhựa, 4-6 phim tài liệu, khoa học, hoạt hình; đầu tư nâng cấp hiện đại hóa các rạp chiếu… đồng thời định hướng và từng bước phát triển các ngành: Kiến trúc, thiết kế, xuất bản, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. Giai đoạn từ năm 2020-2030, Hà Nội tiếp tục phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; xây dựng thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có uy tín trong nước và quốc tế, đưa doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng nhanh, tiếp tục tạo thêm việc làm cho xã hội, nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa cho người dân Thủ đô...

Để đạt được điều đó, thành phố xác định cần tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính; ban hành các chính sách ưu đãi, từng bước cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm dịch vụ văn hóa; tập trung đầu tư, phát triển các công trình văn hóa có tác động hiệu quả đến phát triển kinh tế, đặc biệt với ngành Văn hóa du lịch. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; thu hút và hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện ngoại giao; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Hà Nội ở nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức tiềm năng ngành công nghiệp văn hóa