Tiếp nối truyền thống, hòa nhập với cuộc sống

Minh Ngọc| 10/11/2016 06:51

Khu phố cổ Hà Nội (KPC) không phải là di tích tĩnh mà là một di sản đô thị. Do đó, giải pháp bảo tồn cần trên cơ sở tiếp nối truyền thống...

(NSHN) - Khu phố cổ Hà Nội (KPC) không phải là di tích tĩnh mà là một di sản đô thị. Do đó, giải pháp bảo tồn cần trên cơ sở tiếp nối truyền thống, thích ứng với sự phát triển, hòa nhập với cuộc sống, để nó trở thành một thực thể sống động của thành phố... Cuộc tọa đàm “Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống Khu phố cổ Hà Nội - Khó khăn và giải pháp” do Hội Kiến trúc sư Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức ngày 9-11 đã gợi mở nhiều vấn đề thực tế. 


Thách thức trong bảo tồn văn hóa truyền thống

Ông Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội đánh giá, KPC Hà Nội là dấu tích sống động của khu thị dân thành Thăng Long xưa. Trong quần thể kiến trúc độc đáo với những ngôi nhà nhỏ hình ống xen kẽ, hòa quyện vào nhau là kho tàng di sản vô cùng phong phú. Đó là các điểm di tích, các làng nghề, phố nghề, các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội, ẩm thực, lối sống... “Ngày nay, KPC vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, nhưng lối sống, nếp sống đã biến đổi nhiều. Các lễ hội không còn diễn ra đầy đủ như thời xưa. Bởi vậy, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống KPC gặp không ít thách thức” - ông Lưu Minh Trị nói.

Đồng quan điểm, ông Ngô Doãn Đức (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) phân tích, thách thức lớn nhất trong phát huy văn hóa truyền thống KPC Hà Nội là mật độ dân số trong khu vực bảo tồn cấp I quá cao, thiếu những khoảng trống cần thiết dành cho các hoạt động văn hóa. Những địa điểm dành cho hoạt động văn hóa vốn có cũng bị thu hẹp nhiều. Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc cho biết thêm, địa bàn phường có phố Hàng Bạc - một trong những phố nghề đặc trưng của KPC Hà Nội, nhưng nhiều người đang sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành nghề này trên địa bàn phường vẫn chưa hiểu, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa nghề thủ công truyền thống với thủ công công nghiệp. Một số người có xu hướng thương mại hóa sản phẩm thủ công truyền thống, coi trọng lợi nhuận, làm cho giá trị văn hóa của sản phẩm, thương hiệu của phố nghề bị suy giảm. Vì thế, lo ngại sản phẩm thủ công “made in 36 phố phường” ngày càng phai nhạt giá trị văn hóa là nỗi trăn trở của nhiều cán bộ quản lý ở các phường trong KPC.

Cần thích ứng với sự phát triển

Nhìn nhận KPC Hà Nội như một “cơ thể sống” và hoạt động giao thương, buôn bán, trao đổi diễn ra trong KPC Hà Nội từ xưa đến nay như “đại siêu thị” mang đặc trưng riêng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống KPC cần tôn trọng quá trình phát triển tiếp nối. Theo KTS Hoàng Đạo Kính, so với bề dày truyền thống, một số nét văn hóa truyền thống KPC đã bị mai một hoặc tồn tại không rõ nét. “Cái quý giá nhất của KPC Hà Nội không phải là bao nhiêu công trình nhà ở, bao nhiêu di tích hiện hữu, mà là phức hợp cứng (công trình kiến trúc, đô thị) - mềm (các giá trị phi vật thể) được ví như tế bào của đô thị tồn tại một cách bền bỉ, tinh tế. Những giá trị này không đô thị nào trên thế giới có được. Do đó, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống KPC Hà Nội nên tiếp nối dòng chảy phát triển; không nên biến nó thành bảo tàng ngoài trời ” - KTS Hoàng Đạo Kính đề xuất.

KTS Hoàng Đạo Kính khẳng định, việc mở rộng các tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm là chủ trương đúng đắn, giải pháp hữu hiệu để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống KPC Hà Nội theo hướng bền vững. Để rõ hơn nét văn hóa Thăng Long - Hà Nội trên các tuyến phố đi bộ trong KPC và khu vực hồ Hoàn Kiếm, KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng, trực tiếp là quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ Hà Nội quan tâm xây dựng nếp ứng xử thanh lịch, văn minh cho người dân KPC, kể cả những người đến thăm thú, vui chơi. Nên quy định người bán hàng mặc trang phục dân tộc; có thêm hoạt động trình diễn thời trang với phong cách dân tộc; ưu tiên, thu hút những mặt hàng dân gian, giàu giá trị văn hóa, thẩm mỹ; hạn chế bày bán, giới thiệu các mặt hàng thông thường…

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã và đang phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội tham gia bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc KPC, trong đó có việc huy động vốn tham gia đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, xây dựng, cải tạo nhà ở, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ.

Việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống KPC vẫn là bài toán khó. Những giải pháp giàu tính khả thi được bàn thảo tại buổi tọa đàm này là những gợi mở đối với các cơ quan quản lý trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị KPC Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp nối truyền thống, hòa nhập với cuộc sống