Di sản và sáng tạo: Kinh nghiệm từ Singapore

Phan Lương| 08/10/2020 16:52

(HNMCT) - Những năm gần đây, ngày càng nhiều thành phố trên thế giới thực hiện chiến lược phát triển kinh tế dựa trên văn hóa để hồi sinh khu vực đô thị thông qua phát triển di sản hay nền kinh tế sáng tạo. Thường thì chỉ một trong hai cách tiếp cận này được áp dụng (theo đặc thù), song tại khu vực Kampong Glam của Singapore, chính phủ và các tổ chức địa phương đã áp dụng cả hai phương thức nêu trên và thu được hiệu quả tương đối rõ ràng.

Các công trình kiến trúc Hồi giáo xen kẽ với cao ốc hiện đại tại khu Kampong Glam.

Khu dân cư Kampong Glam được chính phủ Singapore xếp vào dạng “khu vực bảo tồn” với ý nghĩa văn hóa và tôn giáo quan trọng đối với cộng đồng Hồi giáo ở nước này. Tuy nhiên, chính tại đây, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh tượng một loạt hàng quán thời thượng mở cửa với đám đông thanh niên và du khách đổ về mỗi tối. Kampong Glam ngày càng rõ là khu giải trí về đêm ở Singapore, một địa điểm lịch sử, tôn giáo và văn hóa có giá trị.

Không chỉ coi Kampong Glam là “khu vực bảo tồn”, chính phủ Singapore còn thúc đẩy nơi đây trở thành khu vực sáng tạo thực sự. Kinh tế sáng tạo và phát triển đô thị dựa trên di sản là chiến lược mà chính phủ Singapore theo đuổi.

Tại Singapore, Cơ quan tái thiết đô thị (URA) có thẩm quyền quyết định những di sản nào được chính thức xếp hạng, dựa trên việc phân loại theo 4 hệ sắc tộc chính ở đảo quốc này gồm: Hoa, Malaysia, Ấn Độ và những sắc tộc khác. Theo đó, Chinatown và Little India là những địa điểm lịch sử đại diện cho sắc tộc Hoa và Ấn, còn Kampong Glam là đại diện của cộng đồng Malaysia.

Nỗ lực bảo tồn di sản ở Singapore được bắt đầu từ giữa những năm 1980 khi tình trạng phát triển đô thị quá mức không được kiểm soát. Chiến lược phát triển của Kampong Glam được đúc rút từ kinh nghiệm phát triển Chinatown, ngăn chặn việc biến địa danh lịch sử này trở thành nơi dành riêng cho du khách trong khi người dân sở tại không thể tiếp cận.

Kampong Glam là trung tâm văn hóa xã hội có ý nghĩa lịch sử với cộng đồng người Malaysia Hồi giáo ở Singapore. Ở đây, có thể bắt gặp các chuỗi cửa hàng bán lẻ, trường dòng Hồi giáo, nghĩa trang hay công trình kiến trúc của người Arab và Malaysia. Xác định Kampong Glam là “khu vực bảo tồn”, chính phủ Singapore đã định vị nơi đây là một biểu tượng sắc tộc, một khu dân cư kinh tế sáng tạo gắn với mục đích thúc đẩy và quảng bá Singapore như một trung tâm văn hóa toàn cầu, biểu hiện qua chương trình “Thành phố toàn cầu vì nghệ thuật” được phát động năm 1995.

Từ năm 2000, những chính sách gắn với kế hoạch “Thành phố phục hưng” đã giúp ngành nghệ thuật nở rộ tại Singapore. Nhiều viện đào tạo nghệ thuật, bảo tàng và gallery mới xuất hiện, nhiều sự kiện nghệ thuật lớn được tổ chức cùng sự mở rộng của lĩnh vực truyền thông mới và chương trình ngoại giao văn hóa. Các cơ quan chính phủ như URA, Ủy ban Du lịch Singapore và Hội đồng Nghệ thuật quốc gia đã tạo điều kiện để phát triển kinh tế sáng tạo ở Kampong Glam. Các gallery nghệ thuật, tụ điểm giải trí và nhà hàng, quán cà phê thời thượng đã thu hút rất nhiều người “bên ngoài”, chủ yếu là giới truyền thông và công nghệ, nghệ sĩ, giới trẻ và du khách quốc tế...

Sự chuyển biến trong chiến lược phát triển Kampong Glam rất đáng chú ý. Theo thời gian, ngoài những kiến trúc và cửa hàng mang đặc điểm của cả hai cách tiếp cận di sản và kinh tế sáng tạo, tại Kampong Glam còn có những không gian trộn lẫn, chẳng hạn như một quán cà phê thời thượng có thể đối diện một cửa hàng ăn uống truyền thống của Singapore chuyên phục vụ đồ ăn Malaysia Hồi giáo. Hay một nhà hàng phục vụ đồ ăn có chứng chỉ Halal (chứng chỉ quốc tế cấp cho sản phẩm được cộng đồng Hồi giáo chấp nhận) song lại được thiết kế trẻ trung với phong cách bán hàng kiểu phương Tây.

Ví dụ trên cho thấy sự tương tác thực chất giữa kinh tế sáng tạo và di sản. Thậm chí hình ảnh này hoàn toàn “hữu lý” ở Singapore, bởi thuộc tính “trộn lẫn” và “lai” đã được ghi nhận trong lịch sử và văn hóa của đảo quốc này. Không gian sinh tồn chung giữa truyền thống và hiện đại, giữa tôn giáo và thế tục hoàn toàn phổ biến ở Singapore. Chính phủ cũng xác định đảo quốc này là giao điểm hòa hợp giữa Đông và Tây, nơi cũ và mới cùng tồn tại. Lựa chọn áp dụng cả hai chiến lược phát triển đô thị ở Kampong Glam thực chất phù hợp với logic lớn của Singapore về tính “lai” văn hóa xã hội. Đó cũng là cách giữ gìn bản sắc riêng (di sản) thông qua phát triển kinh tế sáng tạo ở Kampong Glam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản và sáng tạo: Kinh nghiệm từ Singapore