''Venice của phương Ðông''

Nhật Trình| 15/05/2021 19:42

(HNNN) - Quá trình phát triển của Bangkok gặp thách thức về nhiều mặt, đặc biệt, đây là một trong 10 thành phố kẹt xe nghiêm trọng nhất thế giới, gây thiệt hại cả về kinh tế và suy giảm chất lượng môi trường đô thị. Để phát triển bền vững, Bangkok đã đề ra các giải pháp quy hoạch, dùng hệ thống đồ án quy hoạch làm công cụ kiểm soát sự phát triển nhằm trở thành “Venice của phương Đông”.

Thủ đô Bangkok.

Bangkok là thành phố lớn nhất Vương quốc Thái Lan, trở thành thủ đô ngày 21-4-1782. Nội thị có diện tích 1.568,7km2, dân số gần 10 triệu người, vùng đại đô thị (gồm thủ đô và 5 tỉnh) có diện tích 7.761,6km2, dân số gần 15 triệu người.

Từ những năm 1980, Bangkok vươn mình trở thành một đô thị lớn và phát triển không ngừng. Nhiều công ty đa quốc gia đến đặt trụ sở khu vực tại đây, biến Bangkok thành một trung tâm kinh tế và tài chính trong khu vực; một điểm trung chuyển trong giao thương quốc tế; điểm đến hàng đầu về du lịch, giải trí; điểm sáng về nghệ thuật, thời trang, chăm sóc sức khỏe... Bangkok hiện là thành phố đứng thứ 6 về GDP tại châu Á; là thành phố toàn cầu “Alpha-”, kết nối lớn với kinh tế thế giới.

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu dẫn đến sự phát triển của Bangkok là các giải pháp quy hoạch hướng vào việc giải quyết các bất cập và đón đầu cơ hội tăng trưởng. Trước năm 1960, quy hoạch Bangkok nằm trong Quy hoạch vùng đại đô thị Bangkok với thời hạn 30 năm, có 2 nội dung chính là: Phân vùng sử dụng đất và định hướng phát triển. Năm 1975, Thái Lan ban hành Luật Quy hoạch đô thị nhưng không có đồ án quy hoạch mới nào. Năm 1994, xuất hiện quy hoạch hệ thống giao thông công cộng toàn vùng đại đô thị Bangkok nhằm định hướng phát triển thành phố theo định hướng của giao thông. Tuy nhiên, việc thực hiện trong thực tế chưa đáp ứng yêu cầu quy hoạch.

Đến năm 1999, đồ án quy hoạch toàn diện Bangkok được phê duyệt, định hướng phát triển theo mô hình phân cực (đa trung tâm). Đồ án này tập trung vào 3 nội dung: Quy hoạch sử dụng đất cho từng khu vực cụ thể; quy hoạch 3 hệ thống giao thông nhanh đô thị (đường cao tốc; giao thông công cộng; giao thông công cộng chuyển tiếp); quy hoạch hệ thống không gian mở (bảo vệ môi trường; phòng chống ngập lụt; vui chơi giải trí). Trong năm 2006, đồ án này được sửa đổi với tầm nhìn đến năm 2035, đề xuất phát triển đa cực với 4 nội dung chính: Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống giao thông, quy hoạch không gian mở và không gian xanh, thực thi quy hoạch.

Đến năm 2013, đồ án quy hoạch toàn diện Bangkok tiếp tục được sửa đổi vì việc thực thi quy hoạch còn thiếu hiệu quả và sự phát triển vẫn chưa được kiểm soát tốt. Các nhà lãnh đạo Bangkok đặt ra 5 tầm nhìn và 12 mục tiêu phát triển. 5 tầm nhìn gồm: Đô thị có bản sắc văn hóa và nghệ thuật dân tộc; đô thị có mạng lưới giao thông hoàn chỉnh; đô thị trung tâm về kinh tế và công nghệ của Đông Nam Á; đô thị trung tâm về hành chính, các tổ chức xã hội lớn và các tổ chức, công ty quốc tế; đô thị lành mạnh với môi trường tự nhiên được bảo tồn.

12 mục tiêu phát triển đô thị gồm: Cung cấp dịch vụ xã hội đầy đủ và có tiêu chuẩn; cung cấp những tiện ích phù hợp để tăng tính cạnh tranh với các đại đô thị; phát triển nguồn lực và dịch vụ du lịch; phát triển những khu vực đặc biệt dành cho các tổ chức chính phủ và các tổ chức quốc tế; phát triển hệ thống giao thông phối hợp và hệ thống giao thông vận chuyển hoàn chỉnh; phát triển, cải thiện và bảo đảm những khu vực dân cư và các trung tâm cộng đồng ở ngoại ô; phát triển những khu công nghiệp công nghệ cao với công nhân tay nghề cao, không ô nhiễm môi trường; bảo đảm sản xuất theo ý tưởng phát triển đô thị nén; bảo tồn, phục hồi văn hóa và nghệ thuật bản xứ; bảo tồn, phục hồi nguồn tài nguyên môi trường và tự nhiên; phòng chống và giảm nhẹ những hậu quả do thiên tai hoặc tai nạn; mở rộng các khu vực xanh nhằm giảm hiện tượng nhà kính. Đi cùng với từng mục tiêu là giải pháp cụ thể.

Trong các nội dung cụ thể về quy hoạch, có hai vấn đề nổi bật là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch hệ thống giao thông đô thị. Quy hoạch sử dụng đất được định hình theo phương pháp phân vùng chức năng đô thị, xác định 10 nhóm quản lý đất. Trong quản lý về hoạt động xây dựng, đặt ra ba mức độ: Cho phép, cấm và có điều kiện. Bangkok đặc biệt chú ý đến các công cụ kiểm soát không gian cảnh quan đô thị.

Tuy nhiên, theo Thị trưởng Bangkok Aswin Kwanmuang, việc thực thi và quản lý phát triển Bangkok theo đồ án trong thực tế đã gặp nhiều trở ngại lớn và còn hạn chế. Hầu hết các dự án mới chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt. Để thực hiện quy hoạch đô thị có tính chất chiến lược dài hạn trên diện rộng, cần có những kế hoạch và quy hoạch cụ thể về sử dụng đất và phát triển giao thông công cộng.

Ông Aswin Kwanmuang khẳng định: “Bangkok đã vươn tới tầm phát triển cao của một đô thị cực lớn tiêu biểu của Đông Nam Á. Chúng tôi cam kết thực hiện quan điểm đã nêu tại Diễn đàn Thị trưởng các thành phố ASEAN tổ chức tại Bangkok cuối tháng 8-2019 là hợp tác với đối tác và cộng đồng quốc tế nhằm tuân thủ mục tiêu phát triển bền vững. Để Bangkok xứng danh là “Venice của phương Đông”, chúng tôi sẽ thực hiện khuyến cáo của Liên hợp quốc, phát triển thịnh vượng và bền vững dựa trên 4 “trụ cột” gồm hợp tác, vận dụng công nghệ thông minh, tăng cường sự tham gia của người dân và tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng. Bangkok sẽ góp phần chỉ ra một cách thức hữu hiệu giải quyết các vấn đề đô thị, khẳng định thành công của chính quyền và nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Venice của phương Ðông''