Kuala Lumpur: ''Ðích đến'' là thành phố thông minh

Nhật Trình| 14/11/2020 19:49

(HNNN) - Kuala Lumpur là thủ đô liên bang và là thành phố đông dân nhất tại Malaysia. Nội thị thành phố có diện tích 243km², dân số nội thị gần 1,9 triệu người, cả vùng đô thị Kuala Lumpur có diện tích 2.243,27km² và dân số trên 8,1 triệu người.

Kuala Lumpur (Malaysia) đang hướng tới phát triển thành phố thông minh và đạt được kết quả tích cực. Sự phát triển có tính kế thừa đã biến nơi đây thành điểm tham quan ấn tượng với du khách nhờ những kỳ tích mới nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo.

Là một thành phố trẻ, khởi nguyên vào những năm 1850, Kuala Lumpur có nhiều công trình được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, pha trộn giữa kiến trúc truyền thống châu Á, Hồi giáo Malaysia, hiện đại và hậu hiện đại, hiện đã được chỉnh sửa và hầu hết sử dụng nguồn tài nguyên tại chỗ. Cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông được chú trọng đầu tư. Nhờ có hệ thống giao thông hiện đại và toàn diện, kinh tế Kuala Lumpur nhanh chóng phát triển theo hướng công nghiệp hóa với tốc độ nhanh và hiệu quả.

Năm 2010, chính phủ Malaysia ban hành kế hoạch “Great Kuala Lumpur” (làm vĩ đại Kuala Lumpur), một dự án kinh tế trọng điểm đến năm 2020 với mục tiêu: Nâng cấp Kuala Lumpur thành đô thị quốc tế, trở thành 1 trong 20 thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất và đáng để ở nhất thế giới. Ba phương diện đầu tư chính là: Phần cứng, thu nhập và môi trường sống. Kuala Lumpur được xác định là một trung tâm tài chính, “nhường” vai trò trung tâm chính trị cho thành phố mới - đô thị thông minh Putrajaya. Các giải pháp sáng tạo hướng tới việc xây dựng thành phố thông minh; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế cốt lõi là thương mại, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản...

Với nỗ lực của chính phủ, chính quyền thành phố và người dân, kế hoạch 10 năm đã đạt được nhiều thành tựu. Năm 2013, Kuala Lumpur đứng thứ tư thế giới về điểm đến mua sắm và lọt top 7 thành phố kỳ quan trên thế giới. Cách quản lý tài chính của Kuala Lumpur được đánh giá là thông minh, đem lại lợi ích cho mọi công dân. Môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và cạnh tranh giúp các doanh nghiệp đều có cơ hội tham gia và hưởng lợi. Nhờ có nhiều điều kiện thuận lợi về nhiều mặt, các công ty khởi nghiệp phát triển nhanh và có tỷ lệ thành công rất cao. Hầu hết công ty lớn nhất Malaysia đặt trụ sở chính tại Kuala Lumpur, nhiều công ty đa quốc gia đặt văn phòng tại đây. Đặc biệt, số lượng ngân hàng trong nước và nước ngoài, các công ty bảo hiểm tăng nhanh tại Kuala Lumpur khiến cho lĩnh vực dịch vụ của thành phố “bùng nổ”. Năm 2019, các loại hình dịch vụ cung cấp 83% tổng số việc làm; Kuala Lumpur duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 5,9%/năm.

Kuala Lumpur có thế mạnh là nơi hòa trộn nhiều nền văn hóa như văn hóa bản địa, Ấn Độ, Trung Quốc và cả văn hóa phương Tây, vì vậy tại đây du khách có nhiều trải nghiệm mới lạ và thú vị. Bên cạnh chuỗi khách sạn toàn cầu, thành phố ngày càng có thêm nhiều khách sạn bình dân... Kuala Lumpur nằm trong số những thành phố được viếng thăm nhiều nhất thế giới.

Từ năm 2014, Chính phủ Malaysia khởi động chương trình chuyển đổi kinh tế, mở rộng loại hình du lịch hội nghị, thúc đẩy Kuala Lumpur trở thành điểm du lịch mua sắm hàng đầu châu Á. Với nhiều trung tâm mua sắm, trung tâm bán lẻ và thời trang rộng lớn, chính sách thuế ưu đãi, Kuala Lumpur được đánh giá là “thiên đường mua sắm”, vượt cả Bangkok (Thái Lan) hay Singapore. Mọi nhu cầu của khách hàng đều được đáp ứng bởi các trung tâm, các cửa hàng bán lẻ, công viên giải trí trong nhà, khách sạn 5 sao, rạp chiếu phim, siêu thị, bưu điện, văn phòng, ngân hàng, khu ẩm thực...

Theo Thị trưởng Kuala Lumpur, Mohd Amin Nordin Abdul Aziz, thành phố đã xây dựng và chuẩn bị thực hiện kế hoạch mới đến năm 2025. Theo đó, nhà nước và tư nhân sẽ hợp tác chặt chẽ để thực hiện 47 sáng kiến đã đề ra, tạo thêm 71.000 việc làm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 70.000 ringgit/năm (gần 23.000 USD), thu hút 100 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, thu hút thêm 4 triệu người trong và ngoài nước, trong đó có 500.000 chuyên gia đến sống và làm việc tại Kuala Lumpur...

Với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, chính quyền thành phố dự kiến tất cả mọi lĩnh vực (hành chính, trường học, bệnh viện, giải trí...) đều được quản lý nhờ giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến. Thẻ từ sẽ chứa đựng mọi thông tin cá nhân của cư dân thành phố, thay cho giấy thông hành, thẻ ngân hàng, bảo hiểm, giấy phép lái xe, thậm chí thay cho chìa khóa...; máy vi tính sẽ thay cho sách vở, phục vụ giao dịch trong mọi lĩnh vực... Riêng dịch vụ du lịch đặt mục tiêu thu hút 16 triệu lượt khách, đạt doanh thu khoảng 22 tỷ USD. Cùng với đó, thành phố sẽ khắc phục tình trạng văn hóa giao thông “lùn”...

Thị trưởng Mohd Amin Nordin Abdul Aziz nhấn mạnh: Kuala Lumpur quyết tâm trở thành đô thị hàng đầu châu Á, xây dựng và bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, xứng danh là “thành phố thông minh”, “thành phố vườn” độc đáo, điểm tham quan mà du khách gần xa “phải đến một lần” để chứng kiến những kỳ tích kinh tế và bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kuala Lumpur: ''Ðích đến'' là thành phố thông minh