Cần cách làm mới, hướng đi mới

Minh Ngọc| 26/03/2017 08:01

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thông qua việc phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng được các cơ quan chức năng trên địa bàn TP Hà Nội bền bỉ triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực.

(HNM) - Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thông qua việc phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng được các cơ quan chức năng trên địa bàn TP Hà Nội bền bỉ triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực. Trước nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa ngày càng cao của nhân dân, cách thức xây dựng, phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng cần cách làm mới, hướng đi mới.

Xây dựng lực lượng hạt nhân

Vốn am hiểu nghệ thuật, sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Thế Lộc, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn (Đông Anh) tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) Tuồng Xuân Nộn và trở thành một trong những hạt nhân của phong trào khôi phục, giữ gìn nghệ thuật truyền thống ở địa phương. Hằng ngày, ông cùng các hội viên CLB Tuồng Xuân Nộn vừa tập luyện những vở tuồng cổ, sáng tác những vở tuồng mới, vừa trăn trở tìm hướng hoạt động, phát triển cho CLB.

Ông Nguyễn Thế Lộc cho biết, từ nền tảng sẵn có của tuồng, CLB nghệ thuật truyền thống xã Xuân Nộn sẽ được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 4 tới. Việc tập hợp các thành viên có năng khiếu, tình yêu nghệ thuật ở nhiều loại hình khác nhau vào sinh hoạt trong một CLB sẽ đưa phong trào nghệ thuật quần chúng phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Cũng như xã Xuân Nộn, nghệ thuật hát chèo ở xã Vạn Thắng (Ba Vì), tuồng ở thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang, hát Dô xã Liệp Tuyết (Quốc Oai)… đều được hồi sinh, phát triển nhờ những người yêu nghệ thuật truyền thống. Những ví dụ cụ thể trên cho thấy, phong trào nghệ thuật quần chúng khó có thể phát triển nếu thiếu lực lượng hạt nhân tâm huyết.

Để xây dựng lực lượng hạt nhân, trung bình mỗi năm, Trung tâm Văn hóa thành phố (Sở VH-TT Hà Nội) mở từ 10 đến 15 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác phong trào ở cơ sở. Bên cạnh đó, Trung tâm duy trì tổ chức đều đặn liên hoan đồng ca hợp xướng, liên hoan sân khấu không chuyên, liên hoan kịch ngắn kịch vui, liên hoan múa rối nước, ca trù…, tạo điều kiện cho các địa phương, các CLB có điều kiện giao lưu, học hỏi.

Ông Dương Minh Châu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố cho biết, song song với việc tìm kiếm, bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ tại chỗ, ngành Văn hóa và các địa phương có thể đưa sinh viên được đào tạo từ các trường nghệ thuật chuyên nghiệp về cơ sở. “Lực lượng sinh viên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp có nhu cầu, nguyện vọng về cơ sở công tác khá nhiều. Nếu có cơ chế, chính sách phù hợp thì ắt cung - cầu sẽ gặp nhau”, ông Dương Minh Châu nói.

“Thổi hồn” vào nhà văn hóa

Không chỉ thiếu hạt nhân tâm huyết, nhiều CLB nghệ thuật quần chúng vẫn sinh hoạt trong điều kiện thiếu cơ sở vật chất. Các CLB thường chủ động khắc phục khó khăn kinh phí, trang thiết bị hoạt động bằng cách huy động nguồn lực xã hội hóa. Trong khi đó, nhà văn hóa (NVH) thôn, tổ dân phố “phủ sóng” gần kín ở các địa phương lại thường xuyên cửa đóng then cài, rất lãng phí. Nguyên nhân là vì đa số NVH xây dựng từ nhiều năm trước, diện tích nhỏ, trang thiết bị sơ sài, lạc hậu, không đủ điều kiện tối thiểu cho các CLB văn hóa, thể thao sinh hoạt thường xuyên.

Nhằm từng bước giải quyết những mâu thuẫn nói trên, huyện Đan Phượng đã nâng cấp cơ sở vật chất, bố trí người quản lý, trông coi thường xuyên nhằm khai thác tối đa công năng của các công trình văn hóa. Bên cạnh đó, nội dung sinh hoạt của các CLB văn hóa, thể thao được huyện Đan Phượng coi là hoạt động chính của NVH. Theo bà Bùi Thị Mai Phương, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa huyện Đan Phượng, nhu cầu sinh hoạt, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân rất lớn. Khi được khơi dậy đúng hướng, phong trào văn hóa, nghệ thuật sẽ phát triển sôi nổi, rộng khắp.

Việc đưa các CLB nghệ thuật truyền thống vào sinh hoạt tại NVH cũng đã mang đến cho NVH thôn Đoài, xã Nam Hồng (Đông Anh) luồng “sinh khí” mới. Gần một năm trở lại đây, NVH thôn Đoài nhộn nhịp từ sáng sớm đến đêm khuya. Ban ngày, người dân trong thôn đến NVH để hội họp, sinh hoạt đoàn thể, học các nghề thủ công; buổi tối đến giao lưu văn nghệ. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống ở Nam Hồng nhờ đó đã được khôi phục, phát triển.

Tại buổi làm việc với Sở VH-TT Hà Nội gần đây, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhận định, phong trào văn hóa, thể thao quần chúng khu vực ngoại thành Hà Nội đang phát triển rất mạnh. Đó là tín hiệu đáng mừng. Bởi thế, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến các tiêu chí văn hóa; nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, tạo môi trường văn hóa lành mạnh để xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện.

Đưa hoạt động của các CLB văn hóa, nghệ thuật quần chúng trở thành nội dung hoạt động chính của NVH đã và đang mang lại lợi ích kép. Do đó, đã đến lúc việc gây dựng, phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở cần những cách làm mới, hướng đi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cách làm mới, hướng đi mới