Bài học từ “Phong trào làm sạch quốc gia” ở Jordan

Quỳnh Dương| 03/04/2020 11:32

(HNMCT) - Nằm trải dài từ phía nam sa mạc Syria tới vịnh Aqaba, Jordan từng được xem là một trong những điểm đến sạch nhất thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, đất nước này phải đối mặt với tình trạng xả rác tràn lan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, một chiến dịch có tên “Phong trào làm sạch quốc gia” đã được phát động từ năm 2017. Sau 3 năm triển khai, chiến dịch này thu hút sự tham gia của hàng trăm nghìn người dân và Jordan đang dần lấy lại hình ảnh thơ mộng vốn có.

Người dân Jordan tích cực tham gia các chương trình nhặt rác làm sạch quốc gia.

Tại Jordan, câu chuyện đau đầu về rác thải là hậu quả của một thời gian dài đất nước này không dành sự quan tâm đúng mực tới việc thay đổi thói quen và nhận thức của người dân. Thông thường, vứt đầu thuốc lá xuống đất hoặc mang rác bỏ vào rừng vốn là hành động không có gì đáng bàn. Do đó, ở quốc gia này, người ta có thể nhìn thấy rác khắp mọi nơi, trên đường phố trung tâm, giữa các khu di tích và dồn thành núi ở những cánh rừng ven đô.

Theo thống kê của Bộ Môi trường, hằng năm có tới 3 triệu tấn rác được thải ra, trong đó 17% là rác thải nhựa. Nếu không nhanh chóng đưa ra những đối sách hợp lý, Jordan có thể sẽ bị “nhấn chìm” trong biển rác. Nhà hoạt động vì môi trường Ramzi Tabbalat cho biết: Jordan là quốc gia nằm sát sa mạc nên những không gian xanh rất hiếm hoi dù đây là nơi dã ngoại cuối tuần được nhiều người yêu thích. Cũng chính vì thế mà những cánh rừng đã trở thành “nạn nhân” đáng thương nhất của tình trạng vứt rác thải bừa bãi. Số lượng người mắc bệnh do môi trường ô nhiễm cũng tăng lên...

Trước nguy cơ ngày càng hiện hữu bắt nguồn từ sự thờ ơ với công tác bảo vệ môi trường, năm 2017, Bộ Môi trường Jordan đã phát động “cuộc chiến” chống lại rác thải. Thông qua chương trình có tên gọi “National clean up campaign” (tạm dịch là "Phong trào làm sạch quốc gia"), các nhà chức trách đã kêu gọi được hàng trăm nghìn người dân ở mọi tầng lớp tham gia. Bên cạnh những chính sách nhằm nâng cao nhận thức chung về tác hại của việc xả rác bừa bãi, đưa vấn đề này vào giáo dục trong trường học, chính phủ Jordan dành ưu tiên cho mục tiêu làm sạch môi trường trong chiến lược phát triển.

Ba năm qua, sự vào cuộc quyết liệt của chính phủ Jordan đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Người dân ở đất nước Trung Đông này đã nhận thức được tác hại của rác thải đối với sức khỏe, cuộc sống và cả nền kinh tế. Không chỉ tham gia các chiến dịch làm sạch không gian sống, nhiều tổ chức, cá nhân đã chủ động đưa ra ý tưởng giúp cải thiện môi trường và lan tỏa lối sống văn minh. Nhà hoạt động môi trường Ramzi Tabbalat là một trong những người thường xuyên đứng ra tổ chức các chuyến dã ngoại kết hợp nhặt rác làm sạch rừng. Theo ông, hoạt động này giúp cho những người tham gia có cái nhìn thực tế hơn và hiểu rõ hơn về “tiếng kêu cứu” từ không gian xanh.

Một nhà hoạt động đáng chú ý khác là bà Amal J. Madanat. Với mong muốn góp phần tạo ra những thế hệ trẻ có nhận thức cao về môi trường, bà Madanat đã dành một phần tài sản của mình để xây dựng những dự án dành cho trẻ em. Những dự án này không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn học sinh phân loại, bỏ rác đúng nơi quy định, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái chế và giá trị của các vật phẩm có thể được tạo ra từ chất thải. Chia sẻ về hoạt động của mình, Madanat cho biết bà bắt đầu tham gia “cuộc chiến” với rác thải từ việc thay đổi thói quen của chính mình như từ bỏ việc sử dụng đồ dùng bằng nhựa dùng một lần, suy nghĩ thật kỹ trước khi mua hoặc vứt đi bất kỳ cái gì. Bà rất vui mừng vì ngày càng có nhiều người cùng đồng hành với mục tiêu mang lại một tương lai tốt đẹp cho Jordan.

Những nỗ lực của chính phủ cùng sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân đã mang lại kết quả tích cực cho Jordan. Từ “Phong trào làm sạch quốc gia”, hiện tại, ở Jordan, các tổ chức môi trường đã “nhân bản” thành nhiều dự án khác như “Chiến dịch làm sạch hồ”, “Chiến dịch làm sạch biển” với những khẩu hiệu như “Môi trường của chúng ta, cuộc sống của chúng ta”. Nhờ đó, nhận thức của người dân đã được cải thiện đáng kể. Họ không chỉ tích cực tham gia vào các chương trình vận động của chính quyền địa phương mà còn tự tổ chức thu gom rác thải, làm sạch các khu di tích, du lịch và nơi công cộng.

Nhờ kết quả tích cực này, lượng khách du lịch tới Jordan đã tăng lên. Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Jordan, năm 2019, số lượt khách du lịch quốc tế đến nước này đã tăng 7,7% (lên 4,5 triệu lượt) so với năm 2018. Doanh thu từ du lịch cũng tăng 9,4%, đạt 4,9 tỷ USD. Đây chỉ là một phần lợi ích thu được từ những nỗ lực cải thiện môi trường của đất nước nằm bên bờ Biển Chết này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học từ “Phong trào làm sạch quốc gia” ở Jordan