Lan tỏa tình yêu Hà Nội

Nguyễn Quang Hưng| 29/01/2017 15:55

(HNM) - Từ sáng tạo cá nhân có thể khơi nguồn cảm hứng cho bạn bè, đồng nghiệp và những người khác.

(HNM) - Từ sáng tạo cá nhân có thể khơi nguồn cảm hứng cho bạn bè, đồng nghiệp và những người khác. Những cộng hưởng của nghệ thuật và tâm huyết trong một nhóm người có thể giúp lan tỏa vẻ đẹp văn hóa đến cộng đồng. Nhiều năm nay, nhóm "Nhân sĩ Hà Đông" đã âm thầm đóng góp, cống hiến cho đời sống văn hóa - nghệ thuật Hà Nội bằng những hoạt động như thế.

"Những năm 70, khi ca trù còn bị kỳ thị thì bố tôi vẽ một bức tranh về ca trù, với hình ảnh người ca nương và kép đàn. Tất nhiên, bố tôi vẽ giấu, cũng mãi sau này ông mới treo bức tranh đó lên được", họa sĩ - NSƯT rối nước Chu Lượng kể một câu chuyện về bố mình. Ông cụ thân sinh của Chu Lượng chính là họa sĩ Chu Mạnh Chấn, nay đang ở tuổi 84 vẫn ngày ngày miệt mài trong một căn phòng ở Hà Đông với bức sơn mài toàn cảnh hội chùa Thầy. Bức tranh ấy lớn bằng cả bức tường!

Đó cũng là một câu chuyện trong bao câu chuyện khác các thành viên nhóm "Nhân sĩ Hà Đông" vẫn thường kể vào những buổi tối gặp nhau ở quán cà phê. Bây giờ những tối cà phê chuyển nhiều hơn sang phòng khách của gia đình nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Mọi người ngồi quanh chiếc bàn gỗ rộng dài cả chục mét. Căn phòng có giá sách, lò sưởi và những giá nến, những ngọn đèn nhỏ chia phòng thành vài vùng sáng dịu xen lẫn những khoảng trầm tối. Dưới ánh đèn rọi, gần đây mọi người thường ngắm những bức tranh. Có thể là bức sơn dầu mới của họa sĩ người Tày Hoàng A Sáng với những cô gái ngực trần. Bức chân dung một người bạn của nghệ sĩ Chu Lượng, đồng thời cũng là bạn của cả nhóm, như họa sĩ Thành Chương hay họa sĩ Lê Thiết Cương... Hay bức acrilic trên giấy dó của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ một cái cây vươn cành khắp không gian trong vùng sáng mê hoặc, những đứa trẻ bước đến như đang trong giấc ngủ. Và mới nhất, một bức tranh của nhà thơ, tác giả, đạo diễn chèo Lương Tử Đức với con gà trống được nhìn thẳng mặt, lông cánh sặc sỡ choán hết cả mặt tranh.

Bên những bức tranh ngày càng nhiều lên, câu chuyện nối với tiếng sáo Mèo của Chu Lượng, sáo trúc của Lương Tử Đức những lúc cao hứng, nối sang những quyển sách đã xuất bản từ lâu hay vừa in xong của Nguyễn Quang Thiều. Tập ghi chép - chân dung Trong căn phòng một người bại liệt, cuốn sách thứ mấy chục của ông, ấn phẩm thứ mấy trong năm 2016, đang chuẩn bị ra mắt. Thực ra ông không định thế vì cũng mới vừa ra mắt một cuốn rồi, nhưng "phải chiều nhà sách thôi, họ còn phải quảng bá để phát hành chứ!". Vậy là mỗi người lại góp ý kiến, bàn bạc, sửa soạn cho ngày quan trọng đó cứ như chính nhà mình có việc. Thực sự dù là một việc không "nghiêm trọng", nhưng đã bàn bạc nghiêm túc, đã đặt tâm huyết vào, cả nhóm Hà Đông đã cùng đứng ra thực hiện thì nó thành… quan trọng!

Những công việc chung của nhóm "Nhân sĩ Hà Đông" cứ kéo theo nhau như thế. Trước cuốn Trong căn phòng một người bại liệt, nhóm góp sức vào triển lãm đầu tay của họa sĩ, nhà văn, nhà báo Hoàng A Sáng ở 29 Hàng Bài. Triển lãm "Miền A Sáng" gây tiếng vang và thành công đặc biệt về khoản… bán tranh. Trước đó, cuốn Trong ngôi nhà của mẹ cũng được ra mắt, đó là một cuốn sách đặc biệt do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chấp bút, kể lại những hồi ức của một thành viên trong nhóm về cuộc đời người mẹ đau khổ của mình. Dự kiến chỉ để lưu giữ trong gia đình, nhưng qua "mắt xanh" của biên tập viên nhà xuất bản, sách đã được in, phát hành rộng và làm rơi nước mắt rất nhiều người đọc nó. Trước nữa, nhóm cùng xúm vào tổ chức triển lãm của họa sĩ Chu Lượng tại 45 Tràng Tiền, từ dẫn chương trình, phát biểu khai mạc đến lo hậu cần. Gồm toàn chân dung mấy chục văn nghệ sĩ nổi tiếng, triển lãm của Chu Lượng diễn ra đông đảo và ân tình. Khép lại triển lãm thì phòng tranh cũng không còn gì, bởi tác giả đã tặng tranh cho các nhân vật - những người bạn của mình. Nhiều người nhớ mãi cảnh các văn nghệ sĩ mỗi người ôm… khuôn mặt của mình hoan hỉ ra về. Đó thật là một cuộc chơi hào phóng và chân tình của Chu Lượng, cũng là của nhóm Hà Đông với tấm lòng cảm mến những con người tài hoa.

Hơn chục năm nay, các văn nghệ sĩ Nguyễn Quang Thiều, Lương Tử Đức, Chu Lượng, Nguyễn Quyến, Hoàng A Sáng, doanh nhân Đỗ Văn Hiểu, Lê Phương Trung… cứ cùng hăm hở như thế, sôi nổi, tận tình, thường nghĩ đến việc gì đó để cùng nhau làm, làm chung và làm riêng. Và làm riêng thì cũng thành việc chung. Họ thúc giục nhau sáng tạo và cùng chờ đợi thành quả mới để cùng vui.

Mới tối gần đây thôi, câu chuyện lại rẽ về ngày hôm qua khi ai đó chợt nhẩm, mới thế mà đã gần 10 năm rồi đấy, chuyến đi Mỹ trong chương trình hợp tác giao lưu văn hóa với Trung tâm William Joniner của giáo sư đồng thời là nhà thơ Kevin Bowen cùng các cộng sự - những cầu nối quan trọng của văn hóa, văn học hai nước Việt - Mỹ. "Gánh rối" của Chu Lượng được đưa sang, và các trò rối nước truyền thống được chính Nguyễn Quang Thiều, Lương Tử Đức, Chu Lượng… điều khiển, thổi sáo và đánh trống, thể hiện trong bể nước mi ni của Chu Lượng trước các nhà văn, trước sinh viên và học sinh mẫu giáo ở Mỹ, gây hứng thú và phấn khích kỳ lạ!

Chuẩn bị đón xuân Đinh Dậu, nhóm "Nhân sĩ Hà Đông" lại bàn nhau việc tham gia một triển lãm tranh vẽ gà với một số họa sĩ ở Hà Nội. Rồi dự kiến cho ra đời một địa chỉ nghệ thuật nơi lưu giữ nhiều tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi. Rồi lại sẽ có ý định khác nữa, cho một cuộc tọa đàm về sắc phong Việt Nam mà nhóm mong muốn đứng ra tổ chức. (Xin nói thêm là thời gian gần đây, với sự tư vấn của tiến sĩ Hán Nôm Trương Đức Quả, một số thành viên của nhóm đã lặn lội dò hỏi, đi tìm kiếm qua nhiều làng quê để dâng trả mấy đạo sắc phong sưu tầm được về cho những ngôi đình bị thất lạc những đạo sắc phong đó. Và công việc ấy sẽ còn tiếp tục, với mong muốn kêu gọi lan tỏa nghĩa cử đến nhiều người trong xã hội. Đã có nhà sưu tập hưởng ứng, mang đến tặng nhóm một số sắc phong...). Rồi ý tưởng cho ra đời một chuyên mục mới trên báo, hoặc dự định cho một cuốn sách mới…

Biết bao ý tưởng, dự định sáng tạo văn hóa - nghệ thuật đã, đang và sẽ được hiện thực hóa bởi tâm huyết cống hiến của nhóm "Nhân sĩ Hà Đông". Không chỉ có thế, cái tinh thần ấy còn thấm, còn gợi mở và lan tỏa tình yêu văn hóa nghệ thuật, tình yêu Hà Nội sang nhiều người khác nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa tình yêu Hà Nội