Người có công bảo tồn Khu phố cổ Havana

Thu Hằng| 30/10/2020 05:56

(NSHN) - Những nỗ lực của Tiến sĩ sử học Eusebio Leal Spengler (1942-2020) trong việc bảo tồn Khu phố cổ Havana đã biến khu vực lịch sử này từ một khu ổ chuột bị lãng quên thành một viên ngọc kiến ​​trúc và địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cuba.

Tiến sĩ sử học Eusebio Leal Spengler. Nguồn: Getty Images

“Người đã cứu Havana”

Khu phố cổ Havana có 4.000 tòa nhà, trong đó nhiều tòa được xây dựng từ thế kỷ 16, 17 với sự pha trộn giữa phong cách Rococo, Baroque, Tân cổ điển... Dù được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới nhưng vào cuối những năm 1980, Khu phố cổ Havana ở trong tình trạng đổ nát: 75.000 cư dân nơi đây sống không có nước sinh hoạt và thường xuyên không có điện, rác thải chất đống trên đường phố, những tòa nhà 250 tuổi được tu bổ một cách thiếu chuyên nghiệp chỉ chực đổ sụp...

Lần lại lịch sử, sau khi cách mạng Cuba thành công năm 1959, Khu phố cổ Havana đã bị chính quyền “bỏ quên” để tập trung ưu tiên phát triển vùng nông thôn. Gần mười năm sau, chính quyền bắt đầu hướng sự quan tâm trở lại với Khu phố cổ này.

Là một nhà sử học say mê nghiên cứu lịch sử kiến ​​trúc của Cuba, Tiến sĩ Eusebio Leal Spengler được Chính phủ Cuba giao trọng trách khôi phục hàng loạt công trình lịch sử quan trọng của đất nước, trong đó có dự án khôi phục Khu phố cổ Havana.

Tiến sĩ sử học Eusebio Leal Spengler. Nguồn: Getty Images

Cuối những năm 1980, khi dự án đầu tư 11 triệu USD của Chính phủ để nâng cấp 30 tòa nhà ở Khu phố cổ đang vào guồng thì Liên bang Xô viết tan rã, Cuba rơi vào khủng hoảng kinh tế. Bối cảnh khó khăn này đã cản trở kế hoạch khôi phục đầy tham vọng của Eusebio Leal Spengler.

Năm 1993, trong một chuyến công tác cùng Chủ tịch Cuba Fidel Castro tới Cartagena – một pháo đài Tây Ban Nha được Chính phủ Colombia tôn tạo thành điểm đến hấp dẫn, Eusebio Leal Spengler được Fidel hỏi: “Chúng ta có thể làm được gì cho Khu phố cổ Havana?”. Leal liền đề xuất một mô hình mới có khả năng tự tìm nguồn thu. Trên thực tế, trung tâm của kế hoạch bảo tồn là giữ các cư dân ở lại nhà của họ và dùng du lịch để cải thiện cuộc sống. Chủ tịch Fidel ủng hộ ý tưởng này. 

Với ngân sách ít ỏi 1 triệu USD từ Chính phủ, ông Leal đặt cược vận mệnh của mình vào việc cải tạo một khách sạn, ba nhà hàng nhỏ và một dãy nhà đang bị đổ nát. Khách sạn nhỏ đó là Ambos Mundos, nơi nhà văn Ernest Hemingway từng ở trong vòng 7 năm và viết cuốn “Chuông nguyện hồn ai” vào những năm 1930. Ông Leal và các cộng sự của mình đã làm việc với một nỗ lực phi thường.

Tiền từ công việc kinh doanh khiêm tốn ban đầu được ông Leal tái đầu tư vào việc sửa chữa các nhà hàng, khách sạn và quảng trường. Bãi đậu xe xấu xí Plaza Vieja bị xóa sổ để trở lại là đài phun nước làm bằng đá hoa cương Carrara và những chú cá heo phun trào theo đúng nguyên mẫu của kiến trúc sư người Italia Giorgio Massari thế kỷ 18...

Mặt tiền Khu phố cổ Havana đã được khôi phục lại vẻ đẹp rực rỡ trước đây. Nguồn: Unsplash

Khi cải tạo Khu phố cổ, ông Leal cho xây những căn nhà trên khu đất trống ở rìa thành phố và chuyển một số cư dân đến đó, đồng thời trích phần trăm lợi nhuận thu được chi cho những chương trình thiết thực như bữa sáng cho học sinh, cơ sở chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, viện dưỡng lão, không gian cho nghệ sĩ trẻ…

Nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của ông trong việc bảo tồn các tòa nhà thuộc địa đã biến một khu ổ chuột trước đây thành một điểm du lịch hấp dẫn và đưa du lịch Cuba trở thành “ngành công nghiệp không khói”. Ông Leal được ca ngợi như một hình mẫu cho các nhà bảo tồn trên khắp thế giới. Giữ lời hứa với Chủ tịch Fidel, ông Leal luôn luôn trích một nửa lợi nhuận vào bảo tồn các công trình mới và một nửa vào chương trình bảo trợ xã hội.

Việc tôn tạo và đưa đến một cuộc sống mới cho khu phố cổ không đơn giản. Theo ông Leal, dường như có một nghịch lý: Nâng cấp, bảo tồn để thu hút khách du lịch nhưng chính những vị khách “cứu” khu phố cổ này cũng có thể hủy hoại nó. Tại những thánh địa du lịch trên khắp thế giới, làn sóng khách du lịch có thu nhập cao có thể gây ra ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và làm méo mó văn hóa địa phương. Giải pháp của Leal là phải bảo vệ người dân như bảo vệ những công trình kiến trúc, đây là lý do ông tạo dựng một cơ sở hạ tầng tốt để cuộc sống thường ngày của người dân vẫn được tiếp tục.

Những nỗ lực không mệt mỏi của ông đã đem lại cuộc sống ổn định cho nhiều cư dân ở Khu phố cổ Havana. Ông trở thành nhân vật chính trong một bộ phim truyền hình về lịch sử của Thủ đô "Andar La Habana" (Đi bộ Havana) và tham gia giảng dạy tại các trường đại học ở Mỹ.

“Đấu tranh vì cái đẹp”

Khách sạn Ambos Mundos, nơi nhà văn Ernest Hemingway viết cuốn “Chuông nguyện hồn ai” được tu sửa và tôn tạo đầu tiên. Nguồn: Smithsonian

Cả cuộc đời gắn liền với công tác tôn tạo, bảo tồn Havana, có thể thấy điều cốt lõi trong nỗ lực của Eusebio Leal Spengler là tình yêu với mảnh đất này, đặc biệt là Khu phố cổ - nơi ông gắn bó máu thịt khi còn là đứa trẻ nghèo. Sinh thời ông từng nói: “Tôi đã vô cùng kinh ngạc. Vẻ tráng lệ của các thánh đường, sự sôi động của đám đông trên đường phố - cách họ nhảy và hát – thực sự là một thế giới cuốn hút… Khi trưởng thành hơn, tôi vẫn còn kinh ngạc bởi những viên đá chạm khắc, những hàng rào sắt kỳ diệu, những cánh cửa đồ sộ. Tôi đã khóc khi công trình nào đó đổ sụp, tôi thực sự bị tổn thương khi thấy điều gì đó mất đi, tôi đau đớn khi thấy sự bất cẩn…”

Năm 2019, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ (AAA&S) đã trao tư cách Thành viên danh dự quốc tế cho ông vì những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và gìn giữ những công trình lịch sử di sản của đảo quốc Caribe nói riêng, cũng như trong thế giới nhân văn và nghệ thuật nói chung. Trước đó, ông từng nhận Huân chương Victor Hugo và Huân chương Thập kỷ phát triển văn hóa thế giới do UNESCO trao tặng.

Con người tài ba, cống hiến hết mình vì Thủ đô Havana và đất nước Cuba này đã nỗ lực cho đến những giây phút cuối cùng. Khi ông qua đời (ngày 31-7-2020), trên báo Granma, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel vinh danh ông là “Người Cuba đã cứu Havana”. Dọc khắp trên nhiều con phố nhỏ của Habana cổ, người dân đã căng và treo các tấm khăn trải giường lớn bé (Sabanas blancas) để chào từ biệt và bày tỏ sự ngưỡng mộ cùng lòng biết ơn đối với ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người có công bảo tồn Khu phố cổ Havana