Nhiều phát hiện mới quan trọng tại di tích Hoàng thành Thăng Long

Hoàng Lân| 28/12/2016 21:19

Nhiều phát hiện mới được các nhà khoa học đánh giá là vô cùng quý giá, quan trọng có thể làm thay đổi nhận thức về thông tin, giá trị lịch sử của khu di tích.

Sáng nay (28/12) Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học khu vực chính điện Kính thiên năm 2016.

Nhiều phát hiện mới được các nhà khoa học đánh giá là vô cùng quý giá, quan trọng có thể làm thay đổi nhận thức về thông tin, giá trị lịch sử của khu di tích, để từ đó có những hướng giới thiệu rộng rãi tới công chúng, thực hiện công tác bảo tồn hợp lý.

Từ những phát hiện mới

Công cuộc khai quật đã làm rõ tầng văn hóa dày xấp xỉ 4m với nhiều lớp kế tiếp nhau có niên đại kéo dài hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ 8 - 9 đến thế kỷ 19 – 20) ở Trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Nối tiếp các cuộc khai quật từ năm 2012, cuộc khai quật năm 2016 đã làm rõ phần cấu trúc góc Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên gồm có sân Đại triều, tường vây, kiến trúc hành lang thuộc 2 giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng thế kỷ 15 và 18.

Đặc biệt, kết quả khảo cổ mới đã làm rõ thêm một phần không gian kiến trúc thời Lý đang phát triển kéo dài về phía Quảng trường Đoan Môn và phát hiện thêm các loại móng cột mới. Các phát hiện khảo cổ năm 2016 tiếp tục cho thấy sự phong phú, phức tạp của các di tích thuộc không gian chính điện Kính Thiên và góp phần làm rõ thêm các giá trị to lớn, phong phú, đa dạng với 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, người đã gắn bó với công tác khảo cổ khu di tích Hoàng thành Thăng Long từ lâu cho biết, kết quả khai quật của năm 2016 đã làm rõ thêm một số dấu tích mà rõ nhất là thành Đại La. Dấu tích thời Lê cũng được làm rõ hai tầng khúc của thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng, trong đó khu vực Đoan Môn hiện nay mà các nhà khoa học vẫn lầm tưởng đó là thời Lê Sơ nhưng cuộc khảo cổ năm 2016 đã đưa ra kết luận đó là từ thời Lê Trung Hưng.

Công tác khảo cổ học năm 2016 vẫn chứng minh rằng, di tích thời Lý phồn thịnh nhất và có tính thống nhất chặt chẽ. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện thêm các móng được gia cố bằng sỏi và bằng sành. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học tìm thấy dấu tích của một đường ống nước lớn chạy về phía Nam Cấm thành, đường nước này được các nhà khảo cổ giả thiết sẽ chảy qua phía quảng trường Đoan Môn, tiến về phía cột cờ. Điều đó chứng tỏ quy mô hoành tráng, vững chắc của kinh thành xưa.

Công việc khảo cổ học tại Di sản Hoàng thành Thăng Long được thực hiện từ năm 2008 đến nay vẫn khiến các nhà khoa học bất ngờ về những di vật tìm thấy (ảnh minh họa)


Một trong những thành quả đáng kể của các nhà khảo cổ trong năm 2016 là bước đầu làm rõ các kiến trúc thời Lý dạng kiến trúc hành lang theo hướng Đông – Tây và có thể kết nối theo hướng Bắc – Nam. Do vậy, có thế dự đoán, kiến trúc Lý ở đây có một kiến trúc Cổng lớn và Trục chính tâm. Kiến trúc hành lang có thể phát triển về phía quảng trường Đoan Môn bao quanh khu vực Trung tâm phía trước Đoan Môn.

Hiện nay, dựa trên những phân tích khảo cổ, các nhà khảo cổ học đã xây dựng bản vẽ tạm kiến trúc hành lang, trụ cột của khu vực Điện Kính Thiên để có thể trình lên thành phố Hà Nội.

Tết này, mở cửa hố khai quật ở Hoàng thành cho khách tham quan

Trước những thành quả khảo cổ năm 2016, GS sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định, công việc khảo cổ khu di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2016 đã mang đến những giá trị to lớn để các nhà sử học nhận định lại những thông tin mang tính lịch sử. Theo kết quả khảo cổ, trong lịch sử đã có một thời đại Lê Trung Hưng khá phồn thịnh, đặc biệt ở thế kỷ 17. Trước kia, các nhà sử học Việt Nam vẫn lầm tưởng thời Lê Sơ, kinh tế chậm phát triển, “bế quan tỏa cảng” nhưng kỳ thực đây lại là thời kỳ giao thương mạnh mẽ, buôn bán phát triển.

GS Phan Huy Lê cũng đề nghị, hiện nay các nhà khoa học đã vẽ được tọa độ của các di tích nên mỗi năm cần mở rộng khai quật một di tích có trọng điểm. Việc phục dựng không gian Điện Kính Thiên cần được nhanh chóng đẩy nhanh phương án và kế hoạch thực hiện để sớm giới thiệu rộng rãi tới công chúng. GS Phan Huy Lê cũng đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long cần có kế hoạch bảo tồn hàng năm và lập hồ sơ khoa học chu đáo.

Trước nhiều đóng góp của các nhà khoa học, ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long cho biết, để rộng đường dư luận và giúp công chúng có thêm thông tin và hiểu rõ hơn giá trị vô giá của khu di tích Hoành thành Thăng Long, Tết này, Trung tâm sẽ mở cửa các hố khai quật mới đón khách tham quan. Bên cạnh đó, trong năm 2017, trung tâm sẽ mở lớp “Em tập làm khảo cổ” cho học sinh các trường trung học đến tiếp cận công việc khảo cổ, nhằm khơi gợi niềm đam mê khảo cổ học cho giới trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều phát hiện mới quan trọng tại di tích Hoàng thành Thăng Long