Tinh hoa Hà Nội

Tô Hoài| 29/01/2017 15:12

LTS: Có người đã nói Tô Hoài không chỉ là một "cây đại thụ" của nền văn học Việt Nam mà còn là một nhà Hà Nội học...

LTS: Có người đã nói Tô Hoài không chỉ là một "cây đại thụ" của nền văn học Việt Nam mà còn là một nhà Hà Nội học, bởi ông không những là người Hà Nội gốc, sinh ra lớn lên ở Hà Nội mà còn rất yêu Hà Nội, gắn bó trọn đời với Hà Nội, vì thế mà am hiểu và viết về Hà Nội một cách sâu sắc, khó ai có thể sánh bằng. Trong số báo đặc biệt Xuân Đinh Dậu này, Hànộimới trân trọng giới thiệu một số trang viết, ghi chép lúc sinh thời của nhà văn Tô Hoài về chủ đề Hà Nội.

Trong những cuộc thảo luận, tranh luận quanh vấn đề nếp sống mới ở Hà Nội, đôi khi thường nghe nói, nghe hỏi: Mình đâu phải gốc gác ở thành phố này; thử xem thế nào, nên phân biệt những cái tiêu cực này đâu từ Hà Nội, đâu là người ta tha đến. Thế là mặc nhiên có người cho rằng phải là quê gốc ở đây mới phải chịu và phải gánh mọi trách nhiệm về những cái hay cái dở nọ của Hà Nội.

Phân tích và nhận xét phiến diện như trên không đúng với thực tế và đặc điểm hình thành dân cư và con người ở vùng đất trung tâm từ thời dựng nước. Nói gốc gác Hà Nội, phải nhìn theo tầm bao quát nghìn năm Cổ Loa, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Ở nguyên một vùng trời đất ấy, đã tụ hội bốn phương lại, sự kiện lịch sử cũng như truyền thống này đã được ghi: Chốn ấy là “chỗ bốn phương hội tụ” trong Chiếu dời đô năm 1010 của Lý Công Uẩn, Thủ đô nước nào cũng vậy, không có nguồn gốc định cư đồng loạt như mọi địa phương.


Từ xa xưa, theo bước chân chuyển biến của tình hình mỗi thời kỳ lại có những lớp người khác nhau từ các nơi đến Hà Nội. Trong các triều đại phong kiến, người làm nghề thủ công lên kinh thành do người ta tự đi rồi đất lành chim đậu lập nên phường phố, hoặc do vua quan bắt về hành nghề phục dịch nơi đế đô. Bây giờ vẫn có thể nhận ra dấu vết bộ mặt tứ xứ ấy ở tên đất, ở nghề nghiệp, ở dòng họ, ở giọng nói…

Ở ngoại thành, các làng cạnh nhau mà làm nhiều nghề khác nhau, giọng nói thật khác nhau từng thôn, từng làng, như ở Bưởi, từ Sài, Bái lên Đông, Hồ xuống Nghĩa Đô giọng nói khác nhau và người nhiều vùng ở Đan Phượng, Thạch Thất, giọng nói còn lạ nữa. Có phải vùng này ngày xưa tù binh Chàm ở rồi dần dần Việt hóa (Sử sách ghi: Họ Công ở Phú Gia, Phú Xá vốn là người Chàm được vua cho đổi họ)? Có phải vì nhà quan lại với họ hàng, với gia nhân, lính hầu ngày ấy đến kinh đô rồi ở lại, không trở về nguyên quán, như các họ chi họ Phan Huy, Nguyễn Huy, Hà Tôn… và rất nhiều nữa, gia phả còn ghi nguyên quán?

Từ Cách mạng Tháng Tám 1945, Hà Nội lại trải đổi nhiều phen về hộ khẩu, về người đến. Chỉ kể những đợt điển hình. Cán bộ quê khắp nơi về Thủ đô công tác và định cư trước đấy, khi Pháp trở lại tạm chiếm Hà Nội, cũng có một xáo trộn đáng kể: Người vùng du kích, vùng trắng, vùng tranh chấp chạy vào ở nội thành. Từ 1954, người ở Tân Đảo, Thái Lan về, đồng bào và cán bộ miền Nam tập kết ra nhập cư Hà Nội. Thành phố luôn luôn được bổ sung. Kết quả sự pha trộn ấy hình thành tính cách người và cả giọng nói, tiếng nói. Tiếng Hà Nội có giọng rành rõ, tiếng Thủ đô không giống tiếng bất cứ vùng nào. Những năm gần đây, đến ở Hà Nội khá đông người quê Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh, nhưng các lứa tuổi trong các gia đình ấy, giọng nói khác dân quê gốc rồi hòa vào giọng Hà Nội.

Do tính cách trên, có thể đề ra một định nghĩa: Người Hà Nội là những người đương ở Hà Nội, mỗi chúng ta đương sinh sống ở Hà Nội, bất kể đã mấy đời hay mới mấy tháng, đều là một nhân tố và sức mạnh tạo nên đời sống thành phố với tự hào và trách nhiệm đầy đủ.

Từ cơ sở quan niệm này, có thể nhận ra đặc điểm Hà Nội, là sự pha trộn mọi tính cách tạo nên một tính cách, là cuộc đấu tranh hình thành và phát triển, khẳng định Hà Nội. Cũng như vậy, công cuộc xây dựng con người mới ở Hà Nội thông qua sự vật lộn thắng bại từ tư tưởng, hành động tới cách cư xử mỗi việc, mỗi suy nghĩ và mỗi lời nói.

Hãy xem xét cuộc vun đắp từng mặt từng hoạt động trong xây dựng nếp sống mới ngoài xã hội, trong gia đình của thành phố.

Việc tang ma có tính xã hội tỏ rõ tình cảm và nhân nghĩa hiếu thảo của con người văn minh. Chúng ta giữ gìn và phát huy tinh thần ấy bằng phong tục mới. Các hội Thọ, hội Bảo thọ, hội Lão, hội Vui tuổi già… của nhiều tỉnh và của các xã, phường ở Hà Nội, đây là những nhân tố mới xây dựng phong tục mới.

Về nếp sống mới trong việc cưới cũng thế. Thảo luận và thậm chí lên án nữa, nhưng nếu không tổ chức thực hiện quy ước mới thì cũng chỉ là nói để đấy, một khi xã hội công nhận tính xã hội, tính pháp lý trong tổ chức kết hôn. Việc cưới xin được chỉnh đốn tổ chức thích hợp sẽ thực sự phát huy phong tục theo hướng mới. Hà Nội đương xây dựng lại nền nếp về lễ cưới mà các đoàn thể và chính quyền phải có trách nhiệm kỹ lưỡng từ tờ giấy đăng ký đẹp, tổ chức lễ ký trang trọng, làm sao cho vừa thân mật và thiêng liêng, có được kỷ niệm sâu xa của đôi lứa đối với xã hội và với bản thân.

Mê tín dị đoan đương lây lan vào các ngóc ngách tâm lý phức tạp, nào kiêng ngày lẻ, ra đường đón ngõ, nào gieo quẻ xin âm dương. Chẳng phải chỉ có lễ thánh của dân phe dân phò cầu phát tài, mà còn cả thanh niên cũng đi “lạy thánh mớ bái” cho thi đỗ, cầu xin được việc làm, cầu Phật phù hộ khỏi phải đi đâu xa “đất thánh” Hà Nội. Đặc biệt là trong kinh tế đương qua bước gay go, chợ đen và buôn bán trao tay lén lút làm nảy nở đời sống thị dân kiểu cũ. Người buôn bán hàng ngày hồi hộp hóng tiền và lo hàng ế, lo trốn thuế, tính chuyện ăn gian nói dối, tâm địa cực đồi bại. Ở những người làm giàu bất chính phát ra ảnh hưởng xấu và hủ tục mê tín dị đoan được cơ hội ngóc dậy. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong kinh tế hoàn toàn không tách rời cuộc chạm trán liên tục, lâu dài, quyết liệt về mặt tư tưởng, không thể chỉ là công việc của một tổ chức chuyên trách, mà phải là một hoạt động đồng bộ của toàn dân và trên tất cả các lĩnh vực sinh hoạt và đời sống.

Cuộc đấu tranh chống tiêu cực về kinh tế cũng đồng thời là cuộc đấu tranh về nhận thức, về xây dựng tư tưởng. Trước tình hình hiện nay còn nhiều khó khăn, trước nhất những khó khăn về kinh tế, nhưng một khi cuộc đấu tranh vượt được qua mọi thử thách, sẽ quét sạch được tận gốc mọi thói tục thị dân cũ, kể đến cả những cái cụ thể như tính lừa lọc gian dối, thói mê tín đồng bóng…

Nói đến nếp sống và trật tự nơi công cộng, có người cho rằng, thời trước thành phố sạch và ngăn nắp hơn bây giờ. Nhận xét đó đúng nhưng phải phân tích căn nguyên: Xã hội thời ấy đã an bài một bề như thế rồi và để giữ được cái thái bình đó, bọn thống trị ngày đêm lùng sục và tuần phòng, mặc sức đánh người, phạt tiền, phạt giam, làm cho phố xá khiếp đảm xanh mắt lại. Nguyên nhân này cũng quan trọng lắm. Thời ấy, người Pháp quy định nội thành cho một khu dân cư 20 vạn người, nhưng thực cũng chưa bao giờ Hà Nội được trên 15 vạn người. Ấy là không tính đến những người nghèo chui rúc nhà tranh vách đất dưới bãi sông Hồng và ven sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu ngập ngụa cứt đái và muỗi. Những ung nhọt ấy, tòa đốc lý Tây coi là “ngoài pháp luật”. Thật mỉa mai, trong khi trên phố phạt đái đường, phạt phơi quần áo và trước cửa rác rưởi, nhưng ở bãi Nghĩa Dũng, bãi Phúc Xá phải xách nước sông về ăn và tắm rửa, đi vệ sinh cũng tương xuống sông! Cả thành phố không có một hố đái, một nhà vệ sinh công cộng. Nói về ngày trước nên thấy lại các quang cảnh xa lạ thế để so sánh mới là đầy đủ.

Thành phố ngày nay với các thị trấn vệ tinh bao quanh to rộng gấp bao nhiêu lần xưa kia, và khu vực Hà Nội cũ đã bị phình ra quá sức chứa của nó. Mỗi đợt, mỗi lần người các nơi về nhập cư Hà Nội, đem theo nhiều thói quen tản mạn và tự nhiên mà đời sống thành phố kiểu mới không chấp nhận được. Quét rác ra cửa coi như vun rác ra bờ tre. Không gõ cửa hay gõ như đấm cửa, gọi nhau ơi ới, chuyện bô bô giữa nơi làm việc như đứng ở ngoài đồng, ở đầu rừng. Ngồi nói chuyện, ngồi họp như ngồi một mình, cứ việc ngoáy mũi, nhổ râu, lấy ráy tai, gãi và ngửi tự nhiên. Rồi thì hắt nước, ném chuột chết ra đường, đi bộ, đi xe như một mình ở đường làng, đường đê, không hề ngó ngàng đến luật lệ giao thông. Chửi, nói tục đâu phải là sản phẩm của thành phố, nó là những câu cửa miệng của bọn đầu đường xó chợ, xã hội cũ. Bây giờ, lối ăn nói lưu manh ấy trước tiên vẫn nảy sinh từ những người chạy chợ buôn lậu, những người rực của đàn đúm phè phỡn rồi lan cả đến trẻ con, ngỡ đó là hay, là ngổ mà khuyết điểm do nhà trường, gia đình và xã hội kém ý thức tổ chức ngăn chặn. Những thói tục lạc lõng này luôn luôn hợp và được đất với lối sống phố phường cũ ích kỷ “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, với lối sống gấp kiểu chụp rựt của tình hình tiêu cực hiện nay. Xây dựng nếp sống nơi công cộng phải làm sao cho có thói quen mới thật tự giác mà cũng thật cụ thể của mỗi người, mỗi giới đó là trách nhiệm của chính quyền, của các đoàn thể, từ đấy tạo thành tác phong và tư tưởng của đạo sống mới.

Đấy là toàn bộ nội dung cuộc cách mạng về tư tưởng, khó khăn lâu dài, khi lên và khi xuống, dần dần khí thế cái mới vượt lên, cái cũ tàn lụi dần. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, những hoạt động xây dựng nếp sống và con người mới đã hình thành ở Hà Nội và cả nước. Bấy giờ, ban Đời Sống Mới - một tổ chức kết hợp chính quyền và các đoàn thể được thành lập ở trung ương và địa phương chịu trách nhiệm vận động “đời sống mới” với các mặt công tác tương tự mọi việc hiện nay: Xây dựng cái mới trong ma chay, cưới xin, nếp sống trong nhà, trong cơ quan, nhà máy, ngoài đường, bài trừ các hủ tục và chống mê tín dị đoan v.v... Từ đấy, trên mặt truyền thống và lịch sử xuất hiện phổ biến những đức tính sáng tạo và kiên cường của con người thời đại. Chiến thắng hoàn toàn các kẻ thù xâm lược, con người thời đại Hồ Chí Minh nối tiếp xuất hiện trải ngót nửa thế kỷ nay, đã đưa đất nước tới vinh quang mà cả nghìn năm lịch sử chưa bao giờ được như thế. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh con người mới của thời đại trên, tất cả mọi mặt lại là công việc không thể làm gắn liền với mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn của xã hội và cuộc cách mạng tư tưởng đã đương diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Đối với Thủ đô cũng không ngoài quy luật chung ấy, những đức tính con người ở Hà Nội được hun đúc nên trên đất Hà Nội do ảnh hưởng qua lại và kết tinh mỗi thời kỳ. Trên đường vượt qua những ngổn ngang, bề bộn, xuất hiện con người mới sống có lý tưởng, hoài bão cái mới, có ý thức học tập trau dồi tinh thông nghiệp vụ, có tinh thần kiên trì miệng nói tay làm, con người nhất mực nhân hậu, nhất mực thanh lịch và tài hoa.

Không lơ là coi nhẹ các mặt thiếu sót, mặt tiêu cực, phải đánh giá đúng và kiên quyết làm thay đổi tình hình hiện nay, nhưng cũng không bao giờ cho là cái tệ hại hoành hành bao trùm cả mà sự thực là những người tốt việc tốt, con người và đời sống tích cực, lành mạnh vẫn đương là chủ lực và số đông. Từ em bé học sinh lên đến các cụ già, mỗi người đương góp sức xây dựng đời sống tư tưởng thành phố, ra sức đấu tranh cho cái hay, cái mới. Những người đương ở Hà Nội, tất cả là người Hà Nội tự hào và trách nhiệm.

Tôi không cho là mọi mặt Hà Nội bây giờ xấu hơn trước. Trước là trước nào? Có người động nói là thở dài: Xưa kia không có như thế… như thế… Cũng có người cho rằng phong tục, nền nếp Hà Nội cũ đâu ra đấy, quy củ, trật tự, bây giờ toàn những người ở đâu đến làm lung tung, nông thôn hóa phố phường đi. Không phải sự hình thành con người ở thủ đô của mỗi đất nước, nhất là vùng đất phát tích này đã nghìn năm tồn tại đến bây giờ và còn phát triển nữa, thực sự khác hẳn quá trình hình thành một con người ở bất cứ địa phương nào, bởi mọi mặt cuộc sống Hà Nội từ xưa tới nay bao giờ cũng do cả nước đem tới, từ các vấn đề tư tưởng và hình thức, từ tâm tình cho đến lời ăn tiếng nói, chỉ có điều là khi tới đây thì Hà Nội hóa, Thủ đô hóa đi, tất cả tinh thần Hà Nội kết tinh trên cơ sở sự trộn lẫn tứ xứ ấy. Thế nhưng bộ mặt Hà Nội, sự hiện diện của nếp sống, con người Hà Nội của thời đại mới nhất, đẹp nhất vẫn chưa thật sự rõ rệt. “Giàu có nhà quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ”, câu tục ngữ cũ bây giờ vẫn đắt giá. Vô số người ở lê la ngày đêm đầu đường xó chợ, các cơ quan công an vẫn thường đem về trả tận nguyên quán, thế mà rồi ở đâu lại cứ kéo đến nằm ngồi thổi nấu, cơm rượu, giặt giũ quanh các bờ hồ, các phố khuất. Thật khó hết sức, khó làm sao mà làm cho một người bán phở, bán bách hóa hiểu rằng bán phở, bán bách hóa là một công việc ích nước lợi nhà.

Rõ ràng là con người mới chưa hoàn chỉnh, chưa đủ hấp dẫn, chưa phổ biến được sức mạnh con người mới trong mọi công tác, chưa đề cao và phát động phong trào con người mới rất mới mà lại bình thường, không phi thường.

Vấn đề chiến lược con người trong công tác đấu tranh xây dựng, sự tác động của xã hội, từ chính trị đến kinh tế, là một việc lớn liên quan và ràng buộc với hết thảy mọi mặt đời sống. Cho nên, xây dựng con người mới, không thể chỉ để tâm đến một lớp người nào, nếu có chỉ là nhấn mạnh trọng tâm, còn thì phải chú trọng đồng bộ các biện pháp từ vận động, tổ chức và đôi khi cả biện pháp chính quyền hỗ trợ nữa.

Hà Nội là một thành phố khác các thành phố, các trung tâm dân cư trong cả nước. Ở đây mỗi tên phố, tên đường, mỗi quận, huyện, thị trấn, mỗi phường xã, một dòng sông, hay một đầm hồ, một gò đống, thậm chí đến một dòng họ, một nghề cũ cũng đều dính dấp đến mọi mặt lai lịch, lịch sử.

Xây dựng con người mới không thể có biện pháp nào khác là xây dựng và rèn luyện nên những tập quán phong tục mới làm vũ khí chống tiêu cực, bảo vệ các giá trị tinh thần, văn hóa, đạo đức xứng đáng làm chủ nhân quản lý xã hội.
(1994)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh hoa Hà Nội