Văn hóa Hà Nội hôm nay: Kế thừa, trao đổi, tiếp thu có chọn lọc

Minh Ngọc| 19/10/2016 07:10

TP Hà Nội luôn quan tâm, ưu tiên xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, góp phần tạo ra những con người văn hóa, văn minh.

(HNM) - Trong thời kỳ mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, Hà Nội ở vị trí trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước, tất yếu có sự trao đổi, giao lưu, hội nhập mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã và đang chung sức, chung lòng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống theo hướng kế thừa, trao đổi, tiếp thu có chọn lọc; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Giữ gìn vốn quý

Hà Nội có 1.793 di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể ở các loại hình: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội - tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. DSVH phi vật thể phân bố tương đối đồng đều và có ở hầu hết các địa phương với 87,5% số xã, phường, thị trấn có di sản, trong đó lễ hội truyền thống là di sản phổ biến nhất. Trên cơ sở kết quả kiểm kê, Sở VH-TT Hà Nội đã đưa ra hướng bảo tồn, phát huy giá trị đối với những di sản tiêu biểu; đồng thời đưa toàn bộ di sản lên bản đồ để giới thiệu, quảng bá rộng rãi.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, việc làm này được các nhà khoa học đánh giá là sáng tạo, hiệu quả, bởi chỉ cần nhìn vào bản đồ, bất cứ ai cũng hiểu được bức tranh tổng thể về DSVH phi vật thể trên địa bàn Hà Nội. Còn với những người yêu thích du lịch di sản, tấm bản đồ này có thể làm “hướng dẫn viên".

Tương tự như di sản phi vật thể, Hà Nội sở hữu nhiều di tích nhất cả nước với 5.922 di tích, trong đó có một di sản thế giới, 11 cụm di tích quốc gia đặc biệt và 2.384 di tích đã xếp hạng. Nhiều di tích gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, chùa Trăm Gian, chùa Thầy, đình Tây Đằng… vẫn hiện hữu cùng thời gian và trở thành những điểm du lịch văn hóa hấp dẫn. PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: “Kho tàng DSVH ở Hà Nội sẽ không thể phong phú, đa dạng như hiện nay, nếu thiếu sự quan tâm toàn diện. Vốn quý giá này đã, đang và sẽ là cơ sở, nền tảng để Hà Nội xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội”.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Song song với việc giữ gìn vốn di sản, trong các kế hoạch phát triển, TP Hà Nội luôn quan tâm, ưu tiên xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, góp phần tạo ra những con người văn hóa, văn minh.

Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, kết quả của việc xây dựng môi trường văn hóa thể hiện rõ nhất qua các mô hình văn hóa. Trong việc bình xét các danh hiệu văn hóa (gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa…), mặc dù Hà Nội đưa ra các tiêu chí cao hơn, khắt khe hơn so với quy định chung, nhưng tỷ lệ hộ gia đình, làng, tổ dân phố, đơn vị đạt chuẩn danh hiệu văn hóa ở Hà Nội vẫn cao hơn mức trung bình của cả nước. Hà Nội hiện có 85% số gia đình; 55% làng, 70% tổ dân phố đạt chuẩn danh hiệu văn hóa. Mô hình cưới, tang văn minh đã được nhân rộng ra toàn thành phố; mô hình xây dựng xã, phường đạt chuẩn văn minh đô thị được nhiều địa phương triển khai. “Môi trường văn hóa đó đã tạo ra những con người có hành vi giao tiếp, ứng xử chuẩn mực hơn, lối sống, lối suy nghĩ tích cực hơn” - ông Nguyễn Khắc Lợi cho hay.

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng VH-TT huyện Chương Mỹ cho biết: Trước đây, các xã, thị trấn trên địa bàn Chương Mỹ vốn tồn tại hủ tục trong việc tang. Giờ đây, hủ tục lăn đường, chém quan trừ tà, đốt vàng mã, ăn uống linh đình, phúng viếng bằng lễ chín… trong đám tang không còn. Thay vào đó, 100% thôn, xóm có ban tang lễ hỗ trợ các gia đình có người thân qua đời điều hành tang lễ, lo thủ tục mai táng. Nhiều gia đình đã chọn hình thức hỏa táng cho người quá cố...

Ngoài các mô hình văn hóa, “Bộ quy tắc ứng xử” quy định về chuẩn mực ứng xử tại các địa điểm công cộng thuộc phạm vi của TP Hà Nội đã được các cơ quan chức năng soạn thảo, đang trình thành phố xem xét, phê duyệt. Trong đó quy định mọi tổ chức, cá nhân sinh sống, công tác, học tập, tham quan trên địa bàn TP Hà Nội khi đến các địa điểm công cộng không gây tiếng ồn, không hút thuốc, xả rác, không xâm hại cảnh quan, lạm dụng không gian... Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng, thực hiện nghiêm theo bộ quy tắc này sẽ góp phần định hướng thái độ, hành vi ứng xử của cá nhân, tổ chức tại địa điểm công cộng, hướng đến một Hà Nội thanh lịch, văn minh, hội nhập quốc tế.

Văn hóa không phải là yếu tố bất biến, mà vừa có sự kế thừa, vừa có sự trao đổi, tiếp thu có chọn lọc từ các nền văn hóa khác trong quá trình phát triển để tạo ra những giá trị mới phù hợp với xã hội đương thời. Theo quy luật ấy, những hiện tượng mang tính cá biệt như “bún mắng, cháo chửi”, chèo kéo, “chặt chém” khách du lịch, giao thông lộn xộn… ở Hà Nội hiện nay sẽ bị đào thải trong môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh. Điều này càng chắc chắn hơn khi TP Hà Nội đang nỗ lực hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở, bảo đảm 100% thôn, làng có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng; tiếp tục nhân rộng các mô hình văn hóa tiêu biểu, ưu tiên bảo tồn di sản văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật... trong giai đoạn 2016-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa Hà Nội hôm nay: Kế thừa, trao đổi, tiếp thu có chọn lọc