''Cánh cổng'' bước vào ''trái tim châu Phi''

Quang Huy| 01/04/2021 12:31

(HNMCT) - Đất nước Ethiopia được mệnh danh là “trái tim của châu Phi” và thủ đô Addis Ababa là “cánh cổng” bước vào “trái tim” ấy. Tới đây, du khách có cảm giác như bước vào một thế giới khác, đó là không gian đa sắc tộc với văn hóa đa dạng và đặc sắc, nơi mà vẻ cổ xưa vẫn còn ẩn hiện trong sự phát triển vội vàng của đô thị.

Toàn cảnh thủ đô Addis Ababa.

Thay đổi từng ngày

Addis Ababa, còn được gọi đơn giản là "Addis", có nghĩa là “bông hoa mới”, là thủ đô ở độ cao thứ ba thế giới (2.400m). Kể từ khi được Hoàng đế Ethiopia Menelik thành lập vào năm 1892, Addis Ababa luôn giống như một cánh cổng thần kỳ dẫn đến một thế giới khác. Đối với người ở vùng nông thôn Ethiopia, đó là một thành phố có những cung điện xa hoa. Đối với du khách nước ngoài, Addis Ababa là cửa ngõ mở ra một thế giới có kết nối với thế giới cổ xưa huyền bí.

Vào năm 1974, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bộ hài cốt của vượn người phương Nam tại một thung lũng hẻo lánh ở Ethiopia. Với niên đại khoảng 3,2 triệu - 3,8 triệu năm, đây là bộ xương vượn người có niên đại cổ nhất từng được tìm thấy. Phát hiện chấn động này đã đưa đến kết luận, Ethiopia là cái nôi của loài người. Ngày nay, du khách có thể thăm lại “tổ tiên” của mình, bộ xương hóa thạch nổi tiếng có tên Lucy, trong bảo tàng ở Addis Ababa.

Hiện Addis Ababa được đánh giá là thủ đô của một nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Những bất ổn về chính trị kìm hãm Ethiopia suốt nhiều thập niên khiến quốc gia này chìm đắm trong đói nghèo. Đặc biệt, nạn đói năm 1984 đã cướp đi mạng sống của hơn 1 triệu người, được ví là “nạn đói khủng khiếp nhất trong thế kỷ XX”. Nhưng trong một thập niên qua, Ethiopia như “con hổ châu Phi” với kế hoạch trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cho tới năm 2025.

Sự phát triển nhanh chóng mang đến cho thủ đô Addis Ababa dáng vẻ đặc biệt. Bên cạnh những tòa cao ốc mới xây, những con phố cổ, bảo tàng, cung điện vẫn đủ mang đến cho du khách cảm nhận về lịch sử, văn hóa bản địa rực rỡ, đa dạng.

Cung điện Hoàng gia Ethiopia nay trở thành điểm tham quan.

Những giá trị văn hóa đặc sắc

Một trong những điều thú vị nhất mà du khách muốn tìm hiểu ở Addis Ababa chính là giá trị văn hóa đặc sắc của quốc gia châu Phi này, nơi có tới hơn 200 bộ tộc, sử dụng hơn 80 ngôn ngữ.

Sau nhiều năm đóng cửa vì nội chiến, các công trình độc đáo của Addis Ababa giờ đây sẵn sàng mở cửa cho du khách. Đó là hệ thống bảo tàng đẳng cấp thế giới, nhà thờ, cung điện... gợi nhớ quá khứ đáng tự hào. Đáng chú ý nhất là việc mở cửa Cung điện Hoàng gia Ethiopia cho công chúng tham quan vào năm 2019, sau hơn một thế kỷ kể từ khi được Hoàng đế Menelik II cho xây dựng. Trước đây, cung điện này là nơi dân thường không thể tiếp cận. Ngày nay, những người lính vẫn ở đó nhưng bức màn bí ẩn đã được vén mở. Người dân địa phương và khách du lịch có thể khám phá quần thể cung điện này. Khoảng 170 triệu USD đã được chi cho việc cải tạo cung điện nhằm mang đến một điểm tham quan lý thú, giúp phục hồi ngành du lịch, cho thấy quốc gia này đang nỗ lực để lại quá khứ đen tối, đầy biến động ở phía sau.

Ẩm thực là niềm tự hào của Ethiopia nói chung và thủ đô Addis Ababa nói riêng. Nếu như những ngôi nhà cũ kỹ và có phần xiêu vẹo - dấu tích một thời nghèo đói của đất nước này khiến nhiều du khách cảm thấy nản lòng thì nền ẩm thực đa dạng ở đây, đặc biệt là ẩm thực chay lại khiến người ta say mê. Đồ ăn Ethiopia rất đặc biệt và ngon. Văn hóa ẩm thực của Ethiopia nói chung thiên về kết nối cộng đồng. Đồ ăn chính của người Ethiopia là bánh mỳ. Một chiếc bánh mỳ lớn giống như bánh kếp xốp màu xám được xếp trong một chiếc khay hình tròn, trên có các loại thịt, món hầm, cà ri rau củ... được phục vụ chung cho cả gia đình và các thành viên dùng tay để bốc thức ăn. Hầu hết các món ăn Ethiopia đều giàu chất dinh dưỡng và ít chất béo.

Cà phê là thứ không thể tách rời khỏi văn hóa Ethiopia. Đất nước này từ lâu được xem là cái nôi của ngành cà phê thế giới. Các loại cà phê bản địa danh tiếng như Yirgacheffe, Harrar và Sidama đã làm nên thương hiệu độc quyền của “vàng đen” Ethiopia trên thị trường thế giới. Một số tài liệu cho biết các giống cà phê được trồng và sản xuất trên toàn thế giới ngày nay chỉ chiếm không quá 1% số giống loài cà phê hiện diện ở Ethiopia. Bởi vậy, đến đây, bạn đừng quên nhâm nhi một tách cà phê và ngắm nhìn nhịp sống sôi động ở thủ đô của một quốc gia đang thay đổi từng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Cánh cổng'' bước vào ''trái tim châu Phi''