“Giữ lửa” hát Dô Xứ Đoài

Phúc Bản| 25/09/2016 07:16

Trong bộn bề lo toan của đời sống thường nhật, thật hiếm tìm thấy một người say mê và tâm huyết với môn nghệ thuật truyền thống hát Dô như chị Nguyễn Thị Lan, xã Liệp Tuyết (Quốc Oai), người "giữ lửa" hát Dô Xứ Đoài trong nhiều năm qua.

Trong bộn bề lo toan của đời sống thường nhật, thật hiếm tìm thấy một người say mê và tâm huyết với môn nghệ thuật truyền thống hát Dô như chị Nguyễn Thị Lan, xã Liệp Tuyết (Quốc Oai), người "giữ lửa" hát Dô Xứ Đoài trong nhiều năm qua.

Chị Nguyễn Thị Lan - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết cho hay: "Nghe các già làng xưa kể lại, thì trước đây Hội hát Dô tổ chức theo quy định 36 năm một lần, từ ngày mùng 10 đến 15 tháng Giêng (Âm lịch), nhưng phải tổ chức rước kiệu từ đình, miếu ra đền Khánh Xuân từ chiều mùng 9". Đi trước kiệu rước là các vị chức sắc trong làng, xã; hai bên kiệu có cờ, lọng đi kèm; đội hát Dô cùng đi trước kiệu, mỗi người đều được che ô trên đầu.

Thế rồi hát Dô ở Liệp Tuyết cũng bị mai một khoảng thời gian khá dài, bởi nhiều nguyên do của đời sống thường nhật. Đặc biệt là nỗi ám ảnh mơ hồ của người dân xã Liệp Tuyết về một lời nguyền được truyền từ đời này sang đời khác. Không ai biết chính xác lời nguyền này có từ khi nào và thực hư ra sao, nhưng nhiều người trong làng đã cấm con cháu học hát Dô. Theo tục lệ xưa, người tham gia hát Dô phải thuộc dòng dõi con nhà gia giáo, không phạm lệ làng và phải là những cô gái chưa chồng, chàng trai chưa vợ; lễ hội xong phải làm lễ cất tráp, tất cả đồ dùng trong lễ hội như: Khăn, váy áo, quạt, túi đeo tay, sách hát… phải cất vào đền. Trong 36 năm, chưa đến kỳ lễ hội, không ai được mở tráp và tuyệt đối không được nhắc đến, nếu ai mở tráp hoặc cất tiếng hát Dô thì sẽ bị lời nguyền quở vào thân, thậm chí lời nguyền còn ám đến tận đời con, đời cháu; phạm vào những điều cấm kỵ của lời nguyền thì người đó sẽ còm cõi, bị câm, điếc rồi đổ bệnh mà chết…

Không thể để mất làn điệu hát Dô của quê hương, chị Nguyễn Thị Lan, sau nhiều năm âm thầm sưu tầm và tìm kiếm những làn điệu hát Dô của các bậc cao niên trong xã Liệp Tuyết, như cụ: Tạ Văn Lai, Kiều Thị Nhuận, Đàm Thị Điều… năm 1989, chị Lan quyết định khôi phục lại hát Dô. Bước đầu chị Lan vận động và tuyển được 24 bạn trẻ để thành lập Đội văn nghệ xã Liệp Tuyết. Đội văn nghệ hoạt động được gần 3 năm lại tan rã, bởi không có thế hệ nối tiếp, vì các cháu đến tuổi xây dựng gia đình, chuyển đi dần… Một lần nữa hát Dô Liệp Tuyết đứng trước nguy cơ bị quên lãng. Với niềm say mê nghệ thuật truyền thống và lòng tâm huyết, chị Lan lại lặn lội tìm các cháu nhỏ vận động theo học hát Dô. Đội văn nghệ xã Liệp Tuyết một lần nữa được tái lập năm 1998, với 30 thành viên, hằng đêm hăng say luyện tập hát Dô và tham gia biểu diễn mỗi khi xã có hội hè, đình đám; đồng thời tham gia các giải văn nghệ… Rút kinh nghiệm sau những thăng trầm, lần này chị Lan thường xuyên tuyển bổ sung cho đội văn nghệ, để có lớp trẻ kế cận.

Cháu Kiều Thị Hương, thành viên Câu lạc bộ hát Dô Liệp Tuyết vui vẻ nói: Bố mẹ em không muốn cho đi hát Dô, nhưng sau khi bà Lan vận động, em đã thuyết phục bố mẹ đồng ý cho đi học hát. Thông qua các buổi học, em hiểu rõ hơn về hát Dô và cảm thấy môn nghệ thuật này rất hấp dẫn…

Theo ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết cho biết: Từ khi Câu lạc bộ hát Dô Liệp Tuyết được thành lập đã được Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam hỗ trợ 60 triệu đồng, để mua sắm quần áo và các trang thiết bị phục vụ biểu diễn.

Hiện tại, với hơn 50 thành viên thường xuyên sinh hoạt vào mỗi tối, Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết đã đem về nhiều giải thưởng từ các cuộc thi trên địa bàn thành phố và nhiều giải đấu ở khắp các tỉnh bạn. Giữa năm 2016 vừa qua, câu lạc bộ đoạt hai giải A1 và một giải A2 tại giải đêm dân ca, dân vũ do TP Hà Nội tổ chức… Với những nỗ lực của chị Nguyễn Thị Lan trong việc khôi phục phong trào hát Dô ở xã Liệp Tuyết, hy vọng rằng các cấp, các ngành của địa phương và huyện Quốc Oai quan tâm hơn nữa để hát Dô mãi là “đặc sản” không bị mai một của người dân Xứ Đoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Giữ lửa” hát Dô Xứ Đoài