Tô Hoài: Thăm thẳm những trang viết còn ở lại

Tùng Thi| 29/01/2017 15:51

Tô Hoài, chỉ nhắc đến tên thôi là đã thấy bao nhiêu là sống động, trong cả lịch sử nền văn học cách mạng nước nhà, trong vô cùng những thân phận của tiểu thuyết, hồi ký, truyện ngắn…

(HNM) - Tô Hoài, chỉ nhắc đến tên thôi là đã thấy bao nhiêu là sống động, trong cả lịch sử nền văn học cách mạng nước nhà, trong vô cùng những thân phận của tiểu thuyết, hồi ký, truyện ngắn… gắn liền với tên tuổi của ông và trong mênh mông là ký ức của những người đã duyên nợ với nhà văn của Hà Nội.

Tô Hoài tưởng đã trở nên quen thuộc lắm lắm! Nhưng không, với tư cách một thân phận con người, một người viết bền bỉ kỳ lạ, Tô Hoài mãi mãi còn những điều đáng để ta phải suy ngẫm, như hàng nghìn, hàng nghìn trang viết với nét chữ nhỏ li ti chảy tràn hơi thở đời sống, còn được lưu giữ ở ngôi nhà có cánh cửa xanh - 21 phố Đoàn Nhữ Hài.


Dịp áp Tết quãng năm 2008, người viết nhớ mãi khi dư luận đang ồn ào về một cuốn hồi ký với nhiều thông tin không chính thức về các nhà văn, nhấc máy hỏi cụ Tô Hoài về thông tin này cũng như những chuyện liên quan đến nhà văn, chỉ thấy ông cụ thong thả, đại ý “Tôi cũng có nghe chuyện này, nhưng quả tôi cũng không để tâm lắm anh ạ. Tôi đang bận viết báo Tết!”. Và thế là cụ từ chối, vui vẻ nhưng cũng rất rõ ràng, cái thái độ điềm tĩnh của người không chỉ đã trải đời mà quan trọng là luôn chọn cách nhìn sâu vào đời sống…

Tô Hoài đã mất hơn hai năm, nhưng trong cái nhìn phong phú của các nhà nghiên cứu, bạn văn, người yêu văn học về ông sẽ vẫn luôn có điểm chung được nhắc tới. Ấy là nhà văn của Hà Nội với chất Kẻ Chợ đậm đà đã đi suốt đời văn, đời người của ông. Trong đó, cái tinh tế, sự thông thái dí dỏm kiểu Tô Hoài, dù thể hiện trong tác phẩm hay trong đời thực thì cũng chan chứa mạch ngầm với đời sống.

Đó cũng chính là những điều khiến cho ông còn mãi hấp dẫn, đồng thời lý giải cho bút lực mạnh mẽ của ông già nhà văn đã đi xuyên thế kỷ. Một nhà phê bình văn học từng nói “Tô Hoài là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại sống bằng văn, sống viết văn, với đủ các thể loại, trải nhiều đề tài. Ông viết đều đặn, bền bỉ, viết như một lẽ sống, không phải kiểu nhà văn tài tử chỉ viết theo cảm hứng”.

Quả thật, sau rất nhiều tiếng vang của tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, kịch bản điện ảnh, truyện thiếu nhi… với những Dế mèn phiêu lưu ký, Xóm giếng, Nhà nghèo, Truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ, Chiều chiều, Cát bụi chân ai… trải suốt từ những năm 40 của thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, quãng đầu năm 2000, Tô Hoài một lần nữa lại thả chút thong thả, thâm trầm của ý tứ cùng giọng văn trữ tình, sâu sắc của mình vào làng văn với tiểu thuyết Ba người khác… Sau đó, Tô Hoài công bố Chuyện ngày xưa 100 cổ tích (truyện cổ tích được kể lại qua giọng văn Tô Hoài) cho thiếu nhi mà đến nay vẫn được tái bản, được phụ huynh tìm mua. Một năm ngày mất của ông, Công ty Sách Phương Nam đã cho ra mắt 18 tựa sách gồm cả tái bản và tác phẩm lần đầu được công bố của Tô Hoài với 4 tiểu thuyết, 3 truyện ngắn và 2 bút ký. Tháng 7-2016, nhân hai năm ngày mất của ông, tiếp tục có 3 tác phẩm của nhà văn được tái bản gồm Sổ tay viết văn, Cỏ dại, Những gương mặt.

Năm mới này, bên những ngày Tết đến, xuân về, hẳn bạn đọc yêu văn chương cũng mong trở lại với Tô Hoài qua hàng nghìn trang bản thảo với những con chữ nhỏ li ti tại ngôi nhà 21 Đoàn Nhữ Hài, trong đó có nhiều trang viết chưa từng được công bố. Nhà báo Phương Vũ, con trai nhà văn ngồi bên chiếc bàn bộn bề sổ sách, bản thảo của nhà văn… cùng một chiếc kính lúp lớn. Lâu nay anh làm công việc mà hầu như gia đình nhà văn nào cũng thừa nhận “đầy thách thức”, ấy là tìm kiếm, khớp nối, đánh máy lại những trang bản thảo của cha mình, vừa để lưu giữ, vừa có thể công bố dần. Anh bảo, vì tiết kiệm, cụ hay viết chữ nhỏ li ti, chưa kể từ lúc cụ còn sống, mối đã ăn mất một nửa số bản thảo… Giờ cái còn, cái mất, cái ố vàng, suốt 5 tháng nay, anh đêm hôm thức cùng trang viết của cha mình, “dịch” được chừng hơn 1.500 trang đánh máy các bài viết, tác phẩm của ông cụ. Ngắm nhìn những cuốn sổ nhiều kích cỡ, những chồng bản thảo ngả màu thời gian dễ thấy, Tô Hoài dường như đã viết mọi lúc, mọi nơi, cả trên đường đi, không chỉ trong sổ mà còn trên cả tờ lịch, trên cả trang giấy học trò… Mà ông viết là để cho ông đọc, nên có chỗ đủ giấy thì thong thả rõ ràng, chỗ thiếu thì chữ mau lại, nhỏ li ti, soi kính lúp hết hơi và phải thuộc nét bút ông lắm thì mới luận ra được.

Lại nhớ câu ông từng chia sẻ với các nhà văn “cứ ngồi vào bàn là con chữ cứ tự nhiên bò ra”. Tất nhiên, để được như thế, Tô Hoài đã đi nhiều, đã sống trọn vẹn với từng nỗi buồn, vui của đời sống. Tô Hoài cũng có một quan niệm về đi thực tế, cho đến nay vẫn là câu chuyện thời sự của đời sống văn học nước nhà. Tức là thực tế trong cuộc sống hàng ngày, trong ngay từng khoảnh khắc ta đang sống, chứ không phải chỉ là một chuyến đi như nghỉ dưỡng trong đôi ba tuần, một tháng… để hoàn thiện một tác phẩm. “Sống và khả năng ghi nhận sự sống là hai việc khác nhau”, đó là điều ông cũng từng chia sẻ về nghề viết.

Nhà văn bây giờ viết bằng bàn phím, xuất bản bằng internet, ngẫm mà thương ông già viết văn đã đi qua thăng trầm lịch sử và đời sống văn học nước nhà, nhưng cũng lại thấy ông có may mắn khi bản thân lịch sử, bản thân biến động của đất nước, của Hà Nội đã trao tặng cho ông những chất liệu và trải nghiệm vô cùng quý giá.

Một phần những trải nghiệm ấy đã đi vào lượng tác phẩm đồ sộ từng được công bố, chuyển ngữ, nhưng phần khác cũng còn đây, trong gần 100 cuốn sổ tay của ông đang còn được lưu giữ tại gia đình cùng nhiều tài liệu khác. Nhà báo Phương Vũ chia sẻ, tới đây anh sẽ cùng các đơn vị xuất bản công bố một số tác phẩm của nhà văn Tô Hoài trên cơ sở các bản thảo còn lưu giữ được. Đó là phần 3 của Truyện cũ Hà Nội (khoảng 400 trang), tạp văn (200 trang), bút ký (200 trang), lý luận phê bình (200 trang) và một tập truyện thiếu nhi chừng 300 trang. Trong đó phần 3 của Truyện cũ Hà Nội gần như là một tập phê bình với nhiều trang viết về Hà Nội xưa mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong đó có chia sẻ của ông về chuyện phố cổ Hà Nội, chuyện ăn mặc, đám cưới, tế lễ…

Nhưng, có lẽ không chỉ với Tô Hoài, nhiều nhà văn khác cũng vậy, chính là những trang nhật ký mới là nơi cất giữ nhiều nỗi niềm, nhiều thông điệp giúp ta hiểu rõ hơn về nhà văn, về tác phẩm, về đời sống khi ấy. Tô Hoài cũng có những trang nhật ký để lại khiến con trai ông phải đốt thuốc hằng đêm để thức cùng những nỗi niềm của ông, để hiểu hơn về hồn cốt câu chữ trên trang bản thảo vốn không chỉ được soi tỏ bằng kính lúp mà còn phải bằng sự thấu hiểu thật sự. Nhà báo Phương Vũ nói “Đọc nhật ký của cụ, thấy rất buồn, trong đó cũng có những “giá như nó thế này, giá như nó thế kia…”.

Thấy rõ, dường như Tô Hoài viết gì cũng vậy, cũng thong thả, tinh tế mà ăm ắp chất thơ. Cái chất thơ trong văn xuôi của Tô Hoài mà Vũ Quần Phương gọi là chất văn trữ tình ấy, nó là một phong cách nhưng phải chăng cũng là một gửi gắm của Tô Hoài về văn chương? Tức phải là một cái gì đó nhẹ nhàng mà thấm thía, cho dù nói về điều gì thì sau cuối nó vẫn phải vỗ về lòng người, vỗ về sự nhân ái, tình yêu thương nơi nhau.

Tô Hoài và những trang nhật ký, bản thảo, ghi chép… còn lại hẳn vẫn thăm thẳm những nỗi niềm, những cuốn hút của hơi thở đời sống, không phải chỉ hôm qua đâu mà còn vọng cả tới hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tô Hoài: Thăm thẳm những trang viết còn ở lại