Câu chuyện sinh động về kinh thành Thăng Long

Lâm Vũ| 21/05/2016 07:04

Trung tâm Nghiên cứu kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa báo cáo kết quả thực hiện dự án Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội.

Trung tâm Nghiên cứu kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa báo cáo kết quả thực hiện dự án Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. Phần nội dung trưng bày cho phép hình dung về một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu, đặc sắc nhất được khai quật tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội vào những năm 2008, 2009.

Rõ tính khoa học

Cách đây gần 8 năm, trước khi triển khai xây dựng công trình Nhà Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện Dự án "Khai quật khảo cổ học và xử lý di dời di tích, di vật khu vực xây dựng Nhà Quốc hội". Đây là cuộc khai quật có quy mô lớn - diện tích lên tới 14.200m2. Các nhà khoa học đã phát hiện 140 di tích cùng hàng chục nghìn di vật của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau, là minh chứng sinh động về lịch sử phát triển liên tục, lâu dài của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long qua 1.300 năm, từ thời Tiền Thăng Long (thế kỷ VII-X) đến thời kỳ Thăng Long (thế kỷ XI-XVIII). Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, khu vực xây dựng Nhà Quốc hội là một bộ phận quan trọng nằm ở phía Tây nam Cấm thành của kinh đô Thăng Long xưa... Diễn trình lịch sử đồ sộ đó liệu có thể được "tóm lại" qua một dự án trưng bày, dù được thực hiện với quy mô lớn?

PGS.TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành cho biết, dự án trưng bày nhằm thể hiện ý nghĩa, giá trị cốt lõi của các phát hiện khảo cổ học tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội, đặc biệt là các di tích kiến trúc; trình bày lịch sử kinh đô Thăng Long và lịch sử dân tộc như đã tìm thấy tại khu di tích; tạo nên phần trưng bày độc đáo và tuyệt vời nhất về khảo cổ học tại Việt Nam. Trưng bày được thể hiện theo lát cắt địa tầng khảo cổ, tức là theo trình tự thời gian từ xưa lại gần nay. Trong mỗi không gian trưng bày đều có điểm nhấn nhằm tạo nên tính độc đáo, riêng biệt. Phương pháp trưng bày là lồng ghép giữa di tích và di vật, trong đó, di tích được xem là "hồn cốt", di vật là các "hạt nhân" được trưng bày ngay trong lòng di tích nhằm đem lại nét ấn tượng cho từng không gian trưng bày. Hệ thống sa bàn, hình ảnh, di vật được sắp xếp theo chủ đề, được hỗ trợ bởi phong cách trình diễn đồ họa đặc sắc, góp phần hình thành câu chuyện kể về lịch sử kinh đô Thăng Long xưa. Cụ thể, tầng hầm 1 (diện tích 1.700m2) là nơi giới thiệu di vật thời Lý, Trần, Lê. Tất cả được sắp xếp bên trong không gian của một di tích kiến trúc cung điện thời Lý, được tái tạo theo bối cảnh khai quật. Mặt bằng kiến trúc nổi bật dưới ánh sáng của 42 đèn cột lớn, gợi mở hình thái kiến trúc cung điện thời Lý với 42 cột gỗ cùng sắc thái độc đáo của bộ mái.

Tầng hầm 2 (2.000m2) tái tạo trọn vẹn mặt bằng kiến trúc Đại La ở khu trung tâm và một phần mặt bằng kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê ở khu vực phía Bắc. Lối đi tham quan được mở giữa lòng các di tích này theo hình thước thợ, dọc hai bên tuyến tham quan là hệ thống tủ trưng bày di vật. Di tích mộ ngựa và xâu tiền được đặt dưới mặt sàn kính, nằm trong không gian trưng bày về thời Đinh - Tiền Lê. Di tích giếng nước thời Đại La được trưng bày tại khu vực chuyển tiếp, nằm ở giữa lối ra. Nét độc đáo ở khu trưng bày này là hai bức tranh tường đặc sắc có kích thước lớn, được lắp ghép từ những mảnh gạch, ngói thu được trong quá trình khai quật, chứa đựng thông điệp về lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long. Đó là bức tranh "Rồng Bay" và "Bình minh Thăng Long", do tác giả Bùi Thu Trang sáng tác dựa trên hình tượng rồng thời Lý và ghi chép của sử cũ về Chiếu dời đô.

Du khách tham quan triển lãm khảo cổ dưới tầng hầm tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Hạnh Nguyên


Hiệu ứng tích cực

Để tạo nên sự kết nối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, Đảng và Nhà nước chủ trương dành một phần diện tích dưới tầng hầm Nhà Quốc hội để làm nơi trưng bày một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu được khai quật dưới lòng đất Nhà Quốc hội, qua đó tạo nên hình ảnh biểu trưng độc đáo về sự tiếp nối, giá trị truyền thống, sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực trong lịch sử vẻ vang của dân tộc. Phần trưng bày còn có ý nghĩa góp phần quảng bá giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, đáp ứng yêu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách quốc tế. Qua phần trưng bày được giới thiệu vào ngày 19-5, có thể thấy mục tiêu đó đang dần thành hiện thực.

Đánh giá về trưng bày, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: "Tôi rất xúc động khi được thấy câu chuyện lịch sử và khảo cổ học được kể rất hay. Sự đầu tư cho phần trưng bày này rất hiệu quả, giống như một cuộc cách mạng về bảo tàng tại Việt Nam vậy". Còn ông Nguyễn Tiến Lạc (70 tuổi, quận Bắc Từ Liêm) thì chia sẻ: "Tôi rất vui, bởi qua những hình ảnh trưng bày, chúng ta có thể cảm nhận sâu hơn về kiến trúc cung điện thời Lý. Tôi hy vọng người dân sớm có cơ hội được tham quan, tìm hiểu những di sản quý báu đó".

Theo PGS.TS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, phần trưng bày xứng đáng được coi là một bảo tàng khảo cổ học tốt nhất của Việt Nam. Các nhà khoa học đã đưa vào đây những ý tưởng vô cùng mới trong trưng bày cũng như thể hiện diễn biến lịch sử Thăng Long. Điều khác biệt nằm ở chỗ công trình do các nhà chuyên môn thực hiện nên mang tính hàn lâm rất lớn, người tham quan có thể thấy chiều sâu của nghiên cứu chứ không đơn thuần là xem cổ vật.

Điều đáng chú ý nữa là khu vực tương tác nằm ở đầu phía Bắc, là nơi công chúng, đặc biệt là trẻ em, được tự do khám phá, trải nghiệm. Mô hình công trường khai quật khảo cổ học cùng những dụng cụ khai quật và hình ảnh các nhà khảo cổ học đang cần mẫn làm việc trên công trường được tái hiện theo tỷ lệ 1/50, giúp người tham quan hiểu rõ hơn về ngành Khảo cổ học Việt Nam.

PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết, phần trưng bày mới tạm được khai trương, cần tiếp tục được chỉnh lý. Sau khi được nghiệm thu, Quốc hội sẽ quyết định thời gian mở cửa trưng bày này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện sinh động về kinh thành Thăng Long